Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh
Chiều ngày 16/01, Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016” do Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp và làm việc cùng đoàn có đồng chí Đặng Quốc Khánh Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh , Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, và các Sở, Ban ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đồng chí Lê Ngọc Châu, TUV - Giám đốc Sở Y tế - Phó Ban Thường trực BCĐ ATVSTP tỉnh báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSTP giai đoạn 2011 – 2016 tại tỉnh Hà Tĩnh.

Trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung triển khai xây dựng, quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, phát triển các mô hình sản xuất an toàn quản lý theo chuỗi như: Sản xuất rau, củ quả an toàn; phát triển và tiêu thụ chè; phát triển thủy sản; chăn nuôi theo xã trọng điểm, vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng các mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATVSTP, quản lý giết mổ.v.v.
Triển khai thực hiện đề án Quản lý chuỗi sản xuất, bảo quản, tiêu thụ lương thực, thực phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020. Cụ thể, Trong sản xuất, kinh doanh rau, quả tươi sống bước đầu đã hình thành một số vùng tập trung với tổng diện tích 117,28 ha đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn; Trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật được chú trọng phát triển, đến nay đã thành lập được 316 hợp tác xã, tổ hợp tác chiếm 64 % toàn tỉnh; Về quản lý giết mổ đã xây dựng mới và nâng cấp được 39 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (38 cơ sở giết mổ gia súc và 01 chợ buôn bán, giết mổ gia cầm), 01 nhà máy giết mổ, chế biến súc sản, các cơ sở hoạt động có hiệu quả,tỷ lệ giết mổ tập trung đối với trâu,bò bình quân 81/89 con/ngày, đạt khoảng 89%; Lợn bình quân 908/1401con/ngày, đạt khoảng 65%; Công tác quản lý, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã thực hiện kiểm dịch 100% số lô động vật, sản phẩm động vật vận chuyển đúng quy định, quy trình và thời gian theo thủ tục hành chính.

Trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tươi sống đến nay toàn tỉnh hiện có 7.820 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 2.777 ha trồng vùng nước mặn lợ, 5.043 ha nước ngọt. Hướng dẫn, khuyến khích chỉ đạo các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay đã xây dựng 06 vùng nuôi áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP (Thạch Long, Thạch Khê - Thạch Hà; Xuân Đan - Nghi Xuân; Hộ Độ - Lộc Hà; Cẩm Lộc - Cẩm Xuyên; Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh). Về khai thác: Tính đến ngày 30/10/2016, toàn tỉnh có tổng cộng 6.983 tàu, thuyền các loại; trong đó, tổng số tàu đã được đăng ký là 3.826 chiếc. Công tác giám sát an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên theo quy định, đảm bảo không gây mất an toàn cho các sản phẩm được khai thác, đánh bắt. Về chế biến thủy sản tươi sống: Toàn tỉnh hiện có 2 nhà máy chế biến thủy sản, 45 cơ sở thu gom, bảo quản, sơ chế thủy sản, 27 cơ sở chế biến nước mắm, sản phẩm dạng mắm, thủy sản khô. Tất cả các cơ sở đều được kiểm tra, đánh giá, phân loại theo Thông tư 45 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Về công tác kiểm soát các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm hàng năm Sở Y tế cùng các ngành chức năng đã xây dựng chương trình lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011-2016 đã tiến hành lấy và xét nghiệm 17.345 mẫu thực phẩm các loại, dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm để kiểm nghiệm. Kết quả có có 93.3% mẫu đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; mẫu thực phẩm các loại gồm bia, rượu, nước giải khát, nước uống đóng chai, bánh kẹo, sữa chế biến, dầu thực vật …kiểm nghiệm các chỉ tiêu về vi sinh đạt 180/185 mẫu; mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý đạt 16.005/16.108 mẫu…Riêng trong năm 2016, do sự cố môi trường biển, ngành Y tế phối hợp cùng các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các cảng cá, bến cá, tiến hành lấy 1.326 mẫu thủy, hải sản, muối để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP, công bố kịp thời các thông tin đến nguời tiêu dùng bảo đảm ATVSTP; Về công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Từ năm 2011-2016, toàn tỉnh đã tổ chức 8.450 lượt đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đã kiểm tra 76.999 lượt cơ sở; số lượt cơ sở đạt yêu cầu 67.000 (chiếm tỷ lệ 87%), xử lý vi phạm hành chính 6.331 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.

Phát buổi tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Vinh Hà và đồng chí Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đã thay mặt 2 tổ công tác của đoàn báo cáo kết quả giám sát một số cơ sở giết mổ gia súc, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh.... qua giám sát cho thấy các mô hình thì điểm về giết mổ tập trung, trồng rau an toàn được quy hoạch tốt, được tỉnh đầu tư, đặc biệt các gia súc, gia cầm đến giết mổ đều có nguồn gốc rõ ràng, được cán bộ thú y kiểm tra đóng dấu đầy đủ; các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư bài bản, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo ATVSTP, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được các hợp tác xã sử dụng an toàn hợp lý... tuy nhiên, trong quá trình giám sát vẫn còn một số tồn tại như thực phẩm được đưa về tiêu thụ không qua chợ đầu mối (do chưa có) nên khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, đang tiềm ẩn nhiều mối nguy mất ATTP; Quản lý chuỗi cung cấp thực phẩm “Từ trang trại đến bàn ăn” tuy đã được kiểm soát nhưng việc quản lý, giám sát đạt hiệu quả chưa cao; Điều kiện vệ sinh tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn đang tồn tại...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung như: Tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH 12 ngày 19/6/2009 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm liên quan, trong đó có điều kiện an toàn thực phẩm siêu thị, chợ; bố trí ngân sách đảm bảo đầu tư xây dựng hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Dũng trưởng đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh trong việc đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Hà Tĩnh trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Về công tác giết mổ bước đầu đã thành lập các cơ sở giết mổ tập trung xa khu dân cư do vậy công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước thải được đảm bảo nên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; về vấn đề rau sạch, qua khảo sát cho thấy bà con nông dân rất phấn khởi vì bước đầu đã cho thu nhập tăng 3 đến 5 lần so với trong lúa; tại các chợ không có tình trạng giết mổ, gia súc, gia cầm trong chợ… tuy nhiên, bên cạnh đó đồng chí cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới, trong đó quan tâm mở rộng quy mô các lò giết mổ tập trung; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuấn Dũng