• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá, nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp

Nhiều người cho rằng những ai hút thuốc lá mới chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tác hại của thuốc lá. Nhưng thực tế, những người không hút thuốc mà thường xuyên hít khói thuốc lá của người khác (tức là hút thuốc lá thụ động) cũng phải gánh chịu những hậu quả tương tự như người hút thuốc. Trẻ em là đối tượng nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng nhất do hút thuốc lá thụ động gây nên.

Cháu N.Đ.D (3 tuổi) ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà thường xuyên nhập viện điều trị do bị viêm phổi và tái đi tái lại nhiều lần. Mẹ của D, chị D.T.H cho biết: Chồng tôi là người nghiện hút thuốc lá nặng, một ngày có thể hút hơn 1 bao và hút bất kỳ nơi nào ngay cả khi trong nhà có trẻ nhỏ. Không gian nhà chật hẹp, bố lại hút thuốc lá thường xuyên nên con trai nhỏ mới 3 tuổi đã mắc các bệnh về đường hô hấp, gần đây nhất thì bị viêm phổi và hay tái phát. Bác sĩ điều trị cho cháu cũng đã cảnh báo về những tác hạihậu quả của việc trẻ hít khói thuốc nên chồng tôi đã chú ý hơn, mỗi khi hút đều ra ngoài.  

Khi trẻ bị ảnh hưởng bởi thuốc lá sẽ làm giảm chức năng hô hấp, tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi, viêm phổi, viêm phế quản, hay bị ho, thở khò khè. Ảnh một bé bị viêm phổi do có tiền sử người nhà hút thuốc lá.

 

Còn đối với chị L.T.K, ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc đang chăm sóc con 8 tháng tuổi, tại khoa nhi, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà chia sẻ: Ở nhà cháu thường xuyên bị thở khò khè và ho nhiều không đỡ. Gia đình đưa đến đây khám và điều trị, các bác sĩ cho biết, cháu đang bị viêm phế quản. Khi bác sĩ hỏi ra, tôi mới hay, trong nhà có ông nội và chồng đều là những người hút thuốc lá. Mỗi lần hút mặc dù đã ra ngoài sân nhưng vẫn không tránh khỏi cháu bị hít phải khói thuốc lá thụ động.

Bác sĩ Hoàng Văn Thành, Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí nhiều giờ kể cả khi không nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Do đó, hút thuốc lá thụ động đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em vì các hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, chúng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc có trong khói thuốc, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh, như: tim mạch, hen phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi, suy dinh dưỡng, nhẹ cân, mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bệnh viêm tai giữa…

“khi trẻ bị ảnh hưởng bởi thuốc lá sẽ làm giảm chức năng hô hấp, sức khỏe kém, tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi, viêm phổi, viêm phế quản, hay bị ho, thở khò khè. Khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em, khi trẻ đã bị hen suyễn mà hít thở không khí có khói thuốc sẽ lên cơn hen nhiều hơn và bệnh cũng trầm trọng hơn. Hút thuốc lá thụ động gây ra những hậu quả lâu dài cho trẻ em như làm lão hóa mạch máu sớm, làm dày thành mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ sau này, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác”, bác sỹ Đặng Quang Minh - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ thêm.   

Trên thế giới, việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng đã được áp dụng từ lâu, nhưng ở Việt Nam quy định này vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Thuốc lá vẫn hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi, thậm chí, nhiều ông bố còn hút thuốc lá ngay trong nhà khi đang có con nhỏ hoặc vợ đang mang thai. Sự chủ quan này sẽ để lại hậu quả khôn lường đến sức khỏe của trẻ về sau.  

Theo số liệu thống kê của Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà tại Việt Nam là 67% và tại nơi làm việc là 49%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ lên tới 70% và của trẻ em là gần 50%. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi khói thuốc lá không chỉ tàn phá sức khoẻ của người hút mà còn để lại hậu quả vô cùng lớn cho người hít phải, đặc biệt là ở trẻ em. Vì thế, để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, trong gia đình nếu có người hút thuốc cần cố gắng cai thuốc, hạn chế trẻ đến nơi đông người, nhất là nơi có nhiều người hút thuốc lá. Nếu trẻ thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, cần kiểm tra sức khoẻ của trẻ thường xuyên, định kỳ để tầm soát sức khoẻ và có những can thiệp sớm giúp trẻ khoẻ mạnh, phát triển toàn diện./.

Nhật Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.381
Tháng 09 : 280.708
Năm 2024 : 2.245.924
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.044.438