Thực phẩm chức năng - Đừng lạm dụng và ảo tưởng
Tuy chỉ xuất hiện ồ ạt khoảng vài năm nay nhưng có hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường.
Tuy chỉ xuất hiện ồ ạt khoảng vài năm nay nhưng có hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường. Do nhịp sống hối hả, con người cuốn vào guồng máy lao động kiếm tiền nên chế độ ăn uống không khoa học. Vì vậy mà nhiều người thiếu chất nghiêm trọng. Để bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, phòng bệnh do thiếu những chất đó, người ta tìm đến TPCN. Tuy nhiên, việc lạm dụng TPCN, tin quá nhiều vào đó là điều không tốt.
Người tiêu dùng cần thận trọng với các quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng công dụng. Ảnh: TM
Hiện nay, TPCN quảng cáo rầm rộ trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Nhiều nhà đài “sống khỏe” nhờ quảng cáo TPCN. Tần suất quảng cáo càng dày khi bộ phim đó đang ăn khách, ở giờ vàng. TPCN thường được phóng đại công dụng nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Chẳng hạn như quảng cáo một số loại thuốc giảm cân, uống vào sẽ “dáng đẹp eo thon” mà chẳng cần nhọc sức. Sự thật về tác dụng chưa biết ra sao, nhưng cứ xét theo khoa học đơn thuần đã được chứng minh, chẳng có phương pháp giảm cân nào hiệu quả bằng việc tập thể dục và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hay quảng cáo về một loại “gạo sạch chữa bách bệnh”, nghe qua câu slogan đã thấy choáng váng, bởi gạo đơn thuần chưa bao giờ trị bệnh.
Chưa hết, mặc dù quy định của Bộ Y tế bắt buộc trên nhãn sản phẩm TPCN không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào, riêng sản phẩm chứa hoạt chất sinh học, bắt buộc phải ghi dòng chữ “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhưng hiện nhiều quảng cáo trên các kênh thông tin, nhà sản xuất, phân phối sản phẩm TPCN đang “hướng dẫn” khách hàng tiềm năng trị bệnh bằng TPCN bằng việc liệt kê kèm theo hàng loạt các bệnh như thấp khớp, viêm mũi, viêm đại tràng... đều khỏi hẳn nhờ có thực phẩm này.
Về giá cả, bởi do TPCN không bị nhà nước quy định về giá như thuốc nên các doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý tự đưa ra mức giá dẫn đến việc loạn giá.
Để dùng TPCN an toàn, tiết kiệm, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua. Nên mua hàng rõ nguồn gốc, chính hãng (có mã vạch và tem chống hàng giả) để tránh tiền mất tật mang. Tuyệt đối không mua hàng xách tay vì không rõ nguồn gốc, không có nhà phân phối chính thức, khó có thể kiện khi sản phẩm gây tác dụng ngược. Điều quan trọng là mọi người nên ăn uống điều độ, thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe, như vậy không cần phải lệ thuộc vào TPCN.
Theo: Báo SKĐS