• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng

Dù đã đạt những kết quả nhất định, kể cả đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới năm tuổi trước thời hạn, nhưng thực tế, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng (vi-ta-min A, thiếu máu do thiếu sắt, kẽm, i-ốt) vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Điều đó đặt ra cho các cơ quan liên quan cần có những giải pháp phù hợp.

Dù đã đạt những kết quả nhất định, kể cả đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới năm tuổi trước thời hạn, nhưng thực tế, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng (vi-ta-min A, thiếu máu do thiếu sắt, kẽm, i-ốt) vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Điều đó đặt ra cho các cơ quan liên quan cần có những giải pháp phù hợp.

VI-TA-MIN A rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng của trẻ, tham gia vào đáp ứng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn. Thiếu vi-ta-min A gây nên bệnh khô mắt, thậm chí gây mù, giảm sức đề kháng, tăng tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong, làm tăng tỷ lệ trẻ thấp còi và nhẹ cân. Do tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi bị khô mắt có tổn thương giác mạc hoạt tính là 0,07%, cao gấp bảy lần ngưỡng ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1993, hoạt động bổ sung vi-ta-min A liều cao được triển khai trong cả nước cho tất cả các trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Nhờ đó, tỷ lệ khô mắt đã hạ thấp dưới ngưỡng quy định, Việt Nam đã được WHO công nhận thanh toán thiếu vi-ta-min A thể lâm sàng. Tuy nhiên hiện nay thiếu vi-tamin A tiền lâm sàng (vi-ta-min A trong huyết thanh thấp) vẫn còn ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ thiếu Vi-tamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới năm tuổi là 14,2%, có khu vực lên tới khoảng 20%. WHO vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vi-ta-min A tiền lâm sàng mức độ nặng.

Cho trẻ uống VitaminA tại Trạm Y tế xã phường Thạch Quý - Thành phố Hà Tĩnh

Kết quả điều tra toàn quốc gần đây cho thấy có 36,5% số phụ nữ có thai, 28,8% số phụ nữ không có thai, 29,2% số trẻ em dưới năm tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi (xấp xỉ 45%), sau đó giảm dần. Khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ thiếu máu cao nhất (43%); đồng bằng sông Hồng và vùng thành phố có tỷ lệ thiếu máu thấp nhất, nhưng vẫn ở mức khoảng 20%. Tỷ lệ thiếu máu có xu hướng giảm, tuy nhiên giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (gần 20%). Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ; giảm khả năng lao động và học tập, sức khỏe kém. Phụ nữ có thai thiếu máu dễ dẫn đến sẩy thai, đẻ non, con sinh ra có nguy cơ nhẹ cân.

Thiếu kẽm ở Việt Nam cũng là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Kết quả Điều tra về tình trạng dinh dưỡng tại sáu tỉnh cho thấy, tỷ lệ phụ nữ có thai bị thiếu kẽm là 90%, ở trẻ em dưới năm tuổi là 81,2% và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 65%. Trong khi đó, kẽm rất cần cho quá trình tăng trưởng, tăng cường chức năng miễn dịch, hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp...), tham gia vào hoạt động của các en-zym, phân chia tế bào, phát triển cơ thể. Thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em.

I-ốt cũng rất cần cho việc tổng hợp hormone tuyến giáp, tăng trưởng, thiếu i-ốt gây thiểu năng trí tuệ, thậm chí gây đần độn. Nhưng hiện nay, tỷ lệ người có nguy cơ bị các rối loạn do thiếu i-ốt lại đang có xu hướng gia tăng do độ bao phủ muối i-ốt ở nhiều địa phương ngày càng giảm.

Theo PGS, TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Dinh Dưỡng (Bộ Y tế), cùng với hoạt động tích cực trong phòng, chống suy dinh dưỡng thì phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cũng hết sức quan trọng vừa để đẩy lùi "nạn đói tiềm ẩn", nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam. Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là mục tiêu của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2011 - 2020. Chiến lược phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp và bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Các địa phương cần tổ chức tốt các chiến dịch bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Đáng chú ý, tăng cường vi chất vào thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Tăng cường vi chất vào thực phẩm đã được áp dụng ở nhiều nước và được xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu, đã được nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị để hướng tới thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, tạo được thói quen của người tiêu dùng đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện có kết quả chương trình, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Do đó, thanh toán nạn đói các vi chất dinh dưỡng là một thách thức về xã hội hơn là kỹ thuật đơn thuần và việc tăng cường vi chất vào thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là cần thiết, đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, áp dụng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Từ năm 2010, LHQ đã phát động phong trào Đẩy mạnh Dinh dưỡng (SUN) toàn cầu hướng tới đầu tư cho dinh dưỡng để giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo. SUN là phong trào duy nhất dựa trên nguyên tắc là tất cả mọi người đều có quyền được hưởng thực phẩm và dinh dưỡng tốt. Chính thức tham gia từ tháng 1-2014, định hướng của SUN Việt Nam dựa trên cơ sở của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 được kỳ vọng là một hướng tiếp cận mới để góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Mạng lưới hoạt động liên ngành của SUN định kỳ tổ chức họp nhằm thảo luận giải pháp hướng tới các mục tiêu và trọng tâm ưu tiên đã đề ra. Mục tiêu của SUN Việt Nam là "Tăng cường đầu tư cho các can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu; tạo ra nhiều dinh dưỡng hơn từ các can thiệp liên ngành".

Theo: Báo Nhân dân


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.114
Tháng 04 : 194.259
Năm 2025 : 753.470
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.580.754