• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nối tiếp những ước mơ cho người bệnh

Nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi chức năng(PHCN) ngày càng cao của nhân dân, bệnh viện PHCNHà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực và khẳng định được thương hiệu, trở thành địa chỉ tin cậy về PHCNcho người dân Hà Tĩnh.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi chức năng(PHCN) ngày càng cao của nhân dân, bệnh viện PHCNHà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực và khẳng định được thương hiệu, trở thành địa chỉ tin cậy về PHCNcho người dân Hà Tĩnh. Chẳng phép thuật, chẳng thần tiên, chỉ nhờ kỹ năng truyền đạt và sự tận tụy của các y, bác sĩ nơi đây, nhiều trường hợp bị tai nạn hay tai biến đột qụy, trẻ nhỏ chậm nói… đã “phục hồi” hiệu quả các chức năng của mình. Đây cũng chính là nơi nhiều người bệnh có thể nối tiếp những ước mơ còn dang dở tưởng chừng như không thể thực hiện. Giờ đây họ có thể tự tin hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn khi trở về hòa nhập với cộng đồng.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Lịch được tận tình chăm sóc tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh

Khi đang ở 26 tuổi tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ với bao hoài bão thì em Nguyễn Văn Lịch, trú tại Thạch Bàn, Thạch Hà bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông. Trải qua 4 đợt phẫu thuật chấn thương sọ não ở một số bệnh viện lớn ngoài Hà Nội, đầu năm 2017, em được gia đình đưa đến PHCN tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh trong tình trạng liệt hai tay, hai chân, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Bên cạnh sự kiên trì hỗ trợ của người thân trong gia đình, em được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc chu đáo,tích cực áp dụng các phương pháp điều trị, phục hồi. Khi chúng tôi đến bệnh viện cũng là lúc em đang tập đi, bà Nguyễn Thị Trang (mẹ em) hôm nay đã không phải dìu em như ngày mới nhập viện, phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày cháu bị tai nạn, tôi theo con hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, chưa một đêm được ngủ ngon, chưa một ngày được vui vẻ. Thế mà giờ đây cháu đã tự đứng dậy, tự cầm thìa xúc ăn, tự chăm sóc cá nhân. Cả nhà tôi mừng rơi nước mắt”. Chúng tôi nhớ mãi nụ cười hạnh phúc trong ánh nhìn nghiêng nghiêng của em Lịch. Đằng sau đó là những nụ cười lặng lẽ, ấm áp của đội ngũ kỹ thuật viên và bác sĩ nơi đây, vì chính họ đã góp sức to lớn đưa em trở về cuộc sống bình thường. Mùa xuân đang về trên mọi miền đất nước mang theo nhiều hy vọng và Lịch cũng ước mong em sẽ nhanh chóng lành hẳn bệnh để được đi học nghề và làm một việc gì đó tự nuôi sống bản thân mình khi đã 29 tuổi tròn.

Cũng như gia đình bệnh nhân Lịch, gia đình bé Nguyễn Minh Đ, trú tại huyện Hương Khê không giấu được niềm vui sướng vì họ không dám nghĩ rằng cháu Đcó thể tiến bộ nhanh như ngày hôm nay bởi trước khi được can thiệp tại bệnh viện PHCN, cháu là trẻ tự kỷ ở mức độ nặng. Dù đã 4 tuổi nhưng ở nhà cháu chỉ chơi một mình, không nói, không chịu giao tiếp; thường xuyên la hét và không chịu được sự tác động của âm thanh xung quanh. Suốt 2 năm chữa trị tại bệnh viện, đội ngũ y, bác sỹ ở đây đã dốc toàn bộ tâm huyết, mang kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; sử dụng các biện pháp can thiệp cá nhân như phân tích hành vi ứng dụng, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu điều hòa cảm giác và can thiệp nhóm…để giúp cháu Đ chóng khỏi. Nhờ nỗ lực đó, đến nay, cháu Đ đã đi học, giao tiếp và có thể nói được câu dài như bao bạn đồng lứa. Đ vừa chữa trị ở viện, vừa đi học ở trường, biết đọc, biết làm phép tính.

Đến Bệnh viện PHCN tỉnh, không khó để chúng ta bắt gặp những trường hợp như trên. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung là đều khó khăn và bị khuyết tật vận động nặng, trong đó chủ yếu là các bệnh mãn tính và các di chứng tàn tật do tai biến mạch máu não sau chấn thương não, gãy xương… Nhằm đón đầu xu hướng thay đổi mô hình bệnh tật và đáp ứng yêu cầu về PHCN ngày càng cao của nhân dân, bệnh viện đã tập trung PHCN theo hướng đa dạng nhiều loại bệnh tật; xây dựng và ban hành 131 quy trình vật lý trị liệu, chăm sóc người bệnh; bổ sung nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại hỗ trợ PHCN. Hiện bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới về vật lý trị liệu, PHCN mang lại hiệu quả cao như: điều trị cho trẻ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ; laser châm, đắp nến; tiêm phennol vào hạch trong điều trị gồng cứng và giảm đau; điều trị tiền liệt tuyến bằng máy điện từ trường; tiêm ngoài màng cứng trong điều trị thoát vị đĩa đệm…Vì vậy, năm 2018 số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 6.235 lượt, tăng 21% so với năm 2017; công suất giường bệnh thực hiện đạt 104%.

Theo kỹ thuật viên Tạ Quang Huế chuyên điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Lịch chia sẻ: “Mục đích cuối cùng của PHCN và vật lý trị liệu là giúp người khuyết tật trở lại hoạt động bình thường và hòa nhập cộng đồng. Nếu người bệnh kiên trì và giữ vững tâm lý thì chúng tôi lại càng cần kiên trì, động viên họ tập luyện lâu dài để đạt kết quả cao nhất. Với bệnh nhân mất chức năng hoạt động một bộ phận nào đó trên cơ thể, kỹ thuật viên phải dùng sức mình nâng đỡ, tập luyện cho bệnh nhân nên rất vất vả. Ngoài những bệnh nhân tự đến phòng tập, chúng tôi còn thay phiên nhau đến từng giường bệnh, tập luyện cho bệnh nhân để sớm hồi phục các chức năng lại cho họ. Có dịp tiếp xúc với bệnh nhân mỗi ngày, thời gian điều trị cho họ được tính bằng tháng, bằng năm. Dần dần, họ trở thành bạn với chúng tôi, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Chúng tôi tự đặt mình vào vị trí của họ để hiểu họ hơn, chia sẻ, động viên và tránh làm họ tổn thương thêm”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diện- Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh cho biết: Bệnh nhân được can thiệp PHCN ngay từ đầu thì sẽ phục hồi sớm, hạn chế các biến chứng như co rút cơ, cứng khớp…, có thể thực hiện được tối đa những chức năng đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm khả năng gây nên, có thể sống độc lập tối đa, hòa nhập hoặc tái hòa nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng và tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhằm đáp ứng yêu cầu về PHCN ngày càng cao của nhân dân, bệnh viện đã tập trung PHCN theo hướng đa dạng nhiều loại bệnh tật, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, PHCN để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, đặt lợi ích, an toàn của người bệnh lên trên hết. Cùng với việc cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyển giao các kỹ thuật mới, bệnh viện không ngừng nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo mô hình bệnh viện chuẩn quốc tế.

Đoàn Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 644
Tháng 05 : 127.415
Năm 2024 : 846.714
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.645.228