Bệnh da mùa hè và cách dự phòng
Vào mùa hè nắng, môi trường nóng, ẩm dễ mắc các bệnh ngoài da và có thể bội nhiễm nặng do thiếu vệ sinh. Do đó muốn dự phòng bệnh da vào mùa hè cần tăng cường vệ sinh cá nhân cơ thể, giữ cho da luôn khô, thoáng, tránh cho vi khuẩn, vi rút, nấm phát triển; cần có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các loại vitamin, ăn nhiều rau, quả tránh các thức ăn kích thích, cay, nóng.
Bệnh viêm da liên cầu: do liên cầu khuẩn phối hợp với tụ cầu gây bệnh, thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện: xuất hiện tổn thương bọng nước, mụn nước lùng nhùng hình tròn, có quầng viêm đỏ, bọng nước trong, dần dần chuyển sang màu đục sau đó vỡ ra và đóng vảy tiết màu vàng, dưới lớp vảy thường chợt đỏ nông vị trí hay giặp là đầu, mặt, cổ, các chi và lan ra nhiều vị trí khác. Khi viêm da liên cầu cần chú ý vệ sinh vùng da bị tổn thương bằng các dung dịch sát khuẩn, nếu có bọng mủ dùng kim sát khuẩn chọc hút mủ thấm vào bông, không để lan ra vùng da lành, dùng thuốc sát trùng như xanhmetylen, milian, eosin2%, có thể dùng các mỡ kháng sinh bôi tại chỗ như Fucidine, Bactroban, clorocid..

Bệnh nhọt: Thường xuất hiện đột ngột như vết sưng màu hồng hoặc đỏ đau, da xung quanh cũng đỏ và sưng lên, sau một vài ngày vết sưng hóa mủ, nhọt có thể xuất hiện bất cứ ở đâu trên da nhưng chủ yếu vẫn là ở cổ, mặt, nách, mông, đùi vùng có lông, tóc dễ đổ mồ hôi. Khi bị nhọt dùng các thuốc sát trùng và kháng sinh bôi tại chỗ như xanhmetylen, fucidin, tetraciline, bactrobban…
Bệnh viêm nang lông : Là căn bệnh khá phổ biến ngoài da, biểu hiện các mụn mủ nhỏ khu trú ở nang lông, căn nguyên thường do tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, một số trực khuẩn gram âm…tùy vào từng tác nhân gây bệnh mà có từng thuốc điều trị khác nhau. Các yếu tố: môi trường bị ô nhiễm, nhiễm các chất phóng xạ… có thể tác động trực tiếp lên da gây nên viêm nang lông. Để dự phòng viêm nang lông nên tăng cường vệ sinh thân thể giữ cho da khô về mùa hè, gội hoặc tắm các loại dầu thích hợp, nếu da nhờn thì có thể dùng các loại xà phòng giảm nhờn, giảm ăn các chất bột, đường, tăng cường vitamin nhóm B. Khi có biểu hiện viêm nang lông nên đến khám các cơ sở y tế có bác sỹ chuyên khoa da liễu.

Bệnh viêm da tiếp xúc : Là bệnh thường xẩy ra và hay gặp vào mùa hè, khi da tiếp xúc trực tiếp với chất nhất định, người bị dị ứng sẽ có biểu hiện mẩn đỏ, ngứa, phát ban gây khó chịu hoặc viêm đỏ, rỉ nước, phù nề sau đó khô và đóng vảy, có thể chợt da, khi bị viêm da tiếp xúc phải xác định yếu tố nào gây kích thích và tiếp xúc với chất đó. Sử dụng thuốc điều trị thì tùy thuộc mức độ tổn thương của bệnh. Cách tốt nhất là phải phòng ngừa viêm da tiếp xúc, tránh tiếp xúc với các chất độc gây kích ứng trên da hoặc loại bỏ bằng cách rửa nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý ( Nacl 0,9%), treo găng tay, mặc quần áo bảo hộ để che chắn làn da chống lại các tác nhân có hại.
Bệnh nấm da : Là bệnh da hay gặp, phát triển thuận lợi ở môi trường nóng, ẩm có nhiều chất dinh dưỡng và trên cơ thể suy giảm miễn dịch. Nấm thường gây bệnh trên bề mặt da và nơi có chất sừng như lông, tóc, móng. Mùa hè nóng , ẩm dễ bị nhiễm nấm vị trí xuất hiện như kẻ ngón chân, các nếp gấp cổ tay, chân, vùng bẹn… Khi bị nhiễm nấm trên da biểu hiện lúc đầu có màu hơi đỏ, ranh giới rõ, có bờ viền hình tròn hoặc bầu dục, dần dần lan thành đám có thể nhiễm thêm các vi khuẩn khác do chà xát hoặc điều trị không đúng. Khi bị nhiễm nấm da cần được tư vấn bác sĩ da liễu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian tránh tự dùng các loại hóa chất bôi lên da như axit, pin đèn, kiến khoang… Kết hợp với điều trị nấm phải có biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giặt luộc quần, áo, phơi nắng, lộn trái đồ khi phơi, tránh mặc quần, áo bó chặt.
Bệnh thủy đậu : Bệnh xuất hiện các nốt ban đỏ, gây ngứa lan từ thân lên cổ, mặt và các chi. Thời gian khoảng 7 đến 10 ngày các nốt chuyển từ các nốt sưng đỏ sang các nốt phỏng rộp chứa dịch ( mụn nước), sau đó khô và đóng vảy, các mụn nước có thể xuất hiện trên đầu, miệng, xung quanh mắt và bộ phận sinh dục chu kỳ này có thể lặp lại các vùng da khác trên cơ thể, có thể lành sau 2 tuần, bệnh lây lan mạnh cho đến khi các mụn nước trên da khô và không có mụn mới xuất hiện trong một ngày. Bệnh thủy đậu thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và có thể thành dịch. Nếu bị thủy đậu hãy để trẻ ở nhà cho đến khi các mụn nước khô lại và bong vảy ra hết, giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày giữ da khô, thoáng, tránh chà xát, cào gãi, dùng các thuốc sát khuẩn chấm lên như casstellani, milian… ăn uống đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin.
BS Lê Viết Long