Chung tay phòng chống bệnh đái tháo đường
Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Sau 10 năm tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần, từ gần 3% lên đến 5,4% dân số. Còn tại Hà Tĩnh, theo số liệu thống kê báo cáo tại các bệnh viện đa khoa trên toàn tỉnh, hiện nay các bệnh viện đang quản lý và điều trị ngoại trú cho hơn 10.370 bệnh nhân ĐTĐ, trong đó có đến trên 80% bệnh nhân khi đến điều trị đã quá muộn, kèm theo một số biến chứng. Tuy nhiên, điều đáng báo động là đa số bệnh nhân ĐTĐ không hề biết mình bị mắc bệnh, nên không điều trị và một số bệnh nhân điều trị không đúng phác đồ, đến khi bệnh nặng lên, kèm theo các biến chứng thì mới đi điều trị.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Tơ (67 tuổi) ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng do bệnh ĐTĐ, bà cho biết: "cách đây 3 năm tình cờ đi khám bệnh đau đầu, chống mặt thì mới biết là bị suy thận do biến chứng của bệnh ĐTĐ, do bệnh nặng nên phải chạy thận nhân tạo. Trước khi chưa biết mình mắc bệnh ĐTĐ tôi không thực hiện chế độ ăn uống hợp lý và điều trị kịp thời nên bệnh đã biến chứng, bây giờ mới điều trị thì cũng đã quá muộn".
Điển hình tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Khoa Nội tiết cho biết: bệnh ĐTĐ được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh diễn biến âm thầm, đặc biệt ở giai đoạn đầu không có biểu hiện gì rõ rệt. Vì thế, người dân còn chủ quan, không đi khám sức khỏe định kỳ, đến khi bệnh nặng mới vào điều trị. Trong những năm gần đây, số bệnh nhân ĐTĐ vào khám và điều trị tại khoa ngày càng gia tăng, chủ yếu ở lứa tuổi từ 50 đến 65; thời gian gần đây đã có xu hướng trẻ hóa, số bệnh nhân từ 35 đến 40 tuổi xuất hiện càng nhiều. Trung bình mỗi năm khoa khám, quản lý và điều trị cho 800 đến 1.000 bệnh nhân ngoại trú và trên 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong đó có trên 90% bệnh nhân nặng, có các biến chứng nguy hiểm như: hôn mê, nhiễm trùng cấp tính, xơ vữa mạch vành, mạch não, bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh lý cầu thận, bệnh lý thần kinh cảm giác, vận động, loét ổ gà, loét chân…

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Linh, phụ trách đơn vị tư vấn, điều trị ngoại trú bệnh ĐTĐ, Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc thì từ năm 2013 đến nay, bệnh viện đã quản lý, điều trị ngoại trú cho 601 bệnh nhân ĐTĐ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay bệnh viện đã phát hiện 400 bệnh nhân ĐTĐ; trong đó có gần 100% bệnh nhân ĐTĐ đã có các biến chứng về mắt, thận, thần kinh ngoại biên…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: do lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và sự đô thị hóa; nhận thức của người dân còn thấp, hầu hết người dân còn chủ quan với bệnh ĐTĐ; một số bệnh nhân ĐTĐ không tuân thủ điều trị dẫn đến các biến chứng; hoạt động phòng, chống bệnh ĐTĐ chưa tập trung vào công tác phòng bệnh mà chủ yếu tập trung vào khám, điều trị tại các bệnh viện; hầu hết các Trạm y tế xã thiếu trang thiết bị thiết yếu và chưa đủ năng lực sàng lọc, phát hiện sớm, chăm sóc, quản lý người bệnh mạn tính liên tục và lâu dài, dẫn tới quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.… Để cải thiện thực trạng này, theo bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Hiện nay, các bệnh viện đa khoa trên toàn tỉnh đã thành lập đơn vị tư vấn, quản lý điều trị ngoại trú bệnh ĐTĐ, tuy nhiên đây chỉ là giải quyết tình thế, công tác y tế dự phòng, nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, tránh bệnh ĐTĐ; các biến chứng liên quan đến ĐTĐ là cái gốc. Trong những năm gần đây, mỗi năm Trung tâm khám sàng lọc, tư vấn bệnh ĐTĐ cho khoảng 300 đến 500 người tại 2 đến 3 xã có nguy cơ. Qua khám sàng lọc, phát hiện hơn 40 bệnh nhân ĐTĐ và trên 100 bệnh nhân tiền ĐTĐ. Điều đáng báo động là có khoảng gần 50% số người mắc bệnh ĐTĐ không hề biết mình bị mắc bệnh; khoảng 40% bệnh nhân ĐTĐ không được điều trị; 10% bệnh nhân ĐTĐ điều trị không đúng phác đồ. Tuy nhiên, thời gian qua công tác khám sàng lọc chưa được thường xuyên và đồng bộ.

Theo bác sĩ Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế: trước thực trạng, nguy cơ, diễn biến và tính chất nguy hiểm của bệnh ĐTĐ trên địa bàn đang là mối nguy thách thức đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ĐTĐ, giai đoạn 2016-2025, với mục tiêu, khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc bệnh, trong đó, tập trung vào các giải pháp: tăng cường hệ thống y tế để chủ động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ĐTĐ; nâng cao năng lực chuyên môn và củng cố mạng lưới thông tin, giám sát, thống kê; dự phòng tương ứng với mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển của bệnh; tăng cường truyền thông và huy động xã hội hóa. Đặc biệt, kiện toàn BCĐ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các cấp, trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ĐTĐ. Từ đó, thực hiện phê duyệt kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm theo từng năm. Bên cạnh đó, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm; tổ chức các hoạt động truyền thông thu hút nguồn lực. BCĐ duy trì họp giao ban định kỳ để nắm rõ tiến độ hoạt động, kịp thời chỉ đạo, đề xuất cấp trên tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện để công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, ĐTĐ nói riêng đạt được mục tiêu đề ra.
Để phòng chống bệnh ĐTĐ, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc ĐTĐ nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung; thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm; người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.
Thanh Loan