Chăm lo cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em
Những năm qua tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh ta có bước phát triển toàn diện, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, công tác chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm hơn, trong đó có đối tượng trẻ em nên tỷ lệ suy dinh dưỡng(SDD) trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể, chỉ còn 14,0%.

Bác sĩ Bùi Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Thời gian qua, khoa chăm sóc sức khỏe trẻ em - phòng chống suy dinh dưỡng của Trung tâm phối hợp với các Trung tâm y tế dự phòng huyện, thị, thành phố đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nên tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi giảm hàng năm. Cụ thể, năm 2009, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở Hà Tĩnh là 20,6%, đến nay giảm còn 14,0%(cân nặng/tuổi); 20,6%(chiều cao/tuổi). Như vậy với mức giảm từ 1-2%/năm trong những năm gần đây chương trình phòng chống SDD trẻ em ở à HàH Hà Tĩnh ngày càng ổn định.
Một số huyện miền núi khó khăn như Vũ Quang, Hương Khê… cũng đã giảm xuống dưới 16%, đó là sự cố gắng lớn đáng ghi nhận. Một số huyện có tỷ lệ SDD thấp là Thị xã Hồng Lĩnh 11,2%, Thành phố Hà Tĩnh 11,5% và huyện Đức Thọ 11,7%.
Để đạt được kết quả đó, năm 2015, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Trung tâm y tế dự phòng huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, giám sát, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cải thiện tình trạng SDD trẻ em tại cộng đồng; thực hiện tiêm chủng, cân, đo cho trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên, đầy đủ; bổ sung vitaminA cho trẻ 2 đợt/năm; cấp phát thuốc tẩy giun cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; giám sát kịp thời các bệnh truyền nhiễm trẻ em; phát thanh tuyên truyền phổ biến kiến thức dinh dưỡng, lợi ích của công tác tiêm chủng bà mẹ, trẻ em; tập huấn quản lý lồng ghép, điều trị trẻ SDD và phát hiện thừa cân, béo phí cho cán bộ y tế khoa nhi tại các bệnh viện tuyến huyện; cán bộ của các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện và cộng tác viên tại một số xã, phường...

Tuy đã đạt được kết quả trên, nhưng tình trạng SDD trẻ em tại một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cao. Nguyên nhân là do người dân chậm thay đổi hành vi và thói quen trong chăm sóc trẻ; kinh tế còn thấp. Để đảm bảo bà mẹ sinh ra những đứa con khỏe mạnh, trẻ không bị SDD trong những năm đầu đời theo bác sĩ Hùng: các bà mẹ khi có thai cần chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ ăn bổ sung hợp lý từ tháng thứ 7 và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng. Đồng thời bổ sung VitaminA cho trẻ em và bà mẹ ngay sau sinh bằng cung cấp viên nang và cải thiện bữa ăn. Bổ sung sắt cho phụ nữ đặc biệt khi có thai; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt hơn trong và sau khi mắc bệnh; chăm sóc, giữ vệ sinh và phòng chống các bệnh giun sán; cân trẻ hàng tháng để theo dõi phát triển của bé; hạn chế cho trẻ ăn đồ rán và uống nước có ga.
SDD không chỉ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học hành và khả năng lao động mà còn liên quan một số bệnh mãn tính khi bước vào tuổi trưởng thành. Hậu quả của thiếu dinh dưỡng có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Vì thế, đòi hỏi những cố gắng cao hơn trong công tác kiểm soát các bệnh suy dinh dưỡng, không những chỉ của ngành Y tế mà của toàn xã hội. Muốn làm được điều đó, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cần đi đôi với các chương trình xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thanh Loan