• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều trẻ mắc cúm mùa, bác sĩ chỉ cách chăm sóc trẻ nhanh khỏi bệnh

Theo thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ, trong 02 tháng cuối năm 2019, số bệnh nhi vào khám và điều trị do bệnh cúm gia tăng đột biến.

Nếu trong tháng 11/2019, số lượng bệnh nhân nhập viện do cúm chỉ là 80 bệnh nhân thì chỉ tính riêng trong 2 tuần đầu tháng 12/2019, con số này đã tăng lên gấp đôi, chạm mốc 150 trên tổng số 210 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa.

Theo ThS.BS. Hà Sơn Tùng – Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Trung tâm Sản Nhi, thời gian ủ bệnh của cúm rất ngắn, chỉ khoảng 1 - 2 ngày. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh cúm bao gồm sốt (trên 38 độ, có thể tăng cao 39 – 40 độ), đau đầu, đau mỏi toàn thân... sau đó mới xuất hiện triệu chứng đường hô hấp như viêm họng, đau rát cổ họng, ho khan, đau tức ngực, ho có đờm, chảy nước mũi trong kèm ngạt mũi.

Riêng đối với trẻ em, khi bị cúm, tình trạng sốt cao có thể gây nên trạng thái co giật, nếu không được xử lý sớm sẽ dẫn tới tổn thương về thần kinh không phục hồi. Ngoài ra, bệnh cúm cũng có thể gây ra nhiều biến chứng ở trẻ như viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài...

Chăm sóc trẻ bị cúm đúng cách

BS. Tùng cho biết, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có tính lây lan mạnh do các chủng virus cúm gây nên. Chủng cúm hay gặp ở người là cúm A, cúm B và ở Việt Nam thường gọi là cúm mùa.

Các chủng cúm A, cúm B đều lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Cũng theo BS. Hà Sơn Tùng, khi trẻ bị cúm mùa, bố mẹ cần chăm sóc tốt đường hô hấp cho trẻ, thường xuyên vệ sinh mũi, họng, miệng cho trẻ bằng nước muối 0,9%; thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ tránh tình trạng lây chéo, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các nguồn bệnh; chú ý chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

ThS.BS. Hà Sơn Tùng - Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới đang thăm khám cho bệnh nhi.

Ngoài ra, khi bị cúm, trẻ cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, không nên cho trẻ đến những nơi công cộng như trường học, công viên... để tránh lây lan nguồn bệnh; chú ý vệ sinh phòng ốc, chỗ ở sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tối đa nguồn virus gây bệnh.

Đồng thời cần giữ ấm tốt cho trẻ, nhất là khi trời lạnh, cho trẻ mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đảm bảo vệ sinh.

Chưa ghi nhận sự bất thường về chủng vi rút cúm

Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.

Hàng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, số mắc thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa. Theo số liệu giám sát năm 2019, tính đến đầu tháng 12 có trên 400.000 người mắc cúm, thấp hơn rất nhiều so với số mắc trung bình hàng năm và thấp hơn 15% so với cùng kỳ 2018.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện chưa ghi nhận sự bất thường về số lượng mắc cũng như chủng vi rút cúm. Theo kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm tại khu vực miền Bắc, chủng gây bệnh chủ yếu là chủng cúm A(H1N1) và cúm B.

Hiện chưa ghi nhận thấy chủng vi rút cúm mới cũng như chưa thấy có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

Không tự dùng thuốc Tamiflu chữa cúm


Hiện nay đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. 
2. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
3. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.
6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.811
Tháng 12 : 166.688
Năm 2024 : 2.967.276
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.765.790