Xử trí sốc nhiệt do nắng nóng
Ở ngoài trời lâu lúc nắng nóng, sốc nhiệt (say nắng) có thể xảy ra với bất kỳ lứa tuổi nào, bất kỳ ai, trong đó, trẻ càng bé, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính (tim mạch, hô hấp…) càng nguy hiểm.
Sốc nhiệt là gì?
Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao đột ngột, quá mức (thường trên 40oC) do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một thời gian dài, trong khi cơ thể con người chưa kịp thích nghi. Từ đó, cơ thể ra nhiều mồ hôi làm mất nước, chất điện giải gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt (làm giảm khả năng thải nhiệt) của thần kinh trung ương, sốc nhiệt xuất hiện gọi là say nắng. Nếu ở khu vực đô thị, càng dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài do thiếu gió, chất lượng không khí kém, hơi nóng tỏa ra từ các nhà cao tầng, nhựa đường bị đốt cháy...
Biểu hiện như thế nào?
Sốc nhiệt hay say nắng thường có triệu chứng như sốt cao (39-40oC), đau đầu, choáng váng, buồn nôn hoặc nôn, nóng bừng mặt, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu. Một số trường hợp không ra mồ hôi, nhưng có trường hợp mồ hôi ra đầm đìa (do sốc nhiệt đến muộn), có hiện tượng chuột rút. Đối với sốc nhiệt nặng, cấp tính (nhất là người già yếu, mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, trẻ nhỏ thường sốt rất cao, chóng mặt, ngất xỉu, lú lẫn hoặc nặng hơn là co giật, hôn mê (do rối loạn hệ thần kinh), khó thở, thở nhanh (rối loạn hô hấp), nhịp tim nhanh, trụy mạch (rối loạn tim mạch), nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các vị trí cần chườm mát cho bệnh nhân bị say nắng.
Làm gì để sơ cứu nạn nhân sốc nhiệt?
Khi thấy một người nào đó có dấu hiệu sốc nhiệt, nếu đang ở ngoài trời, cần nhanh chóng đưa người đó vào bóng râm, mát để nằm nghỉ. Đặt nạn nhân nằm đầu thấp để máu lên não được lưu thông dễ dàng. Cần nới lỏng quần áo, cởi bớt quần áo, chỉ mặc quần áo mỏng, sau đó lấy nước dội lên đầu, vẩy nước hoặc lấy khăn ướt phủ lên người. Nếu đã đưa nạn nhân vào nhà, có thể dùng quạt phun hơi nước, phun sương kết hợp với quạt làm mát cơ thể hoặc dùng bình phun nước xịt liên tục lên da để bay hơi nước làm hạ thận nhiệt. Đối với những người bị chuột rút do nắng nóng cần làm giảm co cứng cơ bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị co cứng, để chi bị chuột rút ở tư thế thích hợp làm tăng lượng máu lưu thông. Nếu người bệnh tỉnh táo, cho uống nước có ít muối, nước trái cây (cam, chanh, dưa hấu…). Có thể uống thuốc hạ nhiệt (nếu có). Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành các biện pháp hô hấp hà hơi thổi ngạt phục hồi tuần hoàn. Nếu nạn nhân bị ngừng tim, cần nhanh chóng xoa bóp tim ngoài lồng ngực song song với hà hơi thổi ngạt. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim nạn nhân, tần số ép khoảng 100 lần/phút. Nếu có 2 người, một người ép tim ngoài lồng ngực, một người thổi ngạt, làm kiên trì đến khi tim đập lại và thở được.
Cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu để khi đến bệnh viện sẽ được cấp cứu kịp thời và loại trừ các nguyên nhân khác có triệu chứng tương tự sốc nhiệt.
Phòng sốc nhiệt được không?
Có thể phòng sốc nhiệt hiệu quả, cụ thể, vào những ngày nắng nóng, trên 40oC không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Không cho trẻ em hay người có tuổi, đặc biệt người mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, bệnh phổi…) ra nắng lúc nhiệt độ ngoài trời tăng cao, đặc biệt là thời gian cao điểm (gần trưa, giữa trưa và đầu buổi chiều). Nếu cần đi ra ngoài trời lúc nắng, nóng cần mặc quần áo mỏng (vải cotton là tốt nhất), tránh mặc quần áo màu đen (hút nhiệt mạnh), cần đội mũ rộng vành hoặc dùng nón, ô…
Nếu phải đi lại hay làm việc ngoài trời nắng không nên làm việc quá 2 giờ liên tục dưới nhiệt độ cao, cần nghỉ ngơi (tìm bóng râm, mát để nghỉ) và nên có khăn ướt che phủ phía sau gáy (nơi tập trung nhiều đầu mối dây thần kinh để vừa có tác dụng chống nắng chiếu vào gáy, giải nóng, tránh sốc nhiệt). Cần mang theo đủ nước uống (nếu có nước pha thêm một ít muối càng tốt hoặc có thêm nước trái cây) trước khi ra ngoài để uống tránh để cơ thể mất nước.
Nếu tắm sông suối, ao, hồ, biển không nên tắm dưới trời nắng nóng, nhất là trẻ em và người có tuổi.
Theo: Báo SKĐS