Có nên dùng đồng thời thuốc hen và thuốc huyết áp?
Nguyễn Văn Mạnh
Bác sĩ trả lời: Có thể khẳng định rằng không được dùng đồng thời hai thuốc trên vì sẽ gây ra các tương tác bất lợi. Thứ nhất, propranolol là một thuốc chẹn beta-adrenergic không chọn lọc. Việc dùng propranolol cho bệnh nhân hen phế quản có thể sẽ làm nặng thêm tình trạng hen phế quản do tác dụng chẹn beta của propranolol gây co thắt phế quản nặng và có thể gây tử vong do ngăn cản tác dụng giãn phế quản beta-adrenergic, đối kháng với tác động của các thuốc giãn phế quản (ví dụ theophyllin).
Thứ hai, khi dùng đồng thời propranolol và theophyllin sẽ làm giảm tác dụng của propranolol và tăng tác dụng của theophyllin rất dễ dẫn tới ngộ độc theophylin (vì theophyllin có giới hạn an toàn hẹp giữa liều điều trị và liều độc). Những triệu chứng phân biệt về ngộ độc theophyllin có thể gồm hành vi hung cảm kích động, nôn thường xuyên, khát cực độ, sốt nhẹ, ù tai, đánh trống ngực và loạn nhịp. Co giật có thể xảy ra mà không có những triệu chứng báo trước khác về ngộ độc và thường dẫn đến tử vong. Do đó, cần thận trọng ở người bệnh hen phế quản khi chỉ định dùng propranolol.
Những thuốc chẹn beta-adrenergic không chọn lọc (ví dụ carteolol, carvedilol, nadolol, levobunolol, metipranolol, nadolol, oxprenolol, penbutolol, pindolol, propranolol, sotalol và timolo) được coi là chống chỉ định ở bệnh nhân có co thắt phế quản. Nếu không có giải pháp thay thế khác và bắt buộc phải sử dụng một thuốc chẹn beta khi lợi ích lớn hơn nguy cơ co thắt phế quản thì nên sử dụng thuốc chẹn beta chọn lọc trên tim (như metoprolol, atenolol, bisoprolol, esmolol, acebutolol) và khi sử dụng phải hết sức thận trọng. Bệnh nhân dùng phối hợp thuốc này cần phải điều chỉnh liều theophyllin cẩn thận và theo dõi chặt chẽ nồng độ theophyllin trong máu khi dùng liều cao hoặc có biểu lộ độc tính ở liều thông thường.
Trường hợp của anh cần phải đi khám bệnh và nói rõ tình trạng mắc bệnh của mình và các thuốc đang dùng cho bác sĩ biết để bác sĩ kê đơn phù hợp, tránh các tương tác bất lợi do thuốc gây ra.
BBT