Phòng tránh say nắng cho những người làm việc ngoài trời
Trong những ngày gần đây, diễn biến của thời tiết nắng gắt, nhiệt độ tăng cao, ngoài trời có những ngày trên 40ºC và kéo dài 6 - 7 tiếng mỗi ngày đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, bởi rất dễ bị say nắng, say nóng dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, nếu hiểu và nắm được những kiến thức cơ bản về sốc nhiệt thì hoàn toàn có thể phòng, tránh được.
Người dân lao động ngoài trời làm mọi cách cách để chống nắng
Có mặt ở công trình xây dựng trường Mầm non xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc vào gần 16 giờ, thời tiết vẫn nắng nóng gay gắt như đổ lửa. Anh Ngô Văn Quyết, xóm Thái Xá, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc đang làm thợ xây tại công trình chia sẻ: Nhiều hôm nắng nóng quá, tốp thợ chúng tôi phải phân công thay phiên nhau làm việc ngoài trời theo từng giờ, vừa đảm bảo tiến độ thi công, vừa giữ sức khỏe. Trong tốp chúng tôi đã có nhiều trường hợp anh em bị say nắng do chủ quan.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Hương, xóm Thắng Hòa, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà là thợ máy cày ruộng cho toàn xóm, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: Cứ vào vụ cày mùa hè thu năm nào thời tiết cũng rất khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài đồng giao động 40 – 41ºC. Chúng tôi thường 2 người 1 máy thay nhau làm. Ra đồng làm sau 15h và đến 23 giờ đêm mới nghỉ; sáng mai tiếp tục ra rất sớm từ lúc 4 giờ sáng đến 9 giờ trưa về nghỉ ngơi, như vậy mới đảm bảo được tiến độ mùa vụ và tránh được thời tiết cực đoan, bảo vệ được sức khỏe lâu dài cho bản thân.
Tại Khoa Cấp cứu, chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu mùa nắng nóng đến nay đã tiếp nhận 5 ca say nắng, say nóng và sốc nhiệt vào cấp cứu. Tất cả đều là lao động tự do, là nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Xuân Thái, Trưởng khoa Cấp cứu, chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, được biết: Say nắng, say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40ºC, dẫn tới tổn thương cơ quan đích và tổn thương thần kinh. Không chỉ những người làm việc ngoài trời mới bị, mà khi người tham gia luyện tập thể dục, thể thao hoặc làm việc sức lực trong môi trường nóng cơ thể không được bổ sung thêm lượng nước hoặc mặc quần áo không thấm nước cũng rất dễ gặp tình trạng say nắng, say nóng. Khi trường hợp người bị say nắng, say nóng mà không có phương pháp sơ cứu kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến đột quỵ. Hầu hết, các trường hợp đột quỵ xảy ra đột ngột, có thể người bệnh khỏe mạnh ngã gục và để lại nhiều di chứng nặng nề. Công nhân xây dựng làm việc trực tiếp dưới thời tiết nắng nóng gay gắt dễ bị say nắng, say nóng.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Thái: Để tránh tác hại do say nắng, say nóng gây ra, những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ, như sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh hoạt động quá sức. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy, thường xuyên bổ sung lượng nước cho cơ thể từ 30-60 phút/lần. Sử dụng phương tiện cá nhân khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi, sử dụng thêm kem chống nắng; không sử dụng các loại đồ uống có cồn...
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng khuyến cáo thêm: Trong trường hợp đã bị say nắng, say nóng cần đưa người bệnh vào nơi mát mẻ. Ở trong nhà là tốt nhất, nhưng nếu chưa có điều kiện hãy đưa họ vào nơi có bóng râm. Cởi càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt. Điện thoại cho xe cấp cứu và sử dụng quạt làm mát trong khi chờ đợi. Làm giảm thân nhiệt bằng một tấm khăn ướt (vắt ráo nước) chườm mát. Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục làm điều này cho đến khi thân nhiệt giảm xuống 38C. Khi nhiệt độ đã giảm, hãy bỏ tấm khăn ướt và thay bằng tấm khô. Trấn an bệnh nhân cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế hoặc cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở.
Muốn chống say nắng, say nóng người lao động cần uống nhiều nước, mặc quần áo rộng, nhẹ, tránh ra ngoài nắng vào thời điểm nóng nhất trong ngày (11 giờ sáng đến 3 giờ chiều); tránh uống quá nhiều rượu và không nên làm việc gắng quá sức.
Nhật Thắng