• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Không được chủ quan với bệnh viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B gây ra, tiến triển âm thầm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Hiện nay, bệnh viêm gan B rất phổ biến, nhưng nhiều người còn chủ quan, dẫn đến bệnh trở nặng, khó khăn trong điều trị.

Tại Phòng Tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C - Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh, từ khi thành lập vào đầu tháng 7 đến nay đã có hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, phát hiện hơn 400 bệnh nhân bị viêm gan B, trong đó 15 bệnh nhân nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị; hơn 50 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú; hơn 250 bệnh nhân được hẹn tái khám định kỳ 3 tháng 1 lần và hơn 100 bệnh nhân được lập hồ sơ, cấp thuốc, quản lý và điều trị ngoại trú tại bệnh viện.

Bac sý CKI Thân Hùng Cường, Phó trưởng Khoa Nội, Trưởng Phòng tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị viêm gan B tại bệnh viện

 

Theo Bs. CKI Lê Quân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố: “Việc thành lập Phòng tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C tại bệnh viện đa khoa thành phố có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh được các biến chứng và hạn chế được tử vong. Giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân không phải đi xa điều trị, tiết kiệm thời gian, giảm kinh phí đi lại cho người bệnh”.

và tư vấn cho bệnh nhân điều trị viêm gan B tại bệnh viện

 

Bệnh nhân N.M.P (26 tuổi), xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh vào bệnh viện thành phố khám vì mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Qua thăm khám và tiến hành các xét nghiệm máu, kết quả bệnh nhân bị viêm gan B, men gan cao gấp 14 lần so với bình thường. Bệnh nhân được nhập viện để tiến hành điều trị. “Tôi chưa bao giờ đi kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán bệnh viêm gan B, nhưng lần này tình cờ phát hiện, tôi được bác sỹ khuyên nhập viện điều trị. Sau 3 ngày điều trị được các y, bác sỹ khám, tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc tận tình nên sức khỏe của tôi tiến triển tốt hơn nhiều”, bệnh nhân N.M.P chia sẻ.

Còn bệnh nhân T.T.M, (65 tuổi) phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh tình cờ phát hiện viêm gan B cách đây hơn 5 năm trong lần đi tiêm vắc xin cho cháu, nhưng thấy sức khỏe bình thường nên không điều trị. Thời gian gần đây bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, da vàng, đi khám mới phát hiện bạch cầu giảm, men gan tăng cao nên đã nhập viện điều trị. “Qua quá trình khám và chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa thành phố sức khỏe của tôi đã được cải thiện rõ rệt. Các y, bác sỹ rất thân thiện, tận tình chăm sóc, hướng dẫn, đây là món ăn tinh thần giúp tôi vượt qua bệnh tật.”, bệnh nhân T.T.M bộc bạch.

Bác sỹ Phòng tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C - Bệnh viện Đa khoa Thành phố động viên bệnh nhân đến khám

 

Theo bác sỹ CKI Thân Hùng Cường, Phó trưởng Khoa Nội, trưởng Phòng tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C - Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh: Virus viêm gan B có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính. Sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và có thể tử vong. Virus viêm gan B lây truyền qua 3 con đường: Qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Đường lây truyền tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B cao hơn 100 lần so với HIV.

Bệnh viêm gan B tiến triển âm thầm, vì thế mọi người cần định kỳ đi kiểm tra sức khỏe, tiến hành các xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B. Nếu bị bệnh thì được quản lý theo dõi và điều trị sớm, tránh các biến chứng xơ gan, ung thư gan. Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con.

Nhiều bệnh nhân đến kiểm tra viêm gan B tại Phòng tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C - Bệnh viện Đa khoa Thành phố

 

Nếu có chỉ định điều trị thì phải thực hiện theo hướng dẫn của bác sỹ, không được ngừng, hay bỏ thuốc, vì nếu ngừng, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên, dẫn tới suy gan cấp, thời gian càng dài, nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan và ung thư gan càng cao. Ngoài ra, bệnh nhân viêm gan B nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn.

Đồng thời, những người không bị viêm gan B thì cần tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, ngoài tiêm phòng, viêm gan B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách: Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể. Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở. Đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay. Quan hệ tình dục an toàn.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.685
Tháng 05 : 118.148
Năm 2024 : 837.447
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.635.961