• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hướng dẫn tạm thời triển khai tổ chức Trạm Y tế lưu động phòng, chống dịch COVID-19 và cách ly, theo dõi người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng tại nhà

Ngày 10/11/ Sở Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời triển khai tổ chức Trạm Y tế lưu động phòng, chống dịch COVID-19 và cách ly, theo dõi người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng tại nhà.

Việc triển khai tổ chức Trạm Y tế lưu động phòng, chống dịch COVID-19 và cách ly, theo dõi người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng tại nhà nhằm nâng cao năng lực ứng phó, sẵn sàng đáp ứng tại chỗ, phù hợp, hiệu quả theo cấp độ dịch mức độ 4 tại địa phương, đặc biệt là khi có nhiều người mắc trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng được cách ly, theo dõi tại nhà. Chủ động chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh trong tình huống dịch bệnh phức tạp, góp phần giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn của gia đình, cộng đồng và xã hội, thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với dịch COVID-19. Nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ và trách nhiệm của người dân về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với xã hội. Góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly, điều trị COVID-19. Đồng thời làm căn cứ để các địa phương thiết lập, triển khai củng cố các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh giám sát công tác cách ly tại nhà tại xã Kỳ Thượng huyện Kỳ Anh

 

Nội dung triển khai trạm y tế lưu động  

Tiêu chí thiết lập: Khi trên địa bàn mỗi cụm dân cư (tổ dân phố/thôn/xóm hoặc xã, phường/thị trấn) từ 50 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly điều trị tại nhà trở lên thì có 01 Trạm Y tế lưu động nhưng không quá 100 ca mắc/ mỗi Trạm Y tế lưu động.

Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động. Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.

Nhân lực: Trung tâm Y tế tuyến huyện bố trí đủ nhân lực cho Trạm y tế lưu động hoạt động. Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 05 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 01 bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 01 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao. Cứ mỗi 20 ca mắc COVID-19 tăng thêm tại cụm dân cư nêu trên thì được tăng thêm 01 nhân lực chuyên môn là y sỹ hoặc điều dưỡng hoặc bác sỹ nhưng tối đa không quá 100 ca mắc COVID-19/Trạm Y tế lưu động.

Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn.

UBND cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố, …tình nguyện viên để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và hỗ trợ các hoạt động cần thiết khác của Trạm Y tế lưu động. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, UBND cấp huyện đề xuất Sở Y tế điều động (hoặc tham mưu UBND tỉnh) chỉ đạo điều động nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác để hỗ trợ.

Thủ tục ban hành quyết định thành lập Trạm Y tế lưu động:  Trung tâm Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định thành lập Trạm Y tế lưu động theo tiêu chí quy định và khi có chủ trương cách ly điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định thành lập Trạm Y tế lưu động thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Quyết định này đồng thời là Giấy phép hoạt động của Trạm Y tế lưu động.

Chức năng của Trạm Y tế lưu động

Trạm y tế lưu động là một tổ chức thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Giám đốc Trung tâm Y tế tuyến huyện. Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng; kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ:

Quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng: Xác định, lập danh sách người nhiễm COVID-19 trên địa bàn, danh sách người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà theo khu vực được phân công; Hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc người nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh từ xa và tại nhà; hướng dẫn và cấp phát thuốc cho các trường hợp nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà. Phát hiện, sơ cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng đến các cơ sở y tế phù hợp với tình trạng bệnh của người bệnh. Tổng hợp các trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn đã khỏi bệnh và các trường hợp nhiễm COVID-19 hết thời gian cách ly tại nhà. Báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình COVID-19 trên địa bàn phụ trách.

Xét nghiệm COVID-19:  Tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR đối với các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2; lấy mẫu và gửi xét nghiệm định kỳ theo quy định đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 đang cách ly tại nhà. Thông báo trả kết quả xét nghiệm COVID-19, khi có kết quả xét nghiệm dương tính, tổ chức sàng lọc để cách ly tại nhà các trường hợp đủ điều kiện; các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở cách ly tập trung theo quy định. Hướng dẫn người dân tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 và cách xử trí khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Tiêm chủng vắc-xin phòng, chống COVID-19: Quản lý danh sách người trên địa bàn cần tiêm vắc-xin phòng COVID-19. một điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 khi được giao nhiệm vụ hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19 theo điều phối của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện. Tổ chức theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sơ cấp cứu và chuyển tuyến các trường hợp có phản ứng muộn sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Tư vấn chuyển tuyến các trường hợp không đủ điều kiện tiêm chủng tại cộng đồng vào tiêm chủng tại các cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Truyền thông về COVID-19: Tổ chức truyền thông về các biện pháp dự phòng, tự xét nghiệm COVID-19, tự chăm sóc tại nhà, tự phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19. Cung cấp thông tin các điểm cung cấp dịch vụ y tế và các điểm hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn cấp xã. Truyền thông lợi ích, những điểm cần biết trước, trong và sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19; vận động người dân đi tiêm chủng.

Khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác: Khám, điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho người dân trên địa bàn mà không thể chuyển lên tuyến trên do tác động của dịch COVID-19. Sơ cấp cứu và chuyển tuyến các bệnh thông thường. Phối hợp với các cơ sở y tế, hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân mắc các bệnh mạn tính.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Trung tâm Y tế tuyến huyện phân công.

Cơ sở làm việc: Tùy theo điều kiện của địa bàn, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) chọn cơ sở phù hợp cho Trạm Y tế lưu động làm việc, có thể lựa chọn nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn... Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho trạm hoạt động.

Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi bệnh nhân nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, thông tin liên lạc, có thu gom rác thải y tế và có chỗ ngủ cho nhân viên y tế.

Danh mục trang thiết bị và thuốc:

Trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chng COVID-19: Xe lăn, hoặc xe đẩy, cáng khiêng/đẩy; nhiệt kế, huyết áp, ống nghe. Có ít nhất 02 bình ô xy loại 5 lít hoặc 10 lít, túi ô xy và 02 đồng hồ đo áp suất ô xy (SpO2); 02 mặt nạ thở ô xy và các phụ kiện cần thiết khác để sử dụng ô xy cho người bệnh. Các đồ bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS-COV-2, khẩu trang, găng tay, cồn khử khuẩn, kính chắn giọt bắn... Các sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2. Bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR.

Có ít nhất 2 số điện thoại thường trực tiếp nhận thông tin từ các gia đình có người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà. Máy tính có kết nối internet để sử dụng phần mềm chuyên dụng trong theo dõi, cập nhật thông tin sức khỏe trường hợp nhiễm COVID-19, thành viên gia đình người nhiễm COVID-19 và người dân sống trên địa bàn có dịch COVID-19.

Trang thiết bị khám, chữa bệnh thông thường: Tùy thuộc theo nhu cầu thực tế, bố trí các trang thiết bị trong danh mục trang thiết bị thiết yếu dành cho Trạm Y tế lưu động cho phù hợp với điều kiện.

Danh mục thuốc: Căn cứ nhu cầu thực tế, sử dụng các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc dành cho Trạm Y tế cấp xã và các loại thuốc điều trị COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phương tiện vận chuyển cấp cứu: UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch bố trí xe cấp cứu trên địa bàn để vận chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp nhanh nhất, đảm bảo mỗi Trạm Y tế lưu động khi cần thiết phải huy động được xe ô tô có gắn bình ô xy, có xe đẩy hoặc băng-ca để vận chuyển người nhiễm COVID-19 đi cấp cứu kịp thời. Trường hợp không thể sắp xếp được xe, cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để vận chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp nhanh nhất.

Nội dung triển khai chăm sóc người mắc COVID-19(F0) không có triệu chứng tại nhà

Mục tiêu: Cách ly, theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng được cách ly tại nhà có triệu chứng hoặc trở nên nặng hơn để yêu cầu hỗ trợ về y tế hoặc chuyển đến bệnh viện kịp thời. Nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, ổn định tâm lý của người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng để tăng khả năng chống đỡ với bệnh. Bảo đảm an toàn, không để xảy ra lây nhiễm cho cộng đồng.

Điều kiện cách ly, theo dõi người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng tại nhà

Đối với người nhiễm COVID-19: Những người nhiễm COVID-19 khi có đủ các điều kiện như sau mới được chính quyền địa phương cho phép và ban hành quyết định cách ly, theo dõi tại nhà:

Về đặc điểm của người nhiễm COVID-19:  Không có triệu chứng; tuổi từ đủ 18 tuổi đến dưới 50 tuổi; không có bệnh nền; không đang mang thai; đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19  thời gian từ đủ 14 ngày trở lên.

Người nhiễm COVID-19 có đủ khả năng tự chăm sóc bản thân và chịu trách nhiệm về việc cách ly, theo dõi tại nhà: Tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…  Biết cách đo thân nhiệt; Tự liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát; Nhận biết được các dấu hiệu/triệu chứng bất thường để báo ngay cho ngân viên y tế/Trạm y tế; Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…; Tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ (nếu có).

Điều kiện về nơi ở cách ly: Là nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ khép kín trong khu tập thể, khu chung cư, mà người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng đăng ký thường trú, tạm trú sinh sống ở đó. Đồng thời đảm bảo yêu cầu: (i) Người nhiễm COVID-19 chỉ ở riêng 01 nhà, không ở chung với đối tượng khác; (ii) Người nhiễm COVID-19 và chủ nhà (hoặc đại diện chủ nhà) cam kết với thôn/tổ dân phố và UBND cấp xã, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; UBND cấp xã chịu trách nhiệm về việc cách ly tại nhà người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.

Nhà ở có đủ nước sạch, điện, công trình vệ sinh, nhà tắm, thông thoáng khí (tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY NGƯỜI NHIỄM COVID-19” kích thước 30 x 40 cm.

Những việc cần chuẩn bị:

Đối với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng và gia đình:

Lưu lại các số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch của cấp huyện, cấp xã, Trưởng Trạm Y tế, người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm COVID-19 và các số điện thoại cần thiết khác. Phân công một người thường xuyên thông tin, liên lạc với người nhiễm COVID-19, cùng với cán bộ y tế để theo dõi người nhiễm COVID-19 và gọi cho cán bộ y tế xã khi cần thiết.

Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu: Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho người nhiễm COVID-19 trong 2-3 tuần); Nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp điện tử (nếu có); Dung dịch sát khuẩn tay, bình xịt bằng cồn 700 ; Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và lót túi nilon màu vàng bên trong thùng để đựng rác thải. Dụng cụ cá nhân: Bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân; Dụng cụ vệ sinh: Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, xô, chất tẩy rửa thông thường hoặc hóa chất khử khuẩn để vệ sinh, khử khuẩn nhà ở. Các thuốc và đơn thuốc của bác sỹ đối với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng (nếu có).

Đối với Trạm Y tế tuyến xã, Trạm Y tế lưu động:

Phân công cán bộ y tế theo dõi, tiếp nhận thông tin người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng cách ly tại nhà. Cung cấp số điện thoại của người được phân công theo dõi/tiếp nhận thông tin của người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng để liên hệ hàng ngày tối thiểu 2 lần sáng - chiều và gọi khi có dấu hiệu bất thường. Cung cấp các số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch của cấp huyện, cấp xã, Trưởng Trạm Y tế để gọi khi cần thiết. Cung cấp Bảng theo dõi sức khỏe để người nhiễm COVID-19 điền đầy đủ thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều.

Trách nhiệm của người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng cách ly tại nhà.

Tự theo dõi sức khỏe của bản thân hàng ngày: Luôn đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường, ghi vào Bảng theo dõi sức khỏe. Điền đầy đủ thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều (Bảng theo dõi sức khỏe do Trạm Y tế cấp)

Những dấu hiệu cần theo dõi hàng ngày: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa ô xy trong máu/SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo;

Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

Khi có một trong các dấu hiệu sau đâu phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe để được xử trí và chuyển viện kịp thời: Khó thở, thở hụt hơi; nhịp thở ≥ 21 lần/phút. Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu. Rất mệt/mệt lả. Không ăn/uống được. Da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân. Bất kỳ tình trạng nào mà người nhiễm COVID-19 cảm thấy không ổn, lo lắng.

Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thu gom rác, phòng tránh phát tán SARS-CoV-2 ra môi trường: Hàng ngày thực hiện vệ sinh cá nhân, súc miệng họng, sát khuẩn tay thường xuyên; vệ sinh, khử khuẩn nhà ở; giặt quần áo, chăn màn (nếu cần). Không khạc nhổ bừa bãi. Mang khẩu trang thường xuyên và thải bỏ, thu gom vào thùng rác. Bỏ rác vào thùng và túi nilon, cuối ngày hoặc khi đầy thực hiện xịt cồn vào miệng túi, buộc kín túi, xịt cồn 700  vào ngoài túi và bỏ vào túi thứ 2 buộc kín lại, bỏ vào thùng rác lớn hơn để ở vị trí sau nhà. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người nhiễm COVID-19 ra khỏi nhà khi chưa được xử lý ban đầu và khi chưa được cơ quan có chức năng thu gom, xử lý.

Kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong ngành theo chức năng, nhiệm vụ và đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cùng phối hợp thực hiện.

Thu Hòa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 117
Tháng 03 : 173.212
Năm 2024 : 475.282
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.273.796