Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác An toàn thực phẩm
Từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Đây là một thông tin hết sức tích cực cho thấy ý thức chấp hành các quy định về ATVSTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được nâng lên, người tiêu dùng đã có những sự lựa chọn thực phẩm hợp lý, và hiệu lực kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên với đặc điểm sản xuất và những diễn biến thị trường hiện nay thì nguy cơ mất ATTP vẫn tồn tại đâu đó. Người tiêu dùng vẫn hoàn toàn có lý do để quan ngại cho sức khỏe của mình.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Phường Nam Hà, Thành phố Hà Tĩnh bộc bạch: "tôi rất lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Người kinh doanh, buôn bán vì lợi nhuận nên họ bất chấp sức khỏe, tính mạng của con người. Xem trên tivi, đài báo thấy hoa, quả ngâm hóa chất bảo quản; nội tạng, thịt thối đưa vào chế biến tại các nhà hàng; dò chả chứa hàn the... Tại các bệnh viện bệnh nhân ung thư ngày càng nhiều. Ông thì già rồi, nhưng rất lo cho con, cháu, mua cái gì về cho chúng nó ăn cũng không yên tâm".
Theo ông Lê Tùng Dương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có thể liệt kê một số nguyên nhân chủ yếu là: sản xuất nông nghiệp phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ, do đó không giám sát được quy trình từ khâu sản xuất cho đến khi thu hoạch bán ra thị trường; công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu còn thủ công, mang tính chất làng nghề, theo tập quán lâu năm của người dân; sản phẩm nông nghiệp kinh doanh trên thị trường chủ yếu là dạng tươi sống, không có bao bì, không ghi nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ, do đó không thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm khi phát hiện sản phẩm không an toàn, đặc biệt là rau, củ quả được nhập từ ngoại tỉnh; năng lực thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP còn rất hạn chế, đặc biệt ở cấp huyện, xã chủ yếu kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách trong khi đó đối tượng quản lý rộng lớn, đa ngành, đa nghề.
Còn chị Nguyễn Thị Thư, Trưởng phòng Pháp chế và kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho rằng: hệ thống văn bản pháp luật hiện cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, chưa đồng bộ; một số văn bản quy định còn khập khiễng và không có tính khả thi; chế tài xử lý vi phạm hành chính một số hành vi, vi phạm chưa đủ sức răn đe; công tác kiểm nghiệm tại tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương do thiếu trang thiết bị và con người; hệ thống phân tích kiểm nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở địa phương không có, nên việc phân tích phải tiến hành tại các viện ở Trung ương, trong khi đó giá kiểm nghiệm đắt, thời gian chờ kết quả lâu, nên không thể xử lý kịp thời. Bên cạnh đó một số người dân vì lợi nhuận nên bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, dẫn tới kinh doanh, buôn bán những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, trong khi đó, chính quyền địa phương chưa sâu sát, còn buông lỏng vấn đề ATTP. Tuy vậy, một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn thấp, không có điều kiện để tiếp cận và sử dụng thực phẩm chất lượng cao, mà vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ, mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra. Ngoài ra, mốt số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: ăn tiết canh, ăn gỏi cá... rất dễ gây ngộ độc.
Một thực tế hiện nay tại Hà Tĩnh việc sử dụng phụ gia, hóa chất ngoài danh mục để sản xuất, chế biến diễn ra ngày càng tinh vi như: sử dụng hàn the trong chế biến, bảo quản thực phẩm; kinh doanh thực phẩm hôi thối; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ; thực phẩm chín để lẫn với thực phẩm sống... Năm 2017, các ngành chức năng trên toàn tỉnh đã phát hiện, tịch thu và tiêu hủy trên 35,4 tấn nội tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hư hỏng; 436 chai rượu nhập lậu, không có hóa đơn; trên 700 lít rượu sản xuất thủ công không có chứng nhận công bố chất lượng; 6.250 kg mỡ động vật, 800 kg bánh mướt, bánh phở, 432 hộp sữa các loại và nhiều loại hàng hóa vi phạm ATVSTP khác. Đình chỉ, thu hồi giấy phép 07 cơ sở không đảm bảo ATVSTP(01 cơ sở sản xuất rượu, 06 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai). Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã phát hiện 17 mẫu thực phẩm không đạt chất lượng, trong đó 01 mẫu thực phẩm có phẩm màu cấm, 14 mẫu thực phẩm chứa hàn the, 02 mẫu thực phẩm có methanol. Trong quý I/2018, các ngành chức năng địa phương đã lấy 893 mẫu xét nghiệm nhanh về độ sạch của dụng cụ ăn uống, hàn the trong giò chả, Foocmon trong bún, bánh phở, methanol trong rượu,… Kết quả, có 75 mẫu không đạt, chiếm 8,4% và đã phát hiện, xử phạt hành chính 174 cơ sở vi phạm ATTP.
Bác sĩ Phan Văn Hùng, chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trăn trở: Vấn đề ATTP hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, thời gian tới các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó nhấn mạnh đến việc hướng dẫn các quy trình thực hành sản xuất, đảm bảo ATTP; phổ biến tác hại của việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nông lâm thủy sản và bảo quản, chế biến thực phẩm; thông qua các chương trình, dự án để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm kiểm soát ATTP từ công đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến, kinh doanh thực phẩm; từng bước tạo ra các kênh cung ứng thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; cần xây dựng hệ thống phần mềm quản lý chất lượng, ATTP trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra ATTP, trong đó đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Có như vậy, sức khỏe của con người mới được đảm bảo, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội./.
Thanh Loan