• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Lấy máu gót chân - Bước sàng lọc quan trọng đầu đời của trẻ

Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh là phương pháp sàng lọc sơ sinh hiệu quả, giúp phát hiện nhiều chứng bệnh bẩm sinh nguy hiểm.

Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh là phương pháp sàng lọc sơ sinh hiệu quả, giúp phát hiện nhiều chứng bệnh bẩm sinh nguy hiểm.

Bước sàng lọc quan trọng đầu đời

Để góp phần nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu số trẻ sinh ra chậm phát triển trí tuệ, bị dị tật bẩm sinh, Tại Hà Tĩnh chương trình được triển khai từ năm 2009 theo đề án "Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh" triển khai sàng lọc sơ sinh tầm soát miễn phí một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ.

Trẻ được lấy máu gót chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và các trung tâm y tế trong toàn tỉnh đã triển khai lấy máu gót chân trẻ sơ sinh gửi xét nghiệm miễn phí, nhằm tầm soát ba bệnh di truyền, nội tiết: Thiếu men G6PD, Suy giáp bẩm sinh, Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.

Đây là những bệnh lý có thể điều trị khỏi và dự phòng để trẻ phát triển bình thường. Tuy nhiên, nếu không được xét nghiệm tầm soát trong những ngày đầu đời của trẻ thì về sau sẽ khó phát hiện, khó chẩn đoán và bệnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của trẻ.

Qua 9 năm thực hiện, tại Hà Tĩnh chương trình đã được mở rộng đến 191 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả thu được 11.970 mẫu máu sàng lọc trẻ sơ sinh được lấy. Qua xét nghiệm, phát hiện 335 mẫu dương tính nghi ngờ thiếu men G6PD, 6 mẫu dương tính nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh.

Mẫu máu xét nghiệm sau khi được lấy xong

Vì sao phải lấy máu gót chân trẻ mới sinh?

Phần lớn các bệnh lý rối loạn nội tiết - chuyển hóa và di truyền trong thời kỳ sơ sinh hay một số năm đầu của đứa trẻ thường chưa bộc lộ rõ ràng, rất khó phát hiện và chẩn đoán.

Đến khi có dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm đã được chứng minh thì đã là giai đoạn muộn, không còn khả năng hồi phục hoàn toàn, đặc biệt đối với chức năng hoạt động của hệ thần kinh trung ương, trí tuệ và tinh thần của trẻ.

Chính vì vậy, hiện nay khi đến các bệnh viện trong tỉnh để sinh, bố mẹ các bé đều được tư vấn tham gia chương trình sàng lọc sơ sinh. Trải qua chương trình sàng lọc miễn phí, trước mắt các bác sĩ có thể phát hiện ba bệnh lý nguy hiểm: Bệnh thiếu men G6PD, Bệnh suy giáp bẩm sinh và Bệnh tăng tuyến thượng thận bẩm sinh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức báo cáo chuyên đề lấy máu gót chân sơ sinh

Quá trình lấy máu diễn ra như thế nào?

Để sàng lọc các bệnh lý cho trẻ, nhân viên y tế sẽ lấy máu gót chân trẻ trong vòng 24 - 72 giờ, tốt nhất từ 48 đến 72 giờ, có thể kéo dài trong vòng 7 ngày sau sinh, khi trẻ đã ăn sữa được hơn 8 lần.

Trong trường hợp các bé sinh non, thiếu cân, bé nên được đưa đi lấy máu gót chân trước ngày thứ 20. Trẻ phải truyền máu sau sinh thì lấy sau thời gian 3 tháng. Giọt máu lấy ra sẽ được cho lên giấy thấm khô chuyên biệt và mang đi xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh viện sẽ thông báo và trả kết quả cho gia đình.

Vùng gạch đen là vùng trích máu xét nghiệm trên gót chân của trẻ

Vì sao lại lấy máu ở gót chân?

Theo nguyên tắc, máu ở bất cứ bộ phần nào trên cơ thể bé cũng có thể đem đi xét nghiệm. Tuy nhiên, các bác sĩ chọn lấy máu ở gót chân bé là do bộ phận này có lượng màu dồi dào, đáp ứng đủ lượng cần để xét nghiệm.

Hơn nữa, phần gót chân trẻ được cho là kém nhạy cảm hơn so với các bộ phận khác nên khi chích lấy máu sẽ ít đau hơn.

Việc sàng lọc quan trọng đến mức nào?

Như đã nêu trên, trẻ em mắc các bệnh rối loạn nội tiết, chuyển hóa bẩm sinh nếu không được chữa trị kịp thời có nguy cơ cao bị thiểu năng trí tuệ, trì độn, kém phát triển. Nếu trải qua sàng lọc, được phát hiện và chữa trị sớm, tỉ lệ khỏi lên đến 95%, trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và bình thường.

Sàng lọc ngay sau sinh 24 giờ đến dưới 07 ngày bằng cách chỉ cần lấy vài giọt máu ở gót chân của trẻ, sẽ giúp các bác sĩ tầm soát một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ.

Trẻ sau khi lấy máu gót chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh được bàn giao lại cho người nhà

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết " Chương trình lấy máu gót chân trẻ sơ sinh đã triển khai từ lâu, tuy nhiên từ tháng 04/2018 đến nay, gần 100% trẻ sơ sinh đẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh sau khi chào đời đều được lấy máu gót chân miễn phí và gửi đi xét nghiệm. Lấy máu gót chân trẻ sau sinh sau 24 giờ có thể tầm soát được bệnh suy giáp bẩm sinh, bệnh tăng sản tuyến thượng thận và bệnh thiếu men G6PD.

Đây là những bệnh lý liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền hiếm gặp ngay khi trẻ vừa ra đời, song rất nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển sau này của trẻ. Với những bệnh lý này, không thể nhận thấy khi khám bằng mắt thường mà phải xét nghiệm máu mới phát hiện sớm được và bệnh có thể xảy ra ngẫu nhiên cho bất cứ trẻ nào.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ được phát triển toàn diện hơn, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể làm bé bị khuyết tật hoặc tử vong; đỡ gánh nặng cho gia đình, xã hội khi nuôi dưỡng trẻ bệnh tật, lại cải thiện chất lượng giống nòi.

Việc sàng lọc sơ sinh lấy vài giọt máu ở gót chân của bé sơ sinh không gây nguy hiểm cho trẻ, hiện tại đang được xét nghiệm miễn phí mà mang lại hiệu quả lớn".

- Thiếu men G6PD là một bệnh mà cơ thể trẻ không tổng hợp được men G6PD như những trẻ bình thường. Men G6PD nằm trong tế bào hồng cầu. Khi thiếu men, tế bào không biến đổi các sản phẩm có hại thành sản phẩm không hại, do đó các sản phẩm có hại sẽ tích tụ trong hồng cầu làm cho hồng cầu dễ vỡ. Việc phát hiện bệnh sớm và tham vấn tránh sử dụng thuốc, theo dõi vàng da sơ sinh sẽ giúp trẻ bị thiếu men G6PD bị tán huyết cấp đưa đến thiếu máu, vàng da.

- Suy giáp bẩm sinh là một bệnh lý tuyến giáp của trẻ không tự sản xuất hoặc sản xuất hormon giáp ít hơn bình thường. Hormon giáp là chất cần thiết cho não bộ và cơ thể phát triển từ lúc mới sinh cho đến lúc trưởng thành. Nếu hormon giáp bị thiếu, não và cơ thể không phát triển đưa đến trẻ đần độn và không phát triển chiều cao. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị bổ sung đủ lượng hormon giáp trong vòng 2 tuần đầu sau sinh sẽ giúp trẻ phát triển bình thường.

- Tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh là một bệnh lý rối loạn tổng hợp nội tiết tuyến thượng thận ở trẻ sơ sinh đưa đến biểu hiện các thể bệnh khác nhau: mất muối gây tử vong và mơ hồ về giới tính ở bé gái. Việc phát hiện bệnh sớm giúp điều trị bé kịp thời tránh tử vong, giảm thiểu tình trạng nam hóa cơ quan sinh dục ngoài gây nhầm lẫn giới tính ở trẻ gái. Trẻ gái được điều trị sớm sẽ ít bị ảnh hưởng tâm lý và giảm khả năng phải tạo hình cơ quan sinh dục ngoài khi lớn lên.

Hoàng Song Hào


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.511
Tháng 07 : 20.708
Năm 2024 : 1.160.015
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.958.529