Các cơ sở y tế chú trọng hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Từ đó đến nay đã có nhiều cơ sở y tế tại Hà Tĩnh thực hiện thường quy các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thay đổi nhận thức của bà mẹ về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ.
Có mặt tại đơn nguyên sản gói, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào giờ bác sĩ đang tư vấn về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ cho các sản phụ sắp sinh. Được biết, trung bình mỗi tháng đơn nguyên sản gói tiếp nhận hơn 200 ca sinh thường và sinh mổ.
Sản phụ Nguyễn Thị Hoài, 29 tuổi, ở Thị trấn Thạch Hà chia sẻ: “Em mang thai tuần thứ 40, vào khám ở đơn nguyên sản gói được các bác sĩ tận tình hướng dẫn kỹ về chăm sóc trẻ, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Vì thế, em rất yên tâm khi đăng ký sinh tại đây”.
“Tất cả các sản phụ đến khám và sinh tại đơn nguyên sản gói đều được các nhân viên y tế hướng dẫn về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ, cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ. Đồng thời, khoa còn thực hiện biện pháp “da kề da” cho trẻ để trẻ được bú mẹ sớm ngay sau sinh. Khoa cũng đã lập nhóm Zalo tư vấn cho các bà mẹ mang thai, sau sinh về chăm sóc và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.”, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hiền, đơn nguyên sản gói, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ.
Ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trung bình mỗi tháng tiếp nhận điều trị cho hơn 600 trẻ, trong đó có 35% trẻ dưới 2 tuổi và hơn 90 trẻ nằm lồng ấp. Ths, bs Trần Thị Hương, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Xác định nguồn sữa mẹ vô cùng quý giá cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đang ốm, trẻ nằm lồng ấp, nên tất cả bà mẹ có trẻ dưới 2 tuổi vào điều trị tại đây đều được khuyến khích cho trẻ bú liên tục bằng sữa mẹ, những trẻ không bú được thì hướng dẫn mẹ vắt sữa và cho trẻ uống. Với những trẻ đang ốm thì rất lười ăn nên việc bổ sung sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật”.
Không những tại bệnh viện tuyến tỉnh mà ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện cũng đã thực hiện thường quy việc hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Ghi nhận tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa thành phố được biết tại đây có phòng Vắt sữa; phòng Tư vấn, hướng dẫn lớp học tiền sản. Ở các phòng đều treo các pano hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ... Tất cả các bà mẹ sau sinh thường hay sinh mổ đều được hỗ trợ cho con bú trong vòng 90 phút đầu sau sinh và đảm bảo cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trước khi xuất viện.
“Tôi hài lòng sau ca vượt cạn đầu tiên trong đời, ngay khi con được sinh ra, nằm trên ngực mình, đẩy chân, tự trườn bò tìm bú mẹ, cảm giác ấm áp, hạnh phúc vô cùng”, sản phụ Đậu Thị Hương, 23 tuổi, ở xã Thạch Môn, Thành phố xúc động chia sẻ.
Theo bác sĩ CKI Phan Quang Anh, Khoa phụ sản, BVĐK Thành phố: “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ thay đổi trong từng giai đoạn để thích ứng với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của trẻ sơ sinh. Trong 1-5 ngày đầu, mẹ tiết sữa non, đây là nguồn sữa chứa nhiều chất chống nhiễm khuẩn để bảo vệ cơ thể, đặc biệt là kháng thể chống mắc bệnh tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Sữa non cũng chứa nhiều vitamin A làm giảm nhiễm khuẩn nặng và phòng các bệnh về mắt. Việc cho trẻ bú sữa mẹ cũng giúp mẹ giảm chảy máu sau sinh, giúp co hồi tử cung, bảo vệ chống lại ung thư vú và buồng trứng; không tốn kém về kinh tế...”.
Mặc dù nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích nhưng thực tế có một số bà mẹ do suy nghĩ sữa công thức có thể thay thế sữa mẹ hoặc sợ không có đủ sữa cho con nên vội vàng cho con uống sữa công thức. Bên cạnh đó một số bà mẹ đi làm sớm, ngại vắt sữa nên trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng mà phải uống sữa công thức.
Bác sĩ Lê Chánh Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “thời gian qua Ngành y tế Hà Tĩnh đã có các văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế có khoa sản, nhi và các trạm y tế trên toàn tỉnh duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau sinh về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ. Thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Không cho trẻ sơ sinh uống gì khác ngoài sữa mẹ, ngoại trừ khi có các chỉ định điều trị. Không cho trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả. Đẩy mạnh thành lập các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn cho các bà mẹ tiếp xúc với nhóm để được tư vấn trước khi xuất viện”.
Chủ đề của Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2023 là “Tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”, nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ. Vì thế, việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là trách nhiệm của các sở sở y tế, mà sau khi xuất viện nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là bà mẹ và đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, nhằm giúp đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho bà mẹ, trẻ em và nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng./.
Thanh Loan