• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Vaccine H5N1 “made in Việt Nam”: Thử thách cuối cùng

Gần 8 năm đầu tư rất nhiều công sức, tiền của, chặng đường nghiên cứu, sản xuất vaccine cúm A/H5N1 của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) đã sắp thành hiện thực. Đây được coi là một vũ khí khống chế hiệu quả virus cúm A/H5N1 nguy hiểm hiện nay.

Vaccine H5N1 “made in Việt Nam”: Thử thách cuối cùng

Hình: Minh Họa

Hình: Minh Họa

Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng
 
Cùng với việc nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã bắt tay nghiên cứu để sản xuất vaccine cúm A/H1N1, vaccine ngừa tay chân miệng và ngừa viêm màng não mủ, với những kết quả đạt được ban đầu rất khả quan.

Đợt thử nghiệm lần thứ ba này do Học viện Quân y trực tiếp đảm nhiệm, tiến hành trên hơn 1.000 người tình nguyện tại hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Nam.
 
Đây là mũi vaccine thứ hai những người này được tiêm, sau mũi tiêm thứ nhất cách đây 1 tháng. 28 ngày sau, họ sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm, đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine.
 
Trước đó, Bộ Y tế đã tiến hành 2 đợt thử nghiệm trên gần 300 người vào năm 2008 và 2009.
 
Theo Bộ Y tế, lần tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng cúm A/H5N1 trên người giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn cuối cùng của quá trình thử nghiệm. Đây cũng là bước quan trọng để Bộ Y tế xác định có cho phép sản xuất đại trà vaccine phòng cúm AH5N1 hay không.
 
Trong thời gian 3 tháng tới, kể từ ngày tiêm vaccine đợt cuối cùng này, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine cúm A/H5N1 trên người.

Theo PGS.TS Đoàn Huy Hậu - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dịch tễ (Học viện Quân y), lần thử nghiệm thứ ba này vô cùng quan trọng vì kết quả sẽ quyết định cho ra đời vaccine cúm A/H5N1 “made in Việt Nam”.
 
Học viện Quân y sẽ hoàn thành đánh giá kết quả xét nghiệm máu của những người tham gia tiêm thử nghiệm cuối này vào tháng Năm, rồi chuyển Bộ Y tế nghiệm thu để đưa ra kết quả chính thức.
 
“Nếu sản xuất đại trà được vaccine cúm A/H5N1 sẽ tốt cho công tác phòng chống dịch vì hiện nay ở Việt Nam dịch cúm vẫn lưu hành qua nhiều năm, có nhiều nguy cơ bùng phát” - PGS.TS Đoàn Huy Hậu cho biết.

Đến nay, cúm A/H5N1 tại Việt Nam có tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới 50%. Cụ thể, từ ca nhiễm đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 123 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có tới 61 ca tử vong.
 
Nỗ lực sắp tới đích

GS.TS Nguyễn Thu Vân - Người chủ trì đề tài - cho biết: “Nỗ lực suốt nhiều năm qua của chúng tôi và các cộng sự đã sắp tới đích. Vaccine ngừa cúm A/H5N1 cho người sẽ sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi chỉ trong thời gian ngắn nữa”.

Năm 2003, virus cúm gia cầm H5N1 xâm nhập và lây lan nhanh chóng ở Việt Nam khiến nhiều người tử vong. Trước mối đe dọa nguy hiểm này đối với sức khỏe và tính mạng con người, lúc đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia, virus cúm A/H5N1 có thể biến chủng nguy hiểm gây ra đại dịch cúm ở người nếu như không sớm có một loại vaccine phòng ngừa.
 
Với quyết tâm nghiên cứu tìm ra phương thuốc hữu hiệu phòng chống virus H5N1 cho người dân, năm 2004, GS.TS Nguyễn Thu Vân cùng các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1.
 
Quy trình nghiên cứu bắt đầu từ việc nuôi cấy virus trên tế bào thận khỉ tiên phát, không theo cách nghiên cứu mà nhiều nước thường làm là nuôi cấy trên trứng gà có phôi. GS.TS Thu Vân cho biết, việc nghiên cứu vaccine cúm A/H5N1 được tiến hành trên tế bào thận khỉ là một phương pháp tiên tiến nên cho dù phức tạp và thời gian lâu hơn nhưng bù lại có năng suất cao, hiệu quả, độ an toàn tốt hơn.
Cũng theo GS.TS Thu Vân, quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1 với hàng trăm cuộc thử nghiệm trên khỉ và gà thành công; công trình được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rất cao, vaccine đã tạo ra kháng thể miễn dịch, an toàn.
 
Năm 2008, được sự cho phép của Bộ Y tế, nhóm nghiên cứu chính thức chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi sự chặt chẽ, chính xác, hiệu quả và an toàn cao nhất, đó chính là tiêm thử nghiệm vaccine cúm A/H5N1 trên người. Gần 4 năm qua, hàng trăm người, trong đó có cả những cán bộ, chuyên gia của nhóm nghiên cứu và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine cúm A/H5N1.

“Việc làm này cho thấy các nhà khoa học ý thức một cách đầy đủ trách nhiệm đối với sự an toàn của cộng đồng, sức khỏe và tính mạng của người dân. Cho tới nay, 2 giai đoạn thử nghiệm thành công vaccine cúm A/H5N1 trên người đã kết thúc với hiệu quả rất cao, khả năng đáp ứng miễn dịch gần 100% theo tiêu chuẩn của châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới đề ra”- GS.TS Thu Vân nói.
 


                                                                                    Theo. GiadinhNet


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.075
Tháng 07 : 29.647
Năm 2024 : 1.168.954
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.967.468