• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hiệu quả Đề án kiểm soát dân số vùng biển và ven biển

Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” (gọi tắt là Đề án 52) ở Hà Tĩnh (từ năm 2009 đến 2020), thực sự đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định qui mô và nâng cao chất lượng dân số vùng biển. 

Cán bộ Trung tâm Y tế Lộc Hà tổ chức khám phụ khoa và siêu âm ổ bụng cho chị em phụ nữ tại xã Hộ Độ, Lộc Hà


Bác sỹ Bùi Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh chia sẻ: “Có 45 xã ven biển thuộc 6 huyện, thị được hưởng lợi từ Đề án 52, trong đó Nghi Xuân (11 xã), Thạch Hà (9 xã), Cẩm Xuyên (6 xã), Lộc Hà (7 xã), Kỳ Anh (5 xã), thị xã Kỳ Anh (7 xã). Trong quá trình triển khai, các hoạt động tập trung vào những nội dung: đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/kế hoạch hóa gia đình; nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, đảo và ven biển; hỗ trợ phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý; tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông về dân số, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; nâng cao hiệu quả quản lý đề án”. 
Lộc Hà là huyện ven biển, có 7 xã được hưởng lợi từ đề án. Trước đây, quan niệm đông con hơn đông của và phải có con trai đã in đậm trong ký ức của người dân. Nhưng sau khi thực hiện Đề án đã dần dần thay đổi nhận thức của người dân vùng biển. Giờ đây, không chỉ thế hệ trẻ mà cả những thế hệ cao niên ở vùng biển đều có hiểu biết về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, nhiều gia đình dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt.
Ông Nguyễn Đình Minh ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết: “Trước đây chúng tôi có quan niệm sinh đông con và phải có con trai nhưng bây giờ những bậc cao niên, làm ông, làm bà như chúng tôi cũng không nghĩ như vậy. Chỉ mong con cháu có cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh, được học hành tử tế để xã hội ngày càng phát triển, văn minh”. 

Cán bộ cộng tác viên dân số tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân


Để thực hiện hiệu quả đề án, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số thường xuyên đến từng gia đình, tuyên truyền vận động, cung cấp các phương tiện tránh thai. Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên. Ông Trần Đình Hưng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Kim, Lộc Hà khẳng định: “Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, do đó hầu hết chị em phụ nữ đã nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản và các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Khi địa phương triển khai các chiến dịch về công tác dân số đã nhận được sự hưởng ửng tích cực của chị em, đồng thời các gia đình cũng tạo điều kiện để chị em tham gia”.
Bác sỹ Đào Văn Thế, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lộc Hà chia sẻ: “Trung tâm y tế huyện đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động và đáp ứng kịp thời, có hiệu quả các vấn đề về sức khỏe sinh sản, về kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ sinh trên 2 con được giảm.  10 tháng đầu năm 2020 toàn huyện có 960 trẻ sinh ra, trong đó có 356 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, đạt tỷ lệ 37%, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019”. 
Đề án giúp ngư dân nghèo có thêm cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản. Phụ nữ vùng biển đã có sự gắn kết với nhau thông qua các Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc. Các huyện vùng biển đã xây dựng được mô hình can thiệp đảm bảo sự phát triển bình thường bào thai và sức khỏe cho các bà mẹ mang thai. Tại 45 xã thuộc 6 huyện, thị triển khai đề án đã có hơn 11 ngàn lượt người được tư vấn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/kế hoạch hóa gia đình; gần 9.000 lượt người trong nhóm 15-24 tuổi chuẩn bị kết hôn được siêu âm bộ máy sinh sản; 1.900 người được xét nghiệm viêm gan B; 800 người được xét nghiệm RH; hơn 30 ngàn lượt bà mẹ mang thai được khám, tư vấn, siêu âm; 2.700 trẻ sơ sinh được xét nghiệm máu. Đặc biệt có hơn 110.000 lượt phụ nữ được khám phụ khoa, trong đó số ca được phát hiện bệnh và điều trị là gần 66.000 lượt người; hơn 25.000 lượt người được siêu âm bộ máy sinh sản, phát hiện 550 trường hợp nghi ngờ có bệnh về bộ máy sinh sản như: u xơ, u nang…

 Cán bộ cộng tác viên dân số phát tờ rơi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên


Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: “Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai là 58%. Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đạt 95%. Tỷ lệ trẻ tại các vùng biển, ven biển dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền bình quân hàng năm khoảng 4,8%”.
Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng sau hơn 10 năm thực hiện Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” ở Hà Tĩnh đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình, cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, góp phần ổn định qui mô và không ngừng nâng cao chất lượng dân số vùng biển.
 

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.136
Tháng 11 : 201.628
Năm 2024 : 2.783.130
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.581.644