Hà Tĩnh quan tâm đảm bảo chế độ chính sách, chăm lo cuộc sống cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó việc đảm bảo trợ cấp xã hội, chăm lo cuộc sống người khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng được đặc biệt quan tâm.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tặng quà người khuyết tật trên đại bàn tỉnh
Hà Tĩnh hiện có 64.407 người khuyết tật (chiếm 4,95% so với tổng số dân), trong đó người khuyết tật nặng là 24.422 người, người khuyết tật đặc biệt nặng là 6.010 người.
Ông Mai Lê Thuộc- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: “Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Hà Tĩnh đã ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đúng, đủ, có chất lượng và hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng là một trong nhóm các tỉnh ban hành chính sách riêng, như: hỗ trợ thu nhập, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ thẻ BHYT…... nhằm hỗ trợ người khuyết tật, người yếu thế khắc phục khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Theo đó số lượng người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội ngày càng gia tăng; số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 30.432 người; số người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí là 43.890 người, chiếm 68,1%. Hàng năm, có hàng trăm lượt trẻ em, người khuyết tật được chăm sóc y tế, khám bệnh, cấp thuốc miến phí, phục hồi chức năng, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, sinh kế, vay vốn tín dụng, trợ giúp pháp lý”.
Nhiều trẻ mồ côi, khuyết tật được tặng quà động viên các em vươn lên trong cuộc sống
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật tại cộng đồng, việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng người khuyết tật tại các cơ sở trợ giúp xã hội cũng được Hà Tĩnh quan đặc biệt. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 về quy định đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 106/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2025, qua đó bổ sung thêm đối tượng người khuyết tật thần kinh tâm thần đặc biệt nặng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguyện vọng được vào nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục, Lao động xã hội (thuộc Sở LĐTB-XH trước đây), nay là Sở Y tế. Thông qua ban hành các chính sách tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật thần kinh tâm thần vào cơ sở trợ giúp xã hội đã tạo điều kiện cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho các gia đình trong việc quản lý, chăm sóc người khuyết tật. Tính đến tháng 12/2024 số người khuyết tật đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội công lập là 136 người.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trao kinh phí hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh nhân tại BV Mắt Hà Tĩnh
Xác định rõ việc thực hiện chính sách đối với người khuyết tật không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo chế độ trợ cấp, Hà Tĩnh còn chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, hàng năm đã có hàng trăm đối tượng là người khuyết tật được đào tạo và giới thiệu việc làm. Giai đoạn 2021-2024, riêng Trung tâm công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật đã thực hiện tuyển sinh và tiến hành đào tạo nghề gần 500 học sinh là người khuyết tật có khả năng học nghề vào học tại các lớp Tin học văn phòng, May công nghiệp, Sửa chữa điện dân dụng, mây tre đan, đã liên hệ với các công ty, các cơ sở sản xuất kinh doanh để giới thiệu việc làm cho 113 em.
“Những kết quả nêu trên khẳng định chế độ trợ giúp xã hội, chăm lo cuộc sống cho người người khuyết tật, đặc biệt là người khuyệt tật có hoàn cảnh khó khăn được HĐND tỉnh Hà Tĩnh thể chế hóa bằng nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Các chính sách triển khai có tác động sâu rộng, toàn diện góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng người khuyết tật, giúp họ tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng”, ông Mai Lê Thuộc- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Hỗ trợ vốn sinh kế cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Bên cạnh các kết quả đạt được, Hà Tĩnh xác định việc thực hiện đảm bảo trợ giúp xã hội vẫn còn một số khó khăn. Kinh phí ngân sách địa phương còn hạn hẹp, dẫn đến việc đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội còn hạn chế; chính sách an sinh xã hội còn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về mức sống tối thiểu cho đối tượng yếu thế nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Để tiếp tiếp tục thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội nhất là việc đảm bảo trợ cấp xã hội, chăm lo cho người khuyết tật. Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn triển khai và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và của người dân về chính sách trợ giúp xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ ở các cấp để làm tốt công tác tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện trợ giúp xã hội ở địa phương tạo điều kiện để người khuyết tật vượt qua rào cản, từng bước hòa nhập cộng đồng, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội.
Đoàn Loan