Bí thư Tỉnh ủy: Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống dịch, đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu
Chiều 8/4, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh về dự báo tình hình, giải pháp phòng chống dịch; dự kiến chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng các thành viên BCĐ phòng chống Covid-19 tỉnh tham dự.
Thực hiện quyết liệt công tác xét nghiệm sàng lọc
Theo đánh giá, hiện nay, Hà Tĩnh đang ứng phó với dịch một cách chủ động, các giải pháp phòng chống dịch được triển khai quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.
Đến nay, trên địa bàn có 3 ca bệnh: 146, 210, 238 dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang được cách ly, điều trị tại BVĐK Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở; trong đó bệnh nhân 146 đã xét nghiệm âm tính.
Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu: Đối với những trường hợp công dân Hà Tĩnh cách ly từ các địa phương khác về, nếu chưa có kết quả xét nghiệm thì tiếp tục cách ly ở các khu cách ly tập trung cấp xã, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm.
Có 193 trường hợp F1 của các ca bệnh dương tính đã có kết quả xét nghiệm âm tính; 489 trường hợp F2 đã xét nghiệm. Hiện tất cả F1 và F2 đang ở các khu cách ly tập trung Cổng B Cửa khẩu Cầu Treo, xã Mỹ Lộc (Can Lộc), xã Thạch Long (Thạch Hà) đều có sức khỏe ổn định.
Đối với các trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai trở về từ 12/3, Hà Tĩnh đã rà soát, giám sát chặt chẽ và đã tiến hành lấy mẫu.
Công tác cách ly y tế tại bệnh viện, các khu cách ly tập trung, hướng dẫn theo dõi, cách ly tại nhà đang được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.
Công tác xét nghiệm đang được triển khai quyết liệt, 2 phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và BVĐK tỉnh đang phát huy hiệu quả.
Hà Tĩnh đang tập trung cao cho công tác xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, trong đó ưu tiên các trường hợp trong các khu cách ly tập trung, các đối tượng từ Bệnh viện Bạch Mai trở về, công dân Hà Tĩnh từ các địa phương khác về...
Các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, vật tư y tế để tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Đề xuất 5 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SX-KD
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tình hình ảnh hưởng của dịch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh báo cáo sự tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chịu ảnh hưởng lớn nhất là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SX-KD), chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản do hàng tồn kho, khó tiêu thụ.
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại, nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng, gặp khó khăn trong sản xuất.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng báo cáo kết quả thực hiện chế độ hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng trên cả 3 lĩnh vực: dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác.
Hoạt động lao động - việc làm cũng bị ảnh hưởng rõ rệt, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp giảm chung là 7,8%, hoạt động xuất khẩu lao động ngưng trệ, nhiều nước ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Các cơ quan thông tin truyền thông đã, đang tập trung tuyên truyền, phản ánh mạnh mẽ quyết liệt các hành vi vi phạm các nội dung phòng chống dịch của một số tổ chức, cá nhân.
Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhất đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Tỉnh sẽ triển khai các giải pháp cụ thể để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, khuyến khích phát triển sản xuất, đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện các chế độ hỗ trợ trong phòng công tác phòng chống dịch; dự kiến chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục có các thông tin phản biện sắc sảo đối với các hành vi, hoạt động vi phạm các nội dung phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Trách nhiệm, quyết liệt trong hành động, đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn hoàn nghênh sự vào cuộc, chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch. Nhờ đó, đến nay, Hà Tĩnh vẫn đang chủ động phòng chống, kiềm chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn phát biểu kết luận.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, mặc dù thời gian qua, tỉnh có các chủ trương, nhiều văn bản, giải pháp chỉ đạo nhưng hiệu quả thực hiện ở cơ sở chưa đồng đều. Điều này cho thấy hệ thống chỉ đạo, thực hiện vận hành chưa thông suốt; một số bộ phận chưa vào cuộc với quyết tâm cao nhất.
Nhiều địa phương vẫn chưa phát huy hết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các thôn, tổ dân phố trong công tác phòng chống dịch ở cộng đồng, dù tỉnh đã có chính sách để hỗ trợ làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, hiện nay, công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều thách thức, tuyệt nhiên các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là mà cần chủ động, quyết liệt, trách nhiệm cao hơn, đặt yêu cầu về sức khỏe, an toàn của người dân lên hàng đầu.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, tỉnh xem đây là một kênh đánh giá cán bộ, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cán bộ thôn, tổ dân phố; MTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện hiệu quả các nội dung phòng chống dịch.
Đối với các công dân tham gia đi lễ đông người tại một số nhà thờ, yêu cầu các ngành, địa phương chỉ đạo làm rõ những sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành y tế chủ động phân loại sàng lọc, xét nghiệm và lên phương án cách ly theo đúng quy định; dồn sức lấy mẫu công dân cách ly trong thời gian 14 ngày, nếu qua 14 ngày chưa lấy được mẫu thì chấp nhận kéo dài 21 ngày và đảm bảo phải lấy được mẫu xét nghiệm trước khi công dân khi rời khỏi khu cách ly.
Đối với quản lý nguy cơ từ bên ngoài vào, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu BCH Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện, ngành y tế chịu trách nhiệm chuyên môn về việc tiếp nhận công dân từ ngoài tỉnh đã hoàn thành cách ly 14 ngày về địa bàn. Công an tỉnh tiếp tục nắm bắt, quản lý chặt chẽ người từ nơi khác vào địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành y tế tiếp tục tập trung phát huy tối đa năng lực xét nghiệm của các cơ sở xét nghiệm; tham mưu giải pháp đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở y tế đảm bảo phòng chống dịch.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đề nghị UBND tỉnh và các địa phương phải chủ động rà soát, không được bỏ sót đối tượng. Ngoài gói hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cần nghiên cứu, xác định những gói hỗ trợ riêng trong khả năng của địa phương và cần hành động ngay để đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng, đơn giản hóa các thủ tục, giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, người sản xuất vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất.