• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

“Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”

Với con số trung bình hàng năm gần 800 ca bệnh lao các thể được phát hiện, Hà Tĩnh nằm trong nhóm tỉnh có số lượng người mắc bệnh lao tương đối lớn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng như các tỉnh miền Trung. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người mắc bệnh lao có thể khỏi hoàn toàn, hạn chế đến mức thấp nhất quá trình lây bệnh trong cộng đồng.  

Bệnh nhân Hoàng Trung L. 74 tuổi, trú tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân được người nhà đưa đến bệnh viện Phổi Hà Tĩnh khi có dấu hiệu ho, sốt kéo dài, đau nhói ở ngực khi hít vào, thở ra. Sau khi được các bác sĩ khám sàng lọc, kết quả cho thấy ông đã bị mắc lao phổi, giảm chức năng hô hấp, tổn thương phổi. Ông L. cho biết: “Tôi ở nhà bị ho mấy tuần, dù có mua thuốc nhưng mãi vẫn không đỡ, rất may là gia đình đưa tôi đến bệnh viện Phổi Hà Tĩnh kiểm tra kịp thời. Do kiên trì tuân thủ sử dụng thuốc đúng liều lượng và đủ thời gian quy định, tôi đã được điều trị khỏi bệnh lao”.'

Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc BV Phổi Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân

 

Không may mắn được điều trị kịp thời như bệnh nhân Hoàng Trung L, tại Hà Tĩnh có nhiều bệnh nhân còn mặc cảm, dấu bệnh nên nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng là rất cao. Không chỉ vậy, tỷ lệ thuận với số người mắc bệnh lao, số bệnh nhân lao kháng thuốc cũng gia tăng. Nguyên nhân chính là do không tuân thủ nguyên tắc điều trị, không uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Năm 2018, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh phát hiện 18 bệnh nhân lao kháng thuốc, năm 2019 là 9 bệnh nhân, số bệnh nhân lao kháng thuốc đang được quản lý điều trị hiện là 14 người. Bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng gia tăng trở thành mối đe dọa lớn đối với công tác phòng, chống căn bệnh này.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, Bệnh lao phổi rất dễ lây truyền qua đường hô hấp. Người lành có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với người bị bệnh lao phổi hoặc chất thải có chứa vi khuẩn lao hay dùng chung đồ với bệnh nhân lao như khăn mặt, chậu, bát đũa,... Ngoài ra, người sống trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh hoặc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao... Để phòng mắc lao cần tiêm phòng bệnh lao cho trẻ ngay tháng đầu sau sinh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi. Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh. Người bệnh lao phổi tránh lây nhiễm cho người lành bằng cách không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người... Người bệnh phải đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ qui định, đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được xử lý đúng phương pháp. Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…

 

Và kiểm tra hình ảnh xét nghiệm trên trên phim cắt lớp vi tính

 

Những năm qua, Chương trình phòng chống lao luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Hà Tĩnh quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới chống lao được duy trì hoạt động ổn định, đáp ứng cơ bản việc khám, phát hiện và điều trị tại cơ sở. Để giúp người dân có điều kiện được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao, phổi, hằng năm Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã tổ chức các đợt khám tại cộng đồng. Mỗi đợt khám diễn ra từ 3 đến 5 ngày tại 3 hoặc 4 xã, ưu tiên khám sàng lọc cho những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Trong năm 2016 toàn tỉnh phát hiện 841 bệnh nhân (76/100.000 người), năm 2017 phát hiện 784 bệnh nhân (61/100.000 người), năm 2018 phát hiện 764 bệnh nhân (59/100.000), năm 2019 phát hiện 892 bệnh nhân (63/100.000). Tỷ lệ bệnh lao ở tỉnh ta còn cao so với các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh Miền Trung. Một số lượng lớn ca bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện, tiếp tục là nguồn lây.

 

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao 24-3-2020 với chủ đề “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Chủ đề muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 mà thế giới và Việt Nam chúng ta đang chống chọi, mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người bệnh lao vào năm 2030.

 

Lao là một bệnh truyền nhiễm không những ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng người mắc bệnh mà còn là vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc lao không miễn trừ một ai; bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và chữa trị đúng. Chính vì vậy mọi người hãy cùng chung tay vì một thế giới không còn bệnh Lao.

                                                                                 Ngân Khánh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.058
Tháng 05 : 24.918
Năm 2024 : 744.217
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.542.731