Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm - Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước.
Chúng ta chưa thành công trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), do vậy, cần giải pháp mạnh, kiên quyết. Cần phải thay đổi cách tiếp cận với những cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc và cách làm tốt nhất, rõ nét nhất để thực hiện thành công công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
![]() |
Cửa hàng thực phẩm sạch, quản lý theo chuỗi sản phẩm của Mitraco. |
Tập trung nguồn lực
Bảo đảm an toàn thực phẩm phải đảm bảo trên cả chuỗi thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn”. Một chuỗi thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn khi sản phẩm được phối hợp quản lý chặt chẽ từ nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, chế biến, lưu thông. Bất kỳ khâu nào trong chuỗi không đảm bảo an toàn đều có nguy cơ dẫn đến không an toàn đối với thực phẩm, người sử dụng.
Từ khi có Luật ATVSTP (năm 2010) đến nay, các ngành đã thực hiện quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, khắc phục được tình trạng cắt lát, chồng chéo như trước đây. Ông Trần Hữu Hạnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: “Trách nhiệm đã được luật phân định rõ, nếu các ngành đều thực hiện đúng theo chức năng của mình thì cơ bản sẽ kiểm soát được vấn đề ATVSTP”. Tuy nhiên, cũng theo ông Hạnh, với bộ máy và điều kiện, phương tiện làm việc hiện tại, lực lượng quản lý thị trường chưa thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thực tiễn đang đòi hỏi phải đầu tư trang bị đội quân chuyên môn tinh nhuệ và trách nhiệm cao thì mới đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn.
Cùng quan điểm, ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cũng cho biết, do không có các thiết bị máy móc nên lâu nay chức năng khuyến cáo cụ thể đối với từng sản phẩm chưa được thực hiện tốt. Thực tế, trong các lần đi thanh tra, kiểm tra, chi cục chỉ có các test để thử chứ chưa lấy mẫu để trực tiếp kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP được. Đối với số mẫu cần thiết, chi cục tiến hành lấy mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia. Tuy nhiên, việc này rất bất cập vì do kéo dài thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm nên nhiều mặt hàng nghi ngờ cũng không thể tạm giữ. Bởi vậy, muốn thực hiện quyết liệt công tác quản lý thì việc đầu tiên là cơ quan chức năng phải có đủ các phương tiện, thiết bị kiểm nghiệm cần thiết.
Tín hiệu mới về việc bổ sung nguồn lực cho công tác quản lý thị trường đang mở ra khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép các ngành chức năng dùng tiền phạt vi phạm ATVSTP phục vụ trở lại cho hoạt động đảm bảo thị trường an toàn, lành mạnh.
Cùng đó, nguồn lực sẽ được tập trung khi chúng ta xây dựng được một bộ máy quản lý ATVSTP phù hợp, hiệu quả. Qua nhiều cuộc họp liên quan đến ATVSTP tỉnh gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, nên hợp nhất các chi cục quản lý ATVSTP trực thuộc các ngành thành một đầu mối. Mô hình này sẽ quy tụ được nguồn lực, đồng thời, sẽ giải quyết được những chồng chéo về trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Vận dụng triệt để chế tài xử phạt
Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông, lâm, thủy sản cho biết: Trước đây, do chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm ATVSTP không đủ mạnh, do đó, việc xử lý vi phạm thiếu tính răn đe; vẫn có nhiều trường hợp sau khi xử lý tiếp tục tái phạm. Từ 1/7/2016 trở đi, Bộ Luật Hình sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định (từ điều 190-195) về tội phạm trong lĩnh vực ATVSTP.
Theo đó, các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối, lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đều được coi là hành vi tội phạm, bị xử lý về hình sự với chế tài nghiêm khắc.
Cụ thể sẽ phạt tiền, phạt tù, cấm kinh doanh. Đối với trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù giam tới 20 năm. Cùng với chế tài nghiêm khắc, các ngành chức năng cũng đã có cơ chế khuyến khích người dân tố giác tội phạm. Nếu người cung cấp nguồn tin xác đáng sẽ có thưởng.
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, để chế tài này phát huy tác dụng trong việc răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm ATVSTP, các lực lượng liên quan phải hoạt động tích cực, công tâm và quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh kiểm tra và xử phạt nghiêm, cần công khai các vi phạm và hình thức xử lý tới cộng đồng nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền về đảm bảo ATVSTP, trong đó, chú trọng việc đưa nội dung về những quy định xử phạt mới đến tận người SXKD.
Những giải pháp đồng bộ và quyết liệt của chính quyền các cấp và các ngành chức năng cùng với sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội và sự vào cuộc chủ động hơn của người tiêu dùng, hy vọng sẽ lấp đầy những lỗ hổng trong quản lý chất lượng thực phẩm lâu nay.
Tại cuộc họp trực tuyến về an toàn thực phẩm toàn quốc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chỉ đạo: Đảm bảo ATVSTP là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của địa phương, là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu. Bởi vậy, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ quan trọng này. Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý ATVSTP của cơ quan nhà nước cấp dưới. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu và thực thi pháp luật. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm ATVSTP trên địa bàn thì chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm toàn diện. |
Theo: Báo Hà Tĩnh