Một giải báo chí thành công ngoài mong đợi
Từ nền hiện thực ắp đầy sự kiện của ngành Y tế, các tác giả tham dự cuộc thi báo chí viết về “Ngành Y tế Hà Tĩnh – 60 năm xây dựng và trưởng thành” đã phát hiện, phản ánh bằng một bức tranh rõ ràng và trực cảm về những người chiến sỹ, những người mẹ mặc áo trắng ở những góc độ điển hình và mang đậm tính nhân văn nhất.
Từ nền hiện thực ắp đầy sự kiện của ngành Y tế, các tác giả tham dự cuộc thi báo chí viết về “Ngành Y tế Hà Tĩnh – 60 năm xây dựng và trưởng thành” đã phát hiện, phản ánh bằng một bức tranh rõ ràng và trực cảm về những người chiến sỹ, những người mẹ mặc áo trắng ở những góc độ điển hình và mang đậm tính nhân văn nhất.

Trái với những lo lắng ban đầu bởi áp lực về thời gian, về khó khăn trong công tác tổ chức và những khó khăn khách quan khác, cuộc thi báo chí viết về “Ngành Y tế Hà Tĩnh – 60 năm xây dựng và trưởng thành” do Sở Y tế Hà Tĩnh và Hội Nhà báo Hà Tĩnh phối hợp tổ chức đã thành công ngoài mong đợi. Sự thành công của cuộc thi không chỉ ở sự tham gia hào hứng của các nhà báo chuyên nghiệp, các cây viết trong và ngoài ngành Y, không chỉ ở số lượng phong phú của các tác phẩm vào chung khảo mà cái chính là ở chất lượng được thẩm định trung thực của 22 tác phẩm đạt giải.
Cuộc thi đã khép lại nhưng những trang viết, thước phim gói ghém những khoảnh khắc đáng nhớ của những “lương y như từ mẫu”, những điểm sáng đồng cảm cũng như những bộn bề của lĩnh vực công việc “làm dâu thiên hạ” đầy nhân văn lại gợi mở nhiều vấn đề để mỗi người cùng suy nghĩ, hành động. Từ nền hiện thực ắp đầy sự kiện và những nỗ lực của lịch sử 60 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Y tế nói chung, y tế Hà Tĩnh nói riêng, các tác giả đã phát hiện, lựa chọn và bằng các sản phẩm báo chí của mình tạo nên bức tranh rõ ràng và trực cảm về những người chiến sỹ, những người mẹ mặc áo trắng ở những góc độ điển hình và mang đậm tính nhân văn nhất.
Cuộc thi viết về ngành Y tế Hà Tĩnh lần này có 49 tác phẩm ở các loại hình báo viết, báo điện tử, báo hình, báo nói với 4 nhóm thể loại. Kết quả, Ban tổ chức đã xét trao 22 giải thưởng, trong đó có 2 giải A, 6 giải B, 4 giải C và 10 giải khuyến khích.
Có thể nói đây là mùa giải có số tác phẩm báo in, báo mạng điện tử tham gia vượt trội, chất lượng đồng đều hơn so với báo hình. Bên cạnh đó là sự thắng thế và khẳng định của nhóm thể loại tin, bài phản ánh, gương người tốt việc tốt với 2/3 tác phẩm dự thi đạt giải. Đây là một điều rất đáng mừng khi nhóm thể loại này thường không được các tác giả chăm chút đầu tư và hầu như vắng bóng các giải cao trong các cuộc thi báo chí những năm gần đây – nhất là Giải báo chí Trần Phú – Giải báo chí chuyên nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh.
Phát hiện, biểu dương những thành công, những hy sinh thầm lặng trên mặt trận bảo vệ sức khỏe người dân, những đồng cảm với người bệnh, những nghĩa cử nhân ái hướng tới cộng đồng của đội ngũ Y, Bác sĩ, CBCNVC ngành Y... là những dòng chủ đạo của các tác phẩm tham gia giải lần này.
Với phóng sự 3 kỳ về BHYT theo phương thức định suất, nữ phóng viên Báo Hà Tĩnh Biện Nhung đã “cấp” cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh và khá rõ ràng về những bất cập của phương thức này đối với các cơ sở KCB cũng như sự cần thiết phải có những bước đi phù hợp để khắc phục. Chỉ đọc qua “tít” bài thôi, người đọc đã có thể hình dung về chuỗi vấn đề mà tác giả sẽ thể hiện: BHYT theo phương thức định suất: “Vòng kim cô” đối với cơ sở KCB ban đầu – Khó cho bệnh viện đa khoa - Cần bước đi phù hợp.
Phóng sự, nhìn chung là một thách thức lớn với người viết. Nó đòi hỏi người viết vừa phải có những phẩm chất nghề nghiệp như sự khổ công trong việc đi và viết, sự nhạy bén mẫn cảm, tính trung thực. Ngoài ra, để tác phẩm thật sự gây ấn tượng, xứng đáng với tên gọi thể loại, tác giả còn phải có khả năng chiếm lĩnh hiện thực bằng một bút pháp đa dạng, sinh động, giàu chất văn học. Ở điểm này, các tác giả có PS đạt giải như Biện Nhung, Thế Cải, Sinh Hiệp, Hà Phương... đã bắt đầu thuyết phục được bạn đọc.
Với 9/22 tác phẩm đạt giải, nhóm thể loại bài phản ánh, gương người tốt việc tốt đã thực sự thắng thế với nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, thời sự, xúc động những mảnh ghép cuộc sống giản dị, điển hình và giàu chất giáo dục. “Sự kiện 14-5” trong bối cảnh sôi sục của sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 đã thực sự làm nóng cái tên KCN Vũng Áng trong dư luận, trên các phương tiện truyền thông và làm đau đầu lãnh đạo tỉnh cũng như bất cứ người Hà Tĩnh yêu quê nào. Sự hoang mang trong quần chúng và của người nhà những công nhân phải nhập viện là có thật. Nhaỵ bén, thời sự và mang tính định hướng cao với bài phản ánh kèm chùm ảnh minh họa “Vượt rào cản, chăm sóc bệnh nhân TQ ở Vũng Áng”, nhóm tác giả Văn Đức – Duy Tuấn (Vietnamnet) đã có ngay tác phẩm ghi lại sự tận tâm, nhiệt tình của các CBCNVC Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cũng như những chi tiết khẳng định sự bình tâm, tin tưởng của các bệnh nhân người Trung Quốc. Bài viết, ngoài tính thời sự, trung thực đã thực sự là một liều thuốc an thần cho dư luận trong bối cảnh đó. Người đọc cũng sẽ không thể quên được câu chuyện về nữ hộ sinh Nguyễn Thị Phương với ca đỡ đẻ lúc 2 giờ sáng giữa trận lũ lịch sử 2011 cứu sống sản phụ và 2 bé sinh đôi. Đặc biệt, tấm gương nữ sinh Nguyễn Thị Mai Sao 20 tuổi, 20 lần hiến máu cứu người và nguyện hiến máu suốt đời cho em bé có hoàn cảnh khó khăn đã thực sự làm xúc động người đọc. Tác phẩm “Người vẽ nên bức tranh mới ở một bệnh viện cũ” của nhà báo Khắc Hiển (Chi hội VPĐD - Thường trú) đã chọn được những chi tiết khá đắt làm nổi bật lương tâm, trách nhiệm cao của bác sỹ, Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh Nguyễn Viết Đồng, người được cả bệnh nhân lẫn các đồng nghiệp yêu mến, quý trọng.
Tham gia giải báo chí ngành Y tế loại hình phát thanh, truyền hình có 8 tác phẩm đoạt giải. Nhìn chung, chất lượng các tác phẩm truyền hình tham gia lần này khá đồng đều và có một số tác phẩm nổi trội, chất lượng các tác phẩm phát thanh thấp hơn các giải báo chí khác (chỉ có 1 tác phẩm đạt giải).

Trong số các tác phẩm truyền hình tham gia giải, chùm phóng sự dài “Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến - người chào đón tương lai” và “Vì những mầm xanh” của nhóm tác giả Hạnh Loan - Trường Vũ - Trường Thông và PS ngắn “Chuyện cái bình lọc nước ở Khe Ná” của nhóm tác giả Thu Hòa - Nhật Thắng - Đại Thắng để lại ấn tượng nổi bật hơn cả. Mặc dù nhân vật nhiều người đã biết, nhiều người đã quen nhưng xem PS vẫn thấy mới bởi các tác giả đã khám phá được nhiều chi tiết mới, có cách thể hiện hợp lý.
Tuy nhiên, tình trạng lời bình nói thay hình ảnh, kể lể, thậm chí còn mô tả, giới thiệu vẫn còn xuất hiện ở một số tác phẩm truyền hình dự thi lần này. Truyền hình, trước hết phải lấy hình ảnh làm chủ đạo để biểu đạt chủ đề tư tưởng, ý đồ nghệ thuật. Muốn vậy phải có kịch bản, có đạo diễn mới khám phá, đi tận cùng được vấn đề. Phát hiện chi tiết mới trong cuộc sống, những chi tiết có khả năng biểu đạt thông tin, làm thỏa mãn người xem, kết hợp với lời bình, tiếng động, âm nhạc sẽ tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Bên cạnh những tác phẩm thành công, vẫn có những tác phẩm còn hạn chế về khâu kịch bản, đạo diễn. Có tác phẩm mặc dù phát hiện được đề tài, vấn đề mới, nhưng làm còn vội vàng, thiếu đầu tư nên chưa có chiều sâu.
Vấn đề mới được nhiều người quan tâm nhưng phải bám sát được nhiệm vụ của đời sống xã hội và có tính dự báo luôn là yêu cầu đặt ra đối với báo chí. Thành công của giải lần này là sự phong phú về đề tài, nhiều đề tài mới, có tính phát hiện; tuy có đề tài không mới nhưng được làm mới bằng tính thời sự và các chi tiết mới. Bên cạnh đó, các tác phẩm thành công đã có cách giải quyết vấn đề thấu đáo, rõ ràng, hoàn chỉnh, đảm bảo tính chân thực về sự kiện, nhân vật, không gian và thời gian. Hình thức thể hiện chọn đúng loại hình, thể loại.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tác giả chưa đầu tư đúng mức cho tác phẩm để tham gia giải. Từ khâu chọn đề tài đến giải quyết vấn đề, hình thức thể hiện còn đơn giản, thiếu chiều sâu. Có tác phẩm tìm được đề tài mới, nhưng xử lý nội dung còn lúng túng. Và ngay cả những tác phẩm thành công, đạt giải lần này vẫn còn những khiếm khuyết, vẫn chưa thỏa mãn đối với những người thẩm định.
Thành công của giải lần này bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên, các nhà báo, sự hỗ trợ tích cực của Sở Y tế Hà Tĩnh... phải nói đến nguồn thông tin phong phú, đa dạng, những nỗ lực vượt bậc của CBCNVC ngành Y tế Hà Tĩnh. Đó chính là những nhân tố cơ bản nhất tạo động lực cho sự thành công chung của giải.
Giải báo chí viết về ngành Y tế lần này là hoạt động ghi nhận nghiệp vụ của những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên, là kết quả của sự phối hợp tuyên truyền giữa Sở Y tế, Hội Nhà báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí. Thành công của giải đã khẳng định bước trưởng thành của cả một đội ngũ những người cầm bút, cầm máy, đặc biệt là đội ngũ những người viết trẻ trong và ngoài ngành Y tế.
Thông qua các tác phẩm dự giải lần này, bạn đọc đã có một cái nhìn khá sâu sắc về lịch sử và truyền thống của ngành Y tế Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất khiêm tốn so với lịch sử 60 năm chiến đấu, dựng xây của ngành. Truyền thống ấy, những thành công, nỗ lực ấy và những nhiệm vụ mà họ sẽ tiếp tục hoàn thành trong những thời điểm lịch sử tiếp theo sẽ là cơ hội, là nguồn đề tài phong phú cho báo chí. Và, như một mệnh lệnh tự thân, báo chí phải có trách nhiệm phản ánh hiện thực sinh động ấy.
Theo: Báo Công Luận
Nguồn:
soyte.hatinh.gov.vn