Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe của mọi người dân
Ngày sức khỏe thế giới 07/4 là 1 trong 8 chiến dịch y tế công cộng toàn cầu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới đến sức khỏe nhân loại. Năm 2015, chủ đề của ngày Sức khỏe Thế giới được chọn là “An toàn thực phẩm”. Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Bác sỹ Nguyễn Trường Sinh - Chi Cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Phóng viên ( PV): Xin ông cho biết thực phẩm như thế nào gọi là thực phẩm không an toàn?
Bác sỹ Nguyễn Trường Sinh: Thực phẩm không an toàn là thực phẩm xuất hiện các yếu tố gây ô nhiễm bao gồm:
Tác nhân hóa học: Chứa tồn dư thuốc BVTV, hoá chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép.
Tác nhân vật lý: Chứa tạp chất (kim loại, thuỷ tinh, vật cứng …)
Chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng)
Hoặc các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra, đánh giá chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc được kiểm tra, đánh giá nhưng không đạt.
PV: Những mối nguy hiểm của thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng trước mắt cũng như lâu dài?
Bác sỹ Nguyễn Trường Sinh: Thực phẩm không an toàn, ví dụ như thịt nấu chưa chín, trái cây và rau quả bị dính chất thải hay các loài động vật có mai, vỏ chứa độc tố biển, có thể gây ra 200 vấn đề từ tiêu chảy đến ung thư. Chúng chứa nhiều loại vi khuẩn có hại, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất.
Sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra 2 dạng ngộ độc thực phẩm:
Ngộ độc cấp tính: thường xảy ra 30 phút đến vài ngày sau khi ăn thức ăn bị ô nhiễm có các biểu hiện: đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… thậm chí tử vong.
Ngộ độc mãn tính: thường không có dấu hiệu rõ ràng sau khi ăn phải thực ăn bị ô nhiễm nhưng chất độc có trong thức ăn này sẽ tích lũy ở những bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trính chuyển hóa các chất, rối loạn hấp thụ gây nên suy nhược, mệt mỏi kéo dài hay các bệnh mãn tính khác, cũng có khi các chất độc gây biến đổi các tế bào và gây ung thư. Ngoài ra, nó có thể khiến cho người dùng bị suy giảm chức năng của các cơ quan trong quá trình chuyển hóa và đào thải các chất chuyển hóa như gan, thận.
PV: Ngành Y tế Hà Tĩnh đã có những biện pháp gì để đảm bảo công tác ATVSTP trong thời gian qua? Và theo ông vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là gì?
Bác sỹ Nguyễn Trường Sinh: Sở Y tế Hà Tĩnh là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh. Thời gian qua, đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động trong lĩnh vực VSATTP trên địa bàn. Riêng trong năm 2014, Ngành Y tế mà trực tiếp là Chi cục ATVSTP đã tổ chức được 41 lớp tập huấn gồm: 28 lớp cho đối tượng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng với 3.212 người tham gia; 13 lớp nâng cao năng lực quản lý ATTP cho cán bộ tuyến cơ sở với 1.217 người. Đã tiến hành chủ trì 03 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, 06 đoàn kiểm tra, hậu kiểm cho 12.798 lượt cơ sở ; phát hiện 3.305 lượt cơ sở vi phạm, đã xử lý 1.327 lượt cơ sở, Trong đó có 981 cơ sở bị phạt tiền, thu về cho ngân sách tỉnh 1.153.940.000 VNĐ tiền phạt vi phạm hành chính. Tổng số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP hiện có 1.200, đạt 48,9%.
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguy cơ, phát hiện ô nhiễm thực phẩm Chi cục ATVSTP đã tổ chức 01 lớp tập huấn có 50 người tham dự về kiểm nghiệm phát hiện ô nhiễm thực phẩm cho cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến huyện, mua trang thiết bị như: bộ kít thử, hoá chất phát hiện ô nhiễm hàn the, tinh bột, methanol, test độ ôi khét, phẩm màu. Đồng thời lấy mẫu chuyển Labo Trung tâm YTDP tỉnh kiểm nghiệm. Xét nghiệm nhanh được 3.952 mẫu có 3.577 mẫu đạt chiếm 90.4%. Lấy mẫu xét nghiệm giám sát mối nguy 697 mẫu. Số vụ ngộ độc thực phẩm: 06, Số người mắc: 81; Ca ngộ độc lẻ tẻ 3.210. Không có trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là công tác tuyên truyền giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây được xem là mũi nhọn luôn đi trước một bước trong các hoạt động về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Chi cục đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông, phổ biến kiến thức ATVSTP tới mọi đối tượng với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú như: làm pano/áp phích, nói chuyện, tập huấn, báo chí, PTTH và hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội: Hội Phụ nữ, đoàn thanh niên, Hội nông dân...Ngoài hoạt động thường xuyên thì đặc biệt quan tâm tập trung vào các chiến dịch cao điểm như “Tết Nguyên đán” “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” “Tết Trung thu” phòng chống dịch bệnh mùa hè, mùa mưa bão... In sao 459 băng đĩa và cấp tới tân các xã phường phát trên hệ thông truyền thanh, Treo 339 băng rôn khẩu hiệu; chạy bảng Led; viết tin, tập san, bài tuyên truyền về công tác bảo đảm VSATTP đã đăng trên trang web Cục An toàn thực phẩm, Sở y tế. Viết và đăng trên 100 tin bài… Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người quản lý, nhà cung cấp thực phẩm và người tiêu dùng là một bước then chốt để thay đổi nhận thức và thực hành của người dân trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc đưa các thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm trên các kênh truyền thông đại chúng để người dân có thể tiếp cận với các kiến thức đúng, để lựa chọn thực phẩm an toàn, biết các cơ sở thực phẩm uy tín và chất lượng; phù hợp với tiêu chí “Phòng hơn chống”.
PV: Nhân ngày Sức khỏe thế giới 07/4 ông có những lời khuyên gì đối với các nhà cung cấp và người tiêu dùng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bác sỹ Nguyễn Trường Sinh: Đối với những nhà cung cấp thực phẩm, mỗi khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hãy nghĩ rằng: Người thân, gia đình mình cũng sử dụng những sản phẩm ấy. Không vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà phải quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng sản phẩm của mình. Đó cũng chính là cách để các nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu của mình. Đối với người tiêu dùng: hãy là những người tiêu dùng thông minh.
PV : Xin cảm ơn ông!
Thu Hòa