Thứ trưởng Bộ Y tế làm việc với ngành Y tế về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh
Sáng 12/12, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS,TS Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế. Tiếp và làm việc với đoàn có Bs. Lê Ngọc Châu, TUV, Giám đốc Sở Y tế; Bs. Nguyễn Tuấn PGĐ Sở, Bs. Nguyễn Viết Đồng – PGĐ Sở, GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng lãnh đạo và cán bộ cốt cán của bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại buổi làm việc đoàn công tác đã nghe báo cáo sơ lược kết quả ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Y tế Hà Tĩnh thời gian qua. Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2020 của Sở Y tế. Nghe đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh báo cáo kết quả triển khai Bệnh án điện tử thuộc dự án Bệnh án điện tử của Bộ Y tế tại bệnh viện tỉnh đến hết năm 2017; hiện trạng triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện.
Theo báo cáo của ngành Y tế, tính đến nay toàn tỉnh đã có 20 bệnh viện, 257/262 trạm y tế xã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh; đã triển khai phần mềm tiêm chủng tại các trạm y tế xã. Các bệnh viện đã cơ bản đẩy các dữ liệu lên cổng dữ liệu y tế. Nhân lực, cơ sở hạ tầng tại các cơ sở y tế đã cơ bản đáp ứng việc ứng dụng CNTT trong việc khám chữa bệnh.

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian qua bệnh viện luôn là đơn vị đi đầu và tiên phong trong ứng dụng CNTT trong khám và chữa bệnh. Tháng 09/2009 bệnh viện đưa vào sử dụng Phần mềm quản lý bệnh viện Vimes, chạy đầy đủ các modul với 02 máy chủ, khoảng 150 máy trạm. Đầu năm 2014 bệnh viện là 1 trong 6 bệnh viện trên toàn quốc được thụ hưởng dự án: “Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám, chữa bệnh giai đoạn 2011-2014” do Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Tháng 06/2016 chính thức đưa vào hoạt động với đầy đủ các modul đáp ứng chức năng bệnh án điện tử. Từ tháng 4/2017 đến nay, bệnh viện đã triển khai ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS tại bệnh viện. Việc triển khai hệ thống này đã giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi cho bệnh nhân; nâng cao hiệu quả chẩn đoán; là công cụ chẩn đoán, hội chẩn từ xa; tiết kiệm chi phí in phim cho bệnh viện từ 250-270 triệu/tháng; tiết kiệm không gian lưu trữ phim, giúp quản lý và lưu trữ bằng trạm điện tử... Điều đặc biệt là việc triển khai ứng dụng PACS sẽ giúp người bệnh chụp hình ảnh tại Hà Tĩnh nhưng có được kết quả do các giáo sư đầu ngành tại các bệnh viện Trung ương đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chẩn đoán và điều trị người bệnh. Tính đến nay bệnh viện cũng đã thực hiện 14 ca hội chẩn với bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện TW Huế.

Ý kiến của các đại biểu đã nêu lên những khó khăn trong việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế hiện nay như: danh mục dùng chung, chữ kí số, kết nối với phần mềm của Bộ còn trục trặc; thiết bị chưa đồng bộ; bác sỹ và người quản lý mới tiếp cận công nghệ nên còn thiếu kinh nghiệm; cần sự phối hợp của nhiều bên...
Đại diện của đoàn công tác Bộ Y tế đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ứng dụng CNTT tại các bệnh viện Trung ương, của các tỉnh bạn; giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của ngành Y tế Hà Tĩnh; kết nối với đơn vị triển khai dự án để giải quyết những vướng mắc của các đơn vị; đồng thời tiếp thu đề xuất của ngành Y tế Hà Tĩnh để về điều chỉnh các chính sách trong quản lý...
Kết luận buổi làm việc GS,TS Lê Quang Cường đã đánh giá cao sự phát triển của ngành Y tế Hà Tĩnh thời gian qua, đặc biệt là sự nhanh nhạy đi đầu trong việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh. Thời gian tới mong muốn ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục đi đầu ứng dung CNTT trong KCB, xây dựng bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành trung tâm hỗ trợ chẩn đoán từ xa của tỉnh và thông qua PACS, bệnh viện tỉnh sẽ mở rộng liên kết và hợp tác với các bệnh viện tuyến trên; triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe cho người dân theo lộ trình mà ngành đã xây dựng. Những vướng mắc trong quá trình triển khai CNTT tại địa phương cần tổng hợp lại gửi Cục Công Nghệ Thông tin, Bộ Y tế để giải quyết.
Thu Hòa