Niềm vui của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Thời gian gần đây, bệnh nhân suy thận mãn tính trên địa bàn huyện Kỳ Anh, Đức Thọ và các huyện lân cận không còn phải lặn lội đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để chạy thận nhân tạo (CTNT) như trước. Thay vào đó họ được điều trị tại nơi gần nhà, vừa giảm các khoản chi phí, sức khoẻ bệnh nhân được đảm bảo hơn, giảm sự qúa tải cho bệnh viện tuyến trên. Niềm vui được hiện rõ trên khuôn mặt của từng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Bệnh nhân Trần Văn Khương, 33 tuổi, ở xã Đức Lập, Đức Thọ CTNT gần 5 năm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Năm đầu anh được vợ chở bằng xe máy tuần 3 lần vào chạy thận nhân tạo, nhưng sau đó do quãng đường xa không đảm bảo sức khoẻ anh đã thuê phòng trọ ở gần bệnh viện. Sau gần 5 năm nhưng đây là lần đầu tiên anh nhận thấy rõ sự tiện lợi khi được CTNT gần nhà. Anh Khương hồ hởi: "Trước đây, tôi phải thuê phòng trọ gần bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi tháng hết 800 ngàn, thêm vào đó là chi phí ăn uống, sinh hoạt tằn tiện lắm cũng mất gần 2 triệu. Chúng tôi còn có một đứa con 5 tuổi phải gửi nhờ ông bà chăm sóc, ông bà nội ngoại gần 60 tuổi rồi nhưng cũng phải làm ruộng để kiếm thêm gửi cho tôi điều trị. Từ ngày 17/3 tôi được về chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, được ở gần nhà nên chi phí đã giảm đi nhiều, ngoài thời gian CTNT tôi về nhà trông con, nội trợ giúp đỡ cho gia đình, còn vợ tôi có điều kiện để làm ruộng kiếm thêm thu nhập bù đắp chi phí chạy thận hàng tháng. Tôi cũng thấy thoải mái và yên tâm điều trị hơn vì được ở gần con và bố mẹ".
Bệnh nhân CTNT ngày càng trẻ hóa, hiện nay trên toàn tỉnh có đến 33% bệnh nhân CTNT độ tuổi 21 đến 40, là lứa tuổi lao động, đang còn có sức khỏe để cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, với bệnh nhân CTNT họ đã mất sức lao động, thời gian chạy thận chiếm khá nhiều. Vì thế việc điều trị tại địa phương, chi phí giảm, nhiều bệnh nhân đã có thêm điều kiện để chữa trị, tìm kiếm thêm việc làm phù hợp. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, mưa sinh bằng nghề biển, anh Nguyễn Tiến Quang, 25 tuổi, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh theo bố làm nghề biển, 23 tuổi anh kết hôn và sinh con. Hạnh phúc sẽ tròn đầy nếu anh không mắc căn bệnh suy thận mãn tính. Từ đó cuộc sống của anh gắn liền với máy chạy thận mỗi tuần 03 lần tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngoài tiền thuốc men, anh phải mất thêm tháng 2 đến 3 triệu chi phí sinh hoạt, đi lại. Vợ anh phải ngậm ngùi xa gia đình để mưu sinh trên đất khách quê người nhằm kiếm thêm thu nhập gửi về cho anh điều trị. Anh cho biết: "Từ khi về tại bệnh viện đa khoa Kỳ Anh chữa bệnh đã tiết kiệm được một phần lớn chi phí, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Ngoài những giờ chạy thận tôi có thêm thời gian về nhà sửa xe đạp kiếm thêm tiền để chạy thận."

Việc đưa vào sử dụng máy CTNT ở Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ và Kỳ Anh là một quyết tâm cao của Sở Y tế và của hai bệnh viện này. Đây là một bước đột phá, một việc làm nhân văn, giúp cho nhiều bệnh nhân được điều trị ở gần gia đình, tiết kiệm kinh phí, nhiều bệnh nhân đã có thêm điều kiện để chữa trị. Bác sĩ Hoàng Thư, giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ chia sẻ: ở Đức Thọ và một số huyện lân cận số lượng bệnh nhân có nhu cầu CTNT rất nhiều, chúng tôi thống kê có khoảng 60 bệnh nhân, số bệnh nhân này mỗi tuần 2 đến 3 lần phải vào bệnh viện đa khoa tỉnh để lọc máu, với quãng đường dài khoảng 60 cây và phải lọc máu mất khoảng 4 tiếng. Nhiều bệnh nhân sức khỏe không đảm bảo nên phải ở trọ gần bệnh viện tỉnh để điều trị, do đó gây ra nhiều khó khăn, tốn kém về kinh tế cho các gia đình. Để chia sẻ những khó khăn cho các bệnh nhân này, giúp họ được ở gần nhà và có điều kiện chăm sóc tốt sức khỏe cho bản thân ngay chính trên quê hương mình, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của Sở Y tế về 05 máy CTNT, chúng tôi đã huy động nguồn kinh phí tự chủ của bệnh viện để xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời cử cán bộ đi tạo nâng cao trình độ chuyên môn và mời các chuyên gia về hướng dẫn cầm tay chỉ việc, nhằm đáp ứng tốt nhất cho bệnh nhân về năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Đến nay, đơn vị CTNT tại bệnh viện đã chạy ngày 3 ca, phục vụ chăm sóc tốt cho 30 bệnh nhân tại huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang và Can Lộc. Sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư thêm máy để đáp ứng nhu cầu cho những bệnh nhân khác trên huyện nhà và các huyện lân cận.
Không những bệnh nhân vui mà cán bộ y tế cũng vui, vui vì được giảm các chi phí, giảm gánh nặng cho bệnh viện tuyến trên, giảm sự quá tải cho các trang thiết bị phục vụ chạy thận. Bác sĩ Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: khi chưa thành lập Đơn vị CTNT tại bệnh viện Đức Thọ và Kỳ Anh, số bệnh nhân CTNT tại bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải, do đó mỗi ngày phải chạy 4 ca, từ 6h30p đến 22h, khi gặp trời mưa gió rất tội cho bệnh nhân. Tuy nhiên, từ khi mở thêm hai đơn vị CTNT tại Hà Tĩnh đã giúp cho nhiều bệnh nhân không phải đi xa điều trị, bệnh viện cũng đã giảm bớt số lần chạy thận xuống còn 3 ca/ngày, kết thúc ca cuối 18h. Sắp tới bệnh viện sẽ tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để thay thế một số máy cũ; triển khai kỹ thuật mới trong lọc máu và làm quy chuẩn về chất lượng chạy thận nhân tạo chu kỳ; đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn nhằm phục vụ tốt cho bệnh nhân. Mong muốn thời gian tới các bệnh viện tuyến huyện mở thêm dịch vụ CTNT để giảm quá tải cho bệnh viện tỉnh, tạo điều kiện để bệnh viện tỉnh phát triển thêm các dịch vụ y tế cao hơn, giúp cho bệnh nhân không phải đi xa điều trị, giảm bớt chi phí.
Gần 10 năm nay, khi nhà nước có chính sách chăm sóc sức khỏe cho người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn tính cũng được bảo hiểm y tế hỗ trợ CTNT. Các khoản tiền thuốc men, bồi dưỡng sức khỏe và các phụ phí thì người bệnh phải tự chi trả. Bên cạnh đó, CTNT là một chu trình điều trị khá phức tạp và kéo dài, đòi hỏi người bệnh phải có một quyết tâm cao, sẵn sàng tâm lý sống chung với máy móc, coi bệnh viện là nhà và phải tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc, lịch chạy theo sự hướng dẫn của các bác sĩ.

Bác sĩ Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế tâm sự: “Các bệnh nhân suy thận sẽ phải gắn liền với việc điều trị này suốt đời, gây ra nhiều khó khăn cho những gia đình người bệnh ở xa bệnh viện. Do đó, ngành Y tế đã mở rộng triển khai đơn vị CTNT tại bệnh viện tuyến huyện, đây là một chủ trương đúng đắn và rất nhân văn cung cấp cho những người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế gần dân, tiết kiệm kinh phí, vơi bớt khó khăn cho bệnh nhân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát lại thực trạng bệnh nhân CTNT tại các địa phương, nếu địa phương nào đủ số lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục cho hình thành thêm đơn vị CTNT , nhằm tạo điều kiện để bệnh nhân được phục vụ gần nhà. Tuy nhiên, để có đơn vị CTNT phục vụ tốt cho bệnh nhân thì cần phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, nhưng hiện nay một số đơn vị y tế cơ sở vật chất xuống cấp, một bộ phận người dân còn chủ quan chưa quan tâm đến phòng bệnh cho bản thân. Vì vậy mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho cơ sở y tế; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống các bệnh nhiễm trùng, các bệnh không lây nhiễm, nhằm hạn chế bệnh suy thận ”.
Lúc chia tay chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Quân, 40 tuổi, ở xã Yên Hồ, Đức Thọ đã không dấu được xúc động: “Hơn hai năm nay tôi chạy thận nhân tạo ở nhiều nơi như Hà Tĩnh, Huế và Hà Nội, rất tốn kém. Giờ tôi may mắn được chạy thận nhân tạo tại bệnh viện huyện Đức Thọ, được điều trị gần nhà là niềm vui lớn nhất cho những bệnh nhân suy thận như tôi, được giảm một phần kinh phí, được những người trong gia đình yêu thương, san sẽ nên tôi tự tin hơn để vượt qua bệnh tật.”
Thanh Loan