Áp dụng kỹ thuật mới phát hiện lao kháng thuốc
Ngày 04/12, Bác sĩ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết: Bệnh viện Phổi vừa áp dụng thành công kỹ thuật GeneXpert-xét nghiệm chẩn đoán lao nhanh, lao kháng thuốc Rifampicin. Kỹ thuật này được áp dụng đầu tiên tại Hà Tĩnh

Kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm lao kháng đa thuốc bằng máy GeneXpert tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh
Trước đây khi chưa có kỹ thuật này, để phát hiện bệnh nhân lao thì bằng xét nghiệm đờm trực tiếp, số lượng vi khuẩn lao nhiều mới phát hiện được, thời gian lâu hơn. Khi xét nghiệm đờm trực tiếp mà không tìm thấy vi khuẩn lao thì phải nuôi cấy, thời gian từ 45 đến 60 ngày. Nếu muốn phát hiện được vi khuẩn lao kháng thuốc thì phải làm kháng sinh đồ, thời gian từ 45 đến 60 ngày mới có kết quả.
Với kỹ thuật này có ưu điểm phát hiện vi khuẩn lao kháng thuốc Rifampicin, phát hiện lao đối với trường hợp số lượng vi khuẩn lao ít, cho kết quả nhanh sau 30 phút đến 02 giờ, độ chính xác cao.
Để thực hiện được kỹ thuật này, Bệnh viện Phổi đã cử 02 kỹ thuật viên đi đào tạo tại Trung ương. Đồng thời, được Chương trình phòng chống Lao Quốc gia tài trợ hệ thống máy GeneXpert trị giá 1,7 tỷ đồng và hỗ trợ miễn phí làm xét nghiệm cho tất cả các bệnh nhân nghi ngờ lao kháng thuốc.

Bác sĩ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi khai mạc lớp tập huấn
Cùng ngày, Bệnh viện Phổi tổ chức tập huấn Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao kháng thuốc Rifampicin ( Xpert MTB-RIF) cho 40 cán bộ phòng chống lao tại Bệnh viện Phổi, 12 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện và Trại giam Xuân Hà.

Bs Trần Văn Thiều, Bệnh viện Phổi TW hướng dẫn nâng cao kiến thức xét nghiệm tìm vi khuẩn lao kháng thuốc
Lớp tập huấn được Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Thiều – Bệnh viện Phổi Trung ương trao đổi một số kiến thức liên quan đến Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao kháng thuốc Rifampicin như: các phương pháp chẩn đoán vi khuẩn học bệnh lao, lao đa kháng; những thách thức trong chẩn đoán lao và lao đa kháng; ưu và nhược điểm của phương pháp soi kính, nuôi cấy và định danh, kháng sinh đồ. Bên cạnh đó, các học viên cũng được hướng dẫn về các kỹ thuật chẩn đoán lao và lao kháng thuốc; kỹ thuật, quy trình sinh học phân tử; quy trình chẩn đoán lao kháng thuốc, Lao/HIV(+), Lao trẻ em…
Sau tập huấn các học viên được nâng cao các kiến thức trong chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh lao, đặc biệt là nâng cao kỹ năng xét nghiệm tìm vi khuẩn lao kháng thuốc để về áp dụng vào công tác chăm sóc sức khỏe cho cho bệnh nhân tại đơn vị mình.
Thanh Loan