Chất lượng bệnh viện tuyến huyện (bài 1): “Rào cản” bảo hiểm y tế
Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) thành phố Hà Tĩnh đã thu hút bác sỹ Hoàng Anh Dũng (Vương quốc Bỉ) về phục vụ, đồng thời, tăng cường tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên và triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, bệnh viện đã triển khai thêm gần 500 kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu.
Nâng cao chất lượng phục vụ đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ bệnh nhân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng gần nhà, tiết kiệm chi phí điều trị, giảm phiền hà trong đi lại… do đó, có thể xem điều này là thành công của bệnh viện. Tuy nhiên, nghịch lý là chất lượng phục vụ nâng cao nhưng quỹ BHYT vượt “rào” cũng rất lớn. 9 tháng đầu năm 2015, BVĐK thành phố vượt quỹ 7,6 tỷ đồng. Bác sỹ Trần Nguyên Phú - Giám đốc BVĐK thành phố Hà Tĩnh trăn trở: Dù đã rất nỗ lực nhưng thực tế, BVĐK thành phố chỉ triển khai được 3.200 dịch vụ/18.000 dịch vụ kỹ thuật, chỉ đáp ứng được 17,8% nên các dịch vụ kỹ thuật chưa triển khai được phải chuyển tuyến trên. Mặt khác, số bệnh nhân vượt tuyến không đúng quy định rất lớn. Theo báo cáo của BHXH tỉnh, 9 tháng đầu năm, quỹ đa tuyến chuyển đi là 12.510 lượt, trong khi thực tế bệnh viện chỉ chuyển 2.992 lượt (chiếm 23,9%). Số liệu từ BVĐK thành phố Hà Tĩnh cho thấy: bệnh nhân đa tuyến ngoại tỉnh luôn có chi phí lớn, thậm chí là rất lớn như bệnh nhân Đặng Tuấn Dũng điều trị 2 đợt trong quỹ với tổng số tiền hơn 1,583 tỷ đồng; bệnh nhân Nguyễn Phi Hải, Nguyễn Thị Thu Hà có chi phí điều trị hơn 52 triệu đồng. Bệnh nhân Lê Văn Hậu điều trị nội tỉnh nhưng cũng đã có chi phí lên tới 46 triệu đồng. Nguồn quỹ được giao 9 tháng đầu năm của BVĐK thành phố là 36,79 tỷ đồng thì trong đó, đa tuyến chuyển đi đã hết 25,822 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, tình trạng “vỡ quỹ” chưa phải là phổ biến nhưng thường xuyên lặp đi lặp lại tại một số đơn vị. BVĐK Hồng Lĩnh là một trong những đơn vị đứng top đầu. Thực hiện quỹ định suất được 1 năm “vỡ quỹ”, đơn vị xin được ra khỏi “đường ray” lộ trình thực hiện BHYT theo phương thức này. Tuy nhiên, khi quay trở lại phương thức thanh toán theo giá dịch vụ vẫn không thể giảm thiểu được nguy cơ. Và thực tế này đã khiến bệnh viện phải loay hoay trong vấn đề tài chính, gây khó khăn cho phát triển kỹ thuật. 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có đến 5 BVĐK tuyến huyện vượt quỹ BHYT. Tất cả các đơn vị “vỡ quỹ” đều cho rằng, vấn đề này đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động bệnh viện. Đặc biệt, về cung ứng thuốc, phía nhà thầu sẽ gây khó khăn vì bệnh viện thanh toán không kịp thời, về phát triển kỹ thuật cũng khó khăn không kém vì không có nguồn để đầu tư. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài thì càng tỷ lệ thuận với việc gia tăng bệnh nhân đa tuyến. Và tất yếu, các bệnh viện tuyến trên lại tiếp tục quá tải.
Theo : Báo Hà Tĩnh |