• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tầm quan trọng của rửa tay bằng xà phòng

Người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Đôi tay đã làm ra nhiều của cải vật chất, nhưng ít người biết rằng chính đôi tay bẩn là nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hoá và các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp. Vì thế cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Đôi tay đã làm ra nhiều của cải vật chất, nhưng ít người biết rằng chính đôi tay bẩn là nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hoá và các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp. Vì thế cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: khoảng 80% bệnh tật hiện nay có liên quan đến việc người dân thiếu nước sạch, thiếu ý thức vệ sinh cá nhân, trong đó có việc người dân không có thói quen rửa tay bằng xà phòng... Ngoài ra, trên 1cm2 da của người bình thường có chứa tới 40.000 vi khuẩn. Đặc biệt số lượng này còn nhiều hơn ở trên da bàn tay, vì bàn tay thường xuyên tiếp xúc với đủ mọi vật trong cuộc sống hằng ngày. Hầu hết các loại vi khuẩn bám vào da bàn tay có kích thước rất nhỏ nên mắt thường không nhìn thấy. Khi chúng ta ăn các loại thực phẩm được chế biến bằng tay bẩn hoặc cầm trực tiếp thì các loại vi khuẩn bám vào thức ăn qua đường miệng vào cơ thể và gây nên một số bệnh như: tiêu chảy, nhiễm giun sán, cúm..

Giáo viên trường Tiểu học Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên hướng dẫn học sinh 6 bước rửa tay với xà phòng.

Việc rửa tay bằng xà phòng tưởng như chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trên thực tế, thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả, nhất là trẻ em. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rửa tay với xà phòng giúp giảm 47% khả năng nhiễm bệnh tiêu chảy, 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Ngoài ra, việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm, dịch tay-chân-miệng...

Thông thường khi rửa tay, mọi người chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Hầu hết người dân không chú ý đến việc rửa sạch mu bàn tay, cũng như các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của các mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Tuy nhiên, để có đôi bàn tay sạch, phòng chống được dịch bệnh thì việc rửa tay bằng xà phòng thôi không đủ mà phải rửa đúng cách theo 6 bước thì mới đạt được hiệu quả cao trong việc diệt trừ vi khuẩn. Bước một là làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch, sau đó thoa xà phòng vào lòng bàn tay và chà xát hai lòng bàn tay vào nhau. Bước hai là dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại. Bước ba, dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại. Bước 4, dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại. Bước năm, chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại. Bước sáu là xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch, sau đó lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch, bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Thực tế tại các trường học trên toàn tỉnh, việc tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh về rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh đều được các trường quan tâm. Trong các giờ học ngoại khóa, hầu hết học sinh được thầy cô giáo hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nên đã hình thành cho các cháu có thói quen vệ sinh cá nhân từ khi còn nhỏ. Nhưng công tác này không được thường xuyên và đồng bộ, mới chỉ áp dụng trên các trường mầm non và tiểu học.

Còn tại các gia đình, một số phụ huynh rất quan tâm đến việc phòng bệnh cho con, luôn nhắc nhở con cái rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên cũng còn có một số phụ huynh khi được hỏi về hành vi rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đều trả lời “không”, hoặc “nhớ thì rửa không thì thôi”. Do đó, khi con cái bị bệnh thì mới hối hận. Chị Nguyễn Thị Nga, Thạch Kim, Lộc Hà cho biết: "con tôi có biểu hiện tiêu chảy, vào điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà 3 ngày nhưng không đỡ, thấy cháu sức khỏe ngày càng yếu, gia đình đưa cháu lên bệnh viện đa khoa tỉnh, hôm nay đã được 2 ngày rồi, sức khỏe có tiến triển hơn. Tôi biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là việc làm có ý nghĩa giúp bảo vệ sức khỏe, nhưng tôi hay quên, nên việc nhắc nhở con cái, cũng như bản thân chưa thực hiện thường xuyên, khi nào nhớ thì rửa. Bây giờ con tôi bị bệnh như thế này tôi hối hận lắm".

Học sinh thực hành rửa tay với xà phòng trước khi ăn để phòng chống dịch bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, trong những năm gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng gần 100.000 lượt người mắc tiêu chảy và 40.000 - 50.000 lượt người bị lỵ trực khuẩn hoặc thương hàn. Còn tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh: toàn tỉnh mỗi năm khoảng gần 200 ca lỵ trực trùng, trên 200 ca lỵ A míp, hơn 5.000 ca tiêu chảy. Nhưng trên thực tế con số này còn cao hơn nhiều, do bệnh nhân tự điều trị và không đến cơ sở y tế. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh nêu trên vẫn còn cao là do người dân thiếu hiểu biết về những biện pháp phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hoá và hô hấp; ý thức thực hiện hành vi vệ sinh cá nhân còn yếu kém, trong đó đặc biệt là hành vi rửa tay sạch bằng xà phòng.

Để phòng chống lây nhiễm các bệnh đường tiêu hoá và các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, bác sĩ Nguyễn Chí Thanh cho biết: mọi người phải thường xuyên giữ đôi bàn tay sạch sẽ, vì chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Shigella, E coli vốn là nguyên nhân gây các bệnh tiêu chảy và làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Phải tạo cho mình có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không chế biến thức ăn khi tay chưa rửa sạch. Đối với các em nhỏ thì người lớn phải hướng dẫn cho các em rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không mút ngón tay và cầm trực tiếp thức ăn bằng tay; cắt móng tay và luôn giữ đôi tay sạch sẽ./.

Thanh Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.449
Tháng 04 : 195.594
Năm 2025 : 754.805
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.582.089