Phòng và xử lý rắn lục đuôi đỏ cắn
Từ khi loài rắn này xuất hiện nhiều một cách bất thường thì số vụ người dân bị loài rắn này cắn cũng tăng lên. Vậy, phải làm thế nào nếu như không may bị loài rắn độc này cắn?.
Với người bị rắn cắn, quan trọng nhất là khâu xử lý ban đầu.
Rắn lục đuôi đỏ có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường. Khi bị rắn cắn, vết thương chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Người bị rắn cắn thường bị rối loạn đông máu. Nếu không xử trí kịp sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Rắn lục đuôi đỏ có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường.
Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, gây ra các hiện tượng tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn có thể khiến nọc độc mau đến tim và nạn nhân bị sốc tâm lý.
Khi bị rắn cắn, nạn nhân và những người xung quanh phải giữ bình tĩnh. Trước tiên cần giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử.
Lưu ý trong trường hợp này, không cần garô, rạch rộng, hút nọc độc. Đó là bởi vì garô sẽ làm bệnh nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Chỉ cần băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, nên đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Đề phòng bị rắn cắn:
-
Cần phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ môi trường, nhà cửa sạch, không nên cho trẻ ngủ dưới nền đất.
-
Khi làm vườn nên mang ủng và bao tay.
-
Đi qua bụi rậm cần dùng gậy khua trước.
-
Mang ủng cao khi đi vào rừng hoặc khu vực nhiều cỏ.
-
Dùng đèn nếu di chuyển ở rừng vào ban đêm.
-
Không tạo điều kiện cho rắn lưu trú gần mình như: các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình.
Sơ cứu khi bị rắn cắn
Sơ cứu, cấp cứu đúng cách khi bị rắn cắn trước khi đến bệnh viện làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn...
Cách sơ cấp cứu
-
Bạn cần giữ được bình tĩnh để có thể động viên và giúp đỡ nạn nhân hoặc bản thân.
-
Không để nạn nhân cử động, nên bất động chân tay để tránh nọc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn.
-
Cởi bỏ đồ trang sức ở vùng bị rắn cắn để tránh gây chèn ép nếu vết cắn sưng nề.
-
Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắnvì có thể làm vết thương nặng thêm.
-
Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).
Phân biệt rắn độc hay rắn không độc rất khó, nên cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Kỹ thuật ép băng bất động
-
Bạn cần dùng băng rộng khoảng 10 cm, nếu có điều kiện dài ít nhất khoảng 4,5 m. Có thể băng chun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo. Băng không quá chặt (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng, còn sờ thấy mạch máu đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay với nẹp.
-
Vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay: Băng ép bàn tay, cẳng tay. Dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay. Dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân. Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu (bác sỹ là người quyết định tháo băng ép hay không).
-
Vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân.
-
Vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ: khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Lưu ý
-
Không băng bó quá chặt vì có thể khiến hoại tử phần chân hoặc tay bị rắn cắn. Nhiều trường hợp nạn nhân phải cắt bỏ chi vì băng bó quá chặt.
-
Không trích, rạch, châm, chọc vào vết cắn để tránh nhiễm trùng vết thương.
-
Không hút nọc độc vì có thể khiến vết thương nặng hơn.
-
Không áp dụng các phương pháp dân gian như dùng lá cây, đá chữa rắn cắn, chườm nước đá… có thể làm chậm trễ việc cấp cứu cho nạn nhân gây nguy hiểm đến tính mạng.
-
Không cố gắng bắt hoặc giết rắn. Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận vì ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người, cần thận trọng khi mang rắn.
BS Phạm Thị Ánh Hồng