Hơn một tuần không ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ ngày 25/5 đến 24/8 trên toàn tỉnh đã có 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp sốt xuất huyết vãng lai, nằm rải rác tại 10 huyện, thị, thành phố như: huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Lộc Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Thành Phố Hà Tĩnh và Thị xã Kỳ Anh. Tuy nhiên, từ 24/8 đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc sốt xuất huyết.

xã Thạch Môn - thành phố Hà Tĩnh
Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: mặc dù hơn một tuần nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc sốt huyết huyết, nhưng thời điểm này thời tiết thất thường, lúc mưa, lúc nắng nên dịch sốt xuất huyết có thể trở lại và bùng phát, vì thế, chúng ta không thể chủ quan. Để đề phòng dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, điều tra véc tơ… Đồng thời, đề nghị các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Trạm Y tế xã tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, điều tra véc tơ; tích cực tuyên truyền hướng dẫn cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch SXH như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà; thực hiện khẩu hiệu: "Không có bọ gậy/loăng quăng, không có sốt xuất huyết".
Thanh Loan