Chủ động phòng chống dịch Sốt xuất huyết
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước, nhất là đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung như: An Giang, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Còn tại tỉnh ta, tính đến thời điểm này tuy chưa ghi nhận chùm ca bệnh mắc sốt xuất huyết nào, chỉ có 05 trường hợp mắc lẽ tẻ ở một số huyện, trong số này chủ yếu là Sốt xuất huyết ngoại lai, tuy nhiên để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết có hiệu quả ngành y tế Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đồng bộ trong việc ngăn ngừa phòng chống dịch sốt xuất huyết.

giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại xã Vượng Lộc huyện Can Lộc
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố tập trung giám sát chặt chẽ diễn biến bệnh SXH nhất là khi thời tiết thay đổi, triển khai kế hoạch động cụ thể, trong đó chú trọng giám sát bệnh nhân khi có biểu hiện của sốt xuất huyết; phối hợp với cơ sở y tế chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc để triển khai kịp thời các biện pháp dập dịch. Đồng thời, tăng cường giám sát huyết thanh và véc-tơ vi rút truyền bệnh. Mở rộng điểm giám sát các chỉ số muỗi, bọ gậy, tổ chức giám sát các chỉ số véc-tơ trước và sau khi tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; phối hợp điều tra các ổ bọ gậy nguồn để đánh giá độ nhạy cảm của véc-tơ đối với hóa chất diệt côn trùng, hướng dẫn các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống SXH trong cộng đồng dân cư; chủ động xây dựng kế hoạch diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình; cũng cố, kiện toàn lại các đội chống dịch cơ động chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư đảm bảo công tác phòng, chống khi có dịch xẩy ra. Đối với các xã, thị trấn, cấp ủy đảng, chính quyền triển khai quyết liệt công tác phòng, chống, giám sát, đánh giá tình hình, ứng phó kịp thời khi dịch có nguy cơ lan rộng. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để dịch bệnh SXH bùng phát, lan rộng trên địa bàn. Đồng thời tham mưu chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của các loại dịch bệnh tại địa phương; tăng cường công tác giám sát các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch, trong đó có sốt xuất huyết, Zika..
Được biết, bệnh Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Dịch sốt xuất huyết các năm trước đây chủ yếu diễn biến ở trẻ em, nhưng những năm gần đây số người lớn mắc sốt xuất huyết và sốt virus nhập viện lớn hơn gấp nhiều lần. Tính đến thời điểm hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh sốt xuất huyết có thể gây thành dịch lớn nhất là trong thời điểm mùa mưa. Nếu phát hiện bệnh muộn hoặc không đưa đến trung tâm y tế kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tay tê liệt, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến khả năng tử vong cao, nhất là đối với trẻ em bị sốt xuất huyết. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta, chúng thường đẻ trứng ở những chỗ nước trong. Ổ bọ gậy nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: Chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can...tại các hộ gia đình. Vào mùa mưa, mùa hè các ổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh. Ngoài ra còn có trong các dụng cụ chứa nước như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phi, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa...Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy người dân cần tích cực chủ động phòng chống, diệt bọ gậy hàng tuần để đảm bảo không có nơi sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết là yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống sốt xuất huyết.

Để chủ động phòng chống Sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm– Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo: Người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn; hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Mỗi người dân cần tích cực chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết nhất là trong mùa mưa này vì sức khỏe của chính bản thân và sức khỏe của cả cộng đồng. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nhân dân được biết và thực hiện./.
Nhật Thắng