Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh Lao
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới và khoảng 11.000 người tử vong mỗi năm. Lao là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, thời gian Bệnh viện Phổi và mạng lưới chương trình chống lao trên địa bàn tỉnh ta đã đẩy mạnh phát hiện chủ động nhiều trường hợp mắc lao, cách ly điều trị sớm, tránh lây lan cộng đồng.
Cán bộ Trạm Y tế Thị trấn Phố Châu tư vần, hướng dẫn bệnh nhân Đào Viết Cầm chế độ ăn cũng như uống thuốc đúng phác đồ điều trị.
Cách đây 4 tháng, bệnh nhân Đào Viết Cầm, sinh năm 1956, trú tại tổ dân phố 8, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn thấy mệt mỏi, ho kéo dài có đờm nhiều, sốt về chiều và đổ mồ hôi trong một thời gian dài. Bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng mãi không khỏi nhưng cũng không chủ động đến cơ sở y tế khám bệnh. Bệnh nhân chia sẻ:“ Tôi bị ho kéo dài, cơ thể mệt mỏi nhưng bận bịu công việc chủ quan không đi khám. May mắn cho tôi là đúng dịp có bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đưa xe chụp Xquang lưu động về tận trạm y tế xét nghiệm cho bà con, tôi được phát hiện bệnh lao ở giai đoạn sớm, tuân thủ điều trị đến nay đã được 4 tháng, bệnh của tôi đã ổn định dần”.
Ông Nguyễn Đình Lục, 85 tuổi, trú tại thôn 5, xã Hàm Trường, huyện Hương Sơn cho biết: “Tôi bị tức ngực, khó thở, bị tổn thương phổi nghiêm trọng nhưng mãi đến khi khám sàng lọc mới biết bị lao. Sau một thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, sức khỏe ổn định, được chuyển điều trị tại nhà. Hiện hàng tháng tôi đều đến Trung tâm y tế Hương Sơn để khám, kiểm tra và lấy thuốc theo đúng chỉ định”.
Bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân lao
Điều dưỡng Lương Văn Hội- Trưởng trạm y tế thị trấn Phố Châu- huyện Hương Sơn chia sẻ, hiện tại thị trấn có 02 bệnh nhân sau khi điều trị tại bệnh viện Phổi đã được chuyển về quản lý, điều trị tại địa phương trong vòng 6 tháng. Xác định việc giúp bệnh nhân yên tâm điều trị còn góp phần phát hiện sớm, chủ động truy vết, giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, vì vậy, cán bộ y tế chúng tôi trực tiếp đến nhà bệnh nhân thực hiện khám, hướng dẫn, giám sát việc dùng thuốc, thăm hỏi tình hình sức khoẻ và các triệu chứng khi uống thuốc, giải thích, động viên bệnh nhân điều trị đúng phác đồ. Nhờ vậy bệnh nhân đều tuân thủ điều trị tốt, không có trường hợp nào bỏ trị.
Theo bác sỹ CK II Nguyễn Đức Quảng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, trong những năm qua hoạt động phòng chống lao triển khai tích cực tại 13/13 huyện/thành phố/thị xã và 100% các xã/phường/thị trấn. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao các thể trên 90%, đạt chỉ tiêu của Chương trình Chống lao Quốc gia; luôn duy trì tỷ lệ kháng đa thuốc trong số bệnh nhân mới phát hiện dưới 5%. Tuy nhiên, hàng năm, tổng số bệnh nhân lao các thể thu nhận chỉ giao động khoảng 700 đến 800 người (tương đương 50 đến 60/100 000 dân), con số này rất thấp so với toàn quốc (182/100 000 dân) và một số địa phương lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị... Tình hình mắc lao ở người trẻ tuổi có chiều hướng gia tăng, vấn đề lao/HIV và lao kháng thuốc ngày càng đáng lo ngại. Do đó, bên cạnh hình thức phát hiện thụ động, Bệnh viện đã tích cực xây dựng và triển khai hình thức khám phát hiện chủ động bệnh lao bằng các kỹ thuật chụp X-quang phổi, xét nghiệm AFB trực tiếp & Gen- Xpert MTB/RIF nhằm phát hiện, điều trị và cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng. Đồng thời, triển khai thực hiện xét nghiệm Mantoux cho các đối tượng nguy cơ để sớm chẩn đoán và đưa vào quản lý điều trị lao tiềm ẩn. Năm 2024, Bệnh viện đã triển khai chiến dịch sàng lọc, tầm soát lao trong cộng đồng tại 06 huyện với 114 xã/ phường/ thị trấn, phát hiện được 1269 người có phim Xquang phổi bất thường, 31 người xét nghiệm đờm dương tính, 75 người xét nghiệm Mantoux dương tính. Toàn tỉnh thu nhận điều trị 778 bệnh nhân lao các thể, tương đương 60/100 000 dân; tỷ lệ điều trị thành công (khỏi và hoàn thành điều trị ) là 97,3%; tỷ lệ xét nghiệm HIV đạt 96,4%.
Xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn Lao, Lao kháng thuốc bằng máy GeneXpert tại Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Tĩnh
“Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh Lao”- Chủ đề của Việt Nam hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao (24/3/2025) một lần nữa khẳng định nỗ lực quyết tâm ở mức cao nhất của Việt Nam cũng như của ngành y tế Hà Tĩnh để thực hiện tốt nhất sứ mệnh phòng chống lao được giao. Mục tiêu chấm dứt bệnh lao rất cần sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban ngành và toàn thể xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao từ Trung ương đến địa phương.
Tuấn Dũng - Đoàn Loan