• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Khói thuốc lá len lỏi trong “vùng cấm”, ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, các điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nhà hàng, quán ăn... Tuy nhiên, hiện nay khói thuốc lá vẫn còn len lõi ngay trong “vùng cấm”, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Quảng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh: “Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc, thậm chí là nghiêm trọng hơn. Những bệnh có nguy cơ cao do hít phải khói thuốc lá như: tim mạch, ung thư phổi hoặc các vấn đề về hô hấp, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi”.

Tại các quán ăn người dân vẫn vô tư hút thuốc

Mặc dù luật đã quy định rõ quyền được sống trong môi trường không khói thuốc, nhưng nhiều người vẫn đang bị “ép hít” khói thuốc mỗi ngày. Chị T.T.M , xã Lộc Hà, Hà Tĩnh trải lòng: “Mỗi ngày tôi ở nơi làm việc hơn 8 tiếng, chứng kiến cảnh phải “ép hít” khói thuốc lá hàng ngày mà thấy ám ảnh. Nhiều hôm về nhà thay quần áo mà vẫn thấy mùi hôi của thuốc lá. Chúng tôi cũng đã lên tiếng nhiều lần, nhưng được ít hôm, xong đâu lại vào đấy”.

Cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, chị N.T.H, thành phố Thành Sen cho hay: “Tôi có con nhỏ, buổi tối mùa hè  thường đưa con đi đến những nơi vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ. Nhưng rất bức xúc vì có một số người lớn thản thiên hút thuốc ở những chổ này. Chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt nghiêm minh, để trả lại môi trường trong lành cho các trẻ”.

Thực tế cho thấy, nhiều người đang phải hít khói thuốc thụ động ngay tại nơi họ sống và làm việc. Những địa điểm phổ biến nhất bao gồm nhà riêng, nơi làm việc và các địa điểm công cộng. Môi trường này có nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch, đột quỵ, sen suyễn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, trẻ sinh non, thiếu cân, bệnh tiểu đường, bệnh về gan, dạ dày, tuyến tụy, răng miệng…

Theo cảnh báo từ các tổ chức y tế, khói thuốc thụ động chứa khoảng 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có đến 69 chất được xác định gây ung thư. Điều đáng lo ngại là mức độ nguy hiểm mà người hút thuốc thụ động phải chịu gần tương đương với người hút thuốc chủ động, đặc biệt nếu tiếp xúc kéo dài mỗi ngày trong không gian kín như nhà ở, văn phòng, công xưởng, xí nghiệm hoặc tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn… Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Còn tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, có hơn 85.500 ca tử vong mỗi năm có liên quan đến hút thuốc lá và hơn 18.800 ca tử vong do hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động). Đáng lo ngại, sử dụng thuốc lá đã tạo gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động.

Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính  (có tiền sử hút thuốc lá) tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Điều 7 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã đưa ra những quy định rất rõ ràng, quy định người dân có quyền được sống và làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Người dân cũng có quyền yêu cầu người hút thuốc không hút tại nơi cấm, vận động người khác không sử dụng thuốc lá, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi hút thuốc không đúng quy định, và có quyền phản ánh hoặc tố cáo nếu người có thẩm quyền không xử lý các vi phạm này.

Điều 13 của luật cũng xác định nghĩa vụ cụ thể của người hút thuốc. Theo đó, người hút thuốc không được hút tại những nơi có quy định cấm hút thuốc; không được hút thuốc trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh hoặc người cao tuổi; đồng thời phải giữ vệ sinh chung, bỏ tàn và mẩu thuốc đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Không ít người vẫn e ngại khi nhắc nhở người khác hút thuốc nơi cấm, trong khi việc xử phạt hành chính ở nhiều nơi còn chưa được triển khai mạnh mẽ. Những khoảng trống đó đang khiến không ít người dù không hút thuốc vẫn hít phải khói độc mỗi ngày, âm thầm đối mặt với các nguy cơ bệnh tật lâu dài.

Khói thuốc lá thụ động không phải là lựa chọn của người bị ảnh hưởng, nhưng lại là hậu quả mà họ phải gánh chịu. Trong bối cảnh thuốc lá vẫn là nguyên nhân gây tử vong cho hàng trăm ngàn người mỗi năm tại Việt Nam, việc thực thi triệt để các quy định pháp luật hiện hành không chỉ là yêu cầu của hệ thống pháp luật, mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng ngay từ trong gia đình, lớp học, cơ quan, xí nghiệp… Ngoài ra, để luật phòng chống tác hại thuốc lá đi vào đời sống của mỗi người dân, cần có các giải pháp “mạnh tay” xử lý nghiêm minh, triệt để các trường hợp vi phạm.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 29
Tháng 07 : 120.947
Năm 2025 : 1.252.934
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 13.080.218