Điều trị hiệu quả, phòng chống lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng
100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Tĩnh đều đang tham gia theo dõi, giám sát, quản lý, điều trị hiệu quả cho khoảng 800 bệnh nhân mắc lao khi được chuyển về địa phương.
Bác sỹ Khoa Nội 1 - Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh thăm khám cho một bệnh nhân mắc lao.
Là bệnh truyền nhiễm, tương đối nguy hiểm, mức độ lây lan cao, bệnh lao ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Để khống chế hiệu quả bệnh lao, việc phát hiện sớm và quản lý người mắc lao trong cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Văn H. (xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh), mới phát hiện mắc lao trong tháng 12 năm 2022 chia sẻ: “Tôi bị ho kéo dài, tức ngực, khó thở, khạc ra đờm nhiều, mệt mỏi, sốt nóng, ngủ kém và gầy sút cân trông thấy. Khi đến khám tại BVĐK thị xã Kỳ Anh thì các y bác sỹ chẩn đoán bị bệnh lao nên được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh. Sau một thời gian điều trị nội trú, sức khỏe ổn định nên tôi được chuyển về điều trị tại nhà. Hiện hàng tháng, tôi đều phải đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh để khám, kiểm tra sức khoẻ và lấy thuốc theo đúng chỉ định".
Xét nghiệm đờm là phương pháp hiệu quả để phát hiện bệnh lao.
Còn bệnh nhân Nguyễn Xuân L. (xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà) được phát hiện mắc lao từ tháng 1/2023 nên đang phải điều trị tấn công đợt 2 tại Khoa Nội 1 - Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh. Ở nhà ông L. có các biểu hiện sút cân, mệt mỏi, ho, khó thở, sốt về chiều nên khi đến cơ sở y tế thăm khám được chẩn đoán mắc lao phổi.
Đây là 2 trong nhiều bệnh nhân mắc lao trên địa bàn tỉnh đang được quản lý, theo dõi điều trị hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đang quản lý khoảng 800 bệnh nhân lao tại cộng đồng. Trong năm 2022, có 372 bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị mắc lao các thể.
Kỹ thuật viên Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh chụp XQ phổi cho bệnh nhân.
Sau khi được điều trị các đợt tấn công đúng tuyến tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, bệnh nhân mắc lao sẽ được chuyển về địa phương để tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Hiện nay, ngoài việc thực hiện nhiều kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác điều trị tấn công ban đầu thì Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cũng đã triển khai phương pháp xét nghiệm Gene- X pert để chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh lao và lao kháng thuốc. Bệnh viện cũng thành lập khu điều trị riêng biệt cho các bệnh nhân lao kháng thuốc.
Cùng với tuyến tỉnh, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực đầu tư trang thiết bị y tế và tạo điều kiện cho cán bộ y tế đi học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa cho bệnh nhân mắc lao khi về điều trị tại cộng đồng. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều tham gia theo dõi, giám sát, quản lý, điều trị bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng.
Bệnh nhân lao được thăm khám, theo dõi sức khoẻ tại trạm y tế.
Bác sỹ Trương Hồng Lĩnh – Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết: “Bệnh lao phải dùng đúng thuốc, đúng liều, uống đúng thời gian và điều trị kéo dài. Bệnh nhân mắc lao chỉ nằm viện điều trị giai đoạn tấn công trong bệnh viện, thời gian còn lại điều trị tại cơ sở và cộng đồng dưới sự giám sát của y tế tuyến huyện, xã.
Chính vì vậy, chúng tôi xác định công tác chỉ đạo tuyến là nhiệm vụ hết sức quan trọng và không thể tách rời công tác khám, chữa bệnh lao. Thực tế, những năm qua, hoạt động giám sát của chương trình chống lao từ tỉnh xuống các tuyến luôn được thực hiện thường xuyên, đều đặn nên việc phát hiện và phòng chống lây nhiễm lao trong cộng đồng được thực hiện hiệu quả và kịp thời”.
Khi bệnh nhân lao về điều trị tại cộng đồng sẽ được trạm y tế cấp phát thuốc đều đặn.
Theo khuyến cáo từ ngành y tế, việc phát hiện kịp thời nguồn lây trong cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống lao. Nếu phát hiện muộn không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn khiến nguy cơ lây lan tăng cao. Thực tế, trong thời gian qua, không ít người dân không biết mình mắc bệnh, có người khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh nhưng vì tâm lý giấu bệnh đã không đi khám sớm, đặc biệt là những người nhiễm HIV, đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tăng cường truyền thông, nâng cao thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của người dân trong phòng, chống bệnh lao. Đồng thời, chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám khi có các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ về sức khoẻ để phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh trong cộng đồng.
Nhật Thắng