Tăng huyết áp- nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu
Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Tai biến này thường để lại di chứng hết sức nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, bại não, hôn mê, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong… ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con người. Đáng lo ngại là tỷ lệ người trẻ hoá đột quỵ tại Hà Tĩnh đang có xu hướng gia tăng.
Bệnh nhân Nguyễn Văn N, 49 tuổi, trú tại phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh chuyển tới Khoa Cấp cứu - Chống độc- Bệnh viện ĐK tỉnh trong tình trạng liệt nửa người khi đang ngồi làm việc; huyết áp liên tục tăng cao 170/100 mmHg. May mắn, bệnh nhân N được gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời và được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Đến nay, bệnh nhân đã đi lại được, huyết áp được kiểm soát chặt chẽ để dự phòng tái phát. Qua khai thác tiền sử bệnh, người nhà bệnh nhân cho biết từ năm 2020, bệnh nhân đã có tiền sử tăng huyết áp. Sau một thời gian tuân thủ uống thuốc, bệnh nhân thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu từ nhiều năm nay.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái thăm khám cho một bệnh nhân có tiền sử bị tăng huyết áp trong nhiều năm
Cũng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các y, bác sỹ ghi nhận nhiều ca bệnh đột quỵ ở độ tuổi còn trẻ, để lại di chứng nặng nề. Bệnh nhân Lê Văn L (54 tuổi), trú tại xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh vào viện điều trị đã được 2 tuần nay nhưng vẫn còn nằm bất động, chưa thể nhận biết và nói chuyện. Chị Nguyễn Thị Cẩm, vợ của bệnh nhân cho biết, trước đây anh rất khỏe. Gần đây cảm thấy mệt, đi khám mới biết là bị tăng huyết áp nhưng chưa kịp mua thuốc điều trị thường xuyên thì đã xảy ra đột quỵ. Mặc dù giữ được tính mạng nhưng bệnh nhân L vẫn đang phải chịu các di chứng về vận động lâu dài.
Theo Thạc sĩ, bác sỹ Nguyễn Xuân Thái – Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh: “chảy máu não thường đột ngột, diễn biến nhanh. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch… Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ, phần não liên quan không thể hoạt động được dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ khác nhau, từ rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay). Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng tàn phế rất nặng nề”.
Tại Hà Tĩnh, mỗi năm có khoảng 2.500 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có gần 1 nửa tử vong, còn lại khoảng 5% được cứu sống mà không để lại các di chứng. Trung bình mỗi ngày bệnh viện ĐK tỉnh tiếp nhận từ 5-7 ca bệnh bị đột quỵ được chuyển lên từ các cơ sở y tế tuyến dưới. Đặc biệt tỷ lệ người bị đột quỵ có xu hướng trẻ hóa và số lượng bệnh nhân là nam giới chiếm gấp 1,5 lần nữ giới.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái khuyến cáo, trong bối cảnh tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa thì việc người dân nắm bắt được các triệu chứng của bệnh để kịp thời đưa đến các cơ sở y tế trong thời gian giờ vàng là điều hết sức cấp thiết. Bất kể ai, kể cả người trẻ cũng nên đi tầm soát đột quỵ não. Người trẻ thường chủ quan, ít khi theo dõi chỉ số huyết áp, ít tập luyện, chế độ ăn uống thừa cân, béo phì và không đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi có bệnh, hoặc đột quỵ phải nhập viện mới biết mình mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp… Nếu đã phát hiện tăng huyết áp cần duy trì thuốc thường xuyên, suốt đời, tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám lại định kỳ để điều chỉnh thuốc và phát hiện sớm các biến chứng. Người bị tăng huyết áp nên chủ động tham gia vào các mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp của các cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những bệnh nền này nếu không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ, nguy cơ biến chứng, di chứng nặng nề.
Chủ đề ngày Tăng huyết áp thế giới năm 2025 “Ăn uống lành mạnh - Vận động đều - Kiểm soát huyết áp tốt” như một lời khuyến cáo gửi đến người dân, đặc biệt là người mắc bệnh tăng huyết áp cần dừng các thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá, làm việc không khoa học. Chế độ ăn cần thực hiện giảm muối, hạn chế các chất béo, nhất là mỡ động vật, phủ tạng động vật; tăng cường luyện tập thể dục, ít nhất được 5 lần /tuần (mỗi lần ít nhất 30 phút), đi bộ vận động hoặc luyện tập các môn thể thao yêu thích. Đồng thời, phải chú ý kiểm soát cân nặng trong mức cân nặng cho phép. Nếu thực hiện các biện pháp trên trong vòng 2 đến 3 tháng nhưng không hiệu quả thì phải tuân thủ chế độ đơn thuốc của bác sỹ. Phải dùng đúng thuốc, đủ liều để kiểm soát huyết áp trong ngưỡng (Huyết áp tâm thu < 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg).
Đoàn Loan