• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tăng cường phòng hộ cho nhân viên y tế, tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện

Yêu cầu này được PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đưa ra khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế

Sáng ngày 12/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng các thành viên trong tổ chống dịch cơ động đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện Mắt TW và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Tại các bệnh viện này, trước khi làm việc với ban lãnh đạo về công tác phòng chống dịch, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực tế triển khai việc sàng lọc, phân luồng, tiếp nhận, cách ly người bệnh nghi ngờ khi đến thăm khám cũng như công tác kiểm soát nhiễm khuẩn

Phân luồng, sàng lọc bệnh nhân đến khám chữa bệnh hợp lý hơn

PGS.TS Lương Ngọc Khuê trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về việc phân luồng, sàng lọc người bệnh nghi nhiễm khoa học hơn

Báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, liên quan đến bệnh nhân 243 mắc COVID-19 có đến thăm nuôi người nhà tại đây, ngay sau khi nhận được thông tin về bệnh nhân này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Bệnh viện đã rà soát, sàng lọc và đưa về và cách ly 17 cán bộ y tế tại cơ sở 2 (kết quả xét nghiệm lần 1 của cả 17 người đều âm tính với SASR-CoV-2); bệnh viện đã tiến hành khử khuẩn toàn bệnh viện 2 lần.

Đến sáng nay, tại Bệnh viện Phụ sản đang có 596 người bệnh nội, ngoại trú. Thực hiện giãn cách xã hội và phân chia nhân lực làm việc, bệnh viện đã triển khai việc luân phiên các kíp trực. Sáng nay có hơn 600 cán bộ nhân viên, y bác sĩ và người lao động đi làm

Tại các khoa phòng điều trị nội trú, mỗi người nhà bệnh nhân đều được phát 1 thẻ từ để ra vào khoa phòng có bệnh nhân nằm điều trị. Nếu không có thẻ từ thì không vào được. Bệnh viện cũng thông báo hạn chế người ra vào thăm bệnh.

Qua kiểm tra thực tiễn và lắng nghe báo cáo của bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã chỉ ra những điểm cần khắc phục của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong cả khâu đón tiếp, sàng lọc và phân luồng người đến thăm khám của Bệnh viện. Theo đó, Bệnh viện cần phân chia lại, thiết lập lại khu vực đón tiếp, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ cổng ra vào, tránh để người bệnh, người nhà bệnh nhân vào đến bên trong khuôn viên bệnh viện mới tiến hành làm tờ khai y tế, sàng lọc bệnh...; Biển báo ngoài cổng gây chú ý để người từ vùng dịch tễ và người có biểu hiện ho sốt khó thở phát hiện  đến đúng nơi, không di chuyển nhiều trong bệnh viện.

Người bệnh làm tờ khai y tế trước khi vào thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Thiết lập phòng khám đặc biệt vừa bảo vệ sản phụ vừa đánh bay COVID-19

Tại Bệnh viện Phụ sản TW, qua kiểm tra thực tiễn tại khu vực cổng đón tiếp duy nhất dành cho người bệnh, người nhà bệnh nhân ở phố Tràng Thi, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đánh giá cao việc làm khoa học, sáng tạo trong phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Phụ sản TW. Từ khâu sàng lọc, phân luồng, đến chuẩn bị phòng khám riêng, chỗ cách ly người bệnh nghi ngờ riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện của Bệnh viện Phụ sản TW rất sáng tạo, khoa học.

Máy đo thân nhiệt tự động sàng lọc người ra vào ngay tại cổng của Bệnh viện Phụ sản TW

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, để ngăn ngừa dịch COVID-19, bệnh viện đã “kích hoạt” mọi giải pháp và luôn chủ động ngay từ những ngày đầu có dịch. Ban Giám đốc đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, tổ chức đội phản ứng nhanh để kịp thời chi viện cho tuyến dưới khi cần có sự hỗ trợ chuyên môn.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, Bệnh viện đã bố trí 01 phòng cách ly tại khu vực phòng khám đảm bảo riêng biệt, thuận tiện cho việc tiếp nhận cũng như di chuyển người bệnh. Ngoài ra còn bố trí phòng cách ly tại khoa sản nhiễm khuẩn. Thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp phòng chống dịch như đúng với Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Y tế “ Chống dịch như chống giặc”

Khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trước khi vào khuôn viên Bệnh viện Phụ sản TW

100% người vào Bệnh viện Phụ sản TW qua cổng duy nhất sẽ được đo bằng máy đo thân nhiệt cảm ứng, phun khử khuẩn đồ dùng cá nhân mang theo và thực hiện tờ khai y tế. Bệnh viện tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh.

Đặc biệt, Phòng khám dã chiến contener được Bệnh viện Phụ sản TW lập nên ngay từ sau Tết, khi Việt Nam ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, phòng khám mới hoạt động liên tục, với khoảng trên 10 thai phụ từ vùng dịch tễ COVID-19 đến khám mỗi ngày

Phòng khám dã chiến contener được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nhân lực chất lượng cao để thăm khám, theo dõi cho các thai phụ có yếu tố nguy cơ từ vùng dịch tễ COVID-19.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế chia sẻ về công tác khám sàng lọc người nghi nhiễm COVID-19 tại phòng khám dã chiến contener của Bệnh viện Phụ sản TW

Kiểm soát chặt nhiễm khuẩn bệnh viện

Kiểm tra tai Bệnh viện Mắt TW, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đã chỉ ra những điểm cần khắc phục của bệnh viện trong công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh nghi ngờ, đồng thời nhấn mạnh về vấn đề chống nhiễm khuẩn tại khu vực dành riêng cho khám các trường hợp nghi ngờ, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bệnh viện cũng cần tập huấn thêm về kiến thức phòng hộ, điều tra dịch tễ của nhân viên y tế khi tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ khi đến khám.

Bên cạnh đó, tại các phòng khám sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ của Bệnh viện Mắt TW cũng cần sắp xếp khoa học hơn, đồng bộ hơn để "ngăn" nguy cơ cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

Kiểm tra tại 3 bệnh viện này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện cần đảm bảo nguyên tắc thông thoáng khoa phòng, đặc biệt là phòng điều trị.

Đối với phương án sắp xếp nhân lực đi làm phục vụ hoạt động khám chữa bệnh, Bệnh viện cần sắp xếp khoa học, luân phiên, chia làm 3 ca để luôn có nhân lực làm việc.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyệt đối không để nhân viên y tế thiếu khẩu trang y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, dung dịch sát khuẩn…Tuy nhiên các bệnh viện xây dựng định mức của từng khoa, phòng, từng khu vực trong bệnh viện để sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang N95, gang tay, trang phục phòng hộ cá nhân… đúng mục đích, không thất thoát và lãng phí.

Đoàn kiểm tra trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Mắt TW về công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm dịch COVID-19

Các bệnh viện phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ và khoảng cách giữa người đến khám như theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế...

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê "Bộ Y tế đã nâng cấp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 lên một cấp độ mới vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Theo đó, những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là F1 có khả năng truyền bệnh, từ đó có thể phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.

Trong bối cảnh bệnh nhân nội trú và ngoại trú đã giảm so với trước, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng hộ và kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chiến lược, sách lược trong điều trị”.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.651
Tháng 12 : 166.528
Năm 2024 : 2.967.116
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.765.630