Phân biệt nhiễm cúm với các bệnh hô hấp khác
Thời tiết mùa hè oi bức và khô hạn làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sức khỏe của con người. Nóng bức làm chúng ta ăn ngủ kém, cơ thể mất nước làm suy giảm sức đề kháng. Do vậy, mùa hè là thời điểm cơ thể dễ nhiễm nhiều loại bệnh, trong đó có cảm cúm. Cảm cúm thông thường không quá nguy hiểm, nhưng sẽ gây biến chứng viêm đường hô hấp trên hoặc dưới đối với trẻ nhỏ và người có bệnh mạn tính.
Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) vừa tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Xử trí cảm cúm đúng cách khi hè về" vào lúc 9h30, thứ ba, ngày 17/5/2016. Chương trình có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội. ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. TS. Đoàn Thị Phương Lan, Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội với sự tài trợ của công ty United International Pharma.
Trong 2 tiếng diễn ra tư vấn, các chuyên gia y tế nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề cảm cúm và cách phòng ngừa cảm cúm vào mùa hè. Đây là căn bệnh do virus gây ra, con người rất dễ nhiễm bệnh do virus đã có sẵn trong đường hô hấp của mỗi người, gặp điều kiện thích hợp sẽ gây bệnh. Điều may mắn là căn bệnh này không tái phát thường xuyên, và là căn bệnh có thể phòng ngừa được.
Các chuyên gia y tế đều cho rằng những đối tượng có nguy cơ cao mắc cảm cúm, là người già và trẻ nhỏ, cần được tiêm phòng cúm mỗi năm 1 lần vào khoảng tháng 10. Còn với người lớn, nếu không may mắc cúm, có thể điều trị bằng thuốc cảm cúm thông thường như Decolgen. Tuy nhiên, chỉ nên uống thuốc cho đến khi các triệu chứng cúm bị đẩy lui, bởi các thuốc này không có tác dụng để phòng tái phát bệnh.
Cách đúng phòng và trị bệnh cảm cúm mùa hè
Bệnh đường hô hấp và cúm có rất nhiều biểu hiện giống nhau như hắt hơi, xổ mũi, chảy nước mũi, nhiều người mắc các bệnh đường hô hấp nhưng lại tưởng đó chỉ là cảm cúm thông thường nên chủ quan. Chỉ đến khi bệnh trở nặng, biến chứng vào phế quản, phổi gây viêm phế quản, phổi mới biết mình bị bệnh viêm đường hô hấp. TS. Bs. Đoàn Thị Phương Lan, Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết, với các bệnh như viêm mũi dị ứng, người bệnh thường tưởng nhầm là bệnh cúm. Nếu cứ thay đổi thời tiết bị hắt hơi, xổ mũi liên tục có thể người bệnh bị viêm mũi dị ứng, cần phải đi khám và được chẩn đoán bởi một bác sĩ chuyên khoa mới khỏi bệnh. TS Lan cũng lưu ý, với những phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ dễ dẫn tới dị tật cho thai nhi.
Với những bệnh nhân hay bị tái đi tái lại có thể không phải là cảm cúm mà có thể là bệnh khác dễ nhầm với cảm cúm như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang. PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, người dân cứ khi hắt hơi, sổ mũi thường tự mua thuốc về uống hoặc uống theo đơn cũ, điều này vô cùng nguy hiểm. Bởi không phải bệnh nào cũng dùng kháng sinh. Nếu bị viêm mũi dị ứng phải dùng thuốc chống dị ứng mới hết. Thói quen dùng kháng sinh vô tội vạ của người dân có thể dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh về sau.
Cách phòng bệnh cảm cúm mùa hè
Không chỉ với bệnh cúm mà bệnh gì cũng vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên phòng tránh mắc bệnh trước khi bệnh tình “hỏi thăm”. Đối với bệnh cúm, là bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, nhưng với sự biến đổi khí hậu, với nhiệt độ rất cao vào mùa hè kết hợp với những thay đổi trong lối sống, giờ đây bệnh cảm cúm xuất hiện cả vào mùa nắng nóng.
Để phòng tránh mắc bệnh, người dân nên tự nâng cao sức đề kháng của bản thân bằng chế độ ăn uống đầy đủ, đảm bảo vệ sinh, để phòng tránh mắc bệnh. Đặc biệt, Ths. Bs Lê Thị Hải – nguyên Viện trưởng viện dinh dưỡng quốc gia- cho rằng, điều quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe trong mùa hè là cần cung cấp đủ nước cho cơ thể. Ngoài nước lọc, có thể bổ sung bằng các loại nước trái cây giàu dinh dưỡng. Nếu bị ốm hoặc bị cảm cúm, cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chú ý các loại thực phẩm giàu protein như thịt gà, kẽm như ngao, hàu, hay các loại vitamin A,C như nước ép hoa quả. Đây là những chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao thể trạng, giúp cơ thể nhanh hồi phục, tăng cường miễn dịch để phòng tránh mắc bệnh. Với những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa hoặc béo phì nên hạn chế ăn các loại trái cây có nhiều đường như xoài, nhãn, vải... Tốt nhất, vào mùa hè nên ăn các loại trái cây ít đường.
TS Đoàn Thị Phương Lan cho rằng, sở dĩ bệnh cúm có điều kiện phát triển vào mùa hè là do lối sống của con người. Nhiều người đang đi ngoài trời nắng, đột ngột vào phòng điều hòa và ngược lại, điều này khiến cơ thể không kịp thích nghi, gây nên cảm cúm. TS Lan lý giải, cảm cúm là bệnh do virus gây nên, khi có thay đổi về nhiệt độ, môi trường, sức đề kháng giảm, con người dễ nhiễm virus cúm. Nên để phòng cúm, vào mùa hè không nên để cơ thể bị mất nước, tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống vệ sinh, có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, cần rửa tay hàng ngày tránh mắc cúm, nhất là không ra vào phòng lạnh đột ngột, đi ngoài đường về không nên tắm ngay...
Theo: Báo SKĐS