Nhận biết nhanh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên cả nước với số người mắc bệnh tăng cao.
Sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên cả nước với số người mắc bệnh tăng cao. Với dấu hiệu ban đầu rất dễ nhầm lẫn với sốt virut khiến nhiều bệnh nhân nhập viện muộn làm tình trạng bệnh nặng và thời gian điều trị kéo dài. Chính vì vậy, việc theo dõi những dấu hiệu bệnh để tới cơ sở y tế đúng thời điểm là rất quan trọng.
Ngày sốt thứ nhất: Ngày đầu tiên bệnh nhân SXH sốt cao, không có dấu hiệu đặc biệt phân biệt với sốt virut thông thường. Tuy nhiên, nếu sốt cao do SXH thì sau khi uống paracetamol để hạ nhiệt, thì thân nhiệt cũng chỉ hạ được trong một thời gian ngắn, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục sốt cao trở lại, thời gian sốt lại nhanh hơn so với sốt virut thông thường.
Ngày sốt thứ hai: Người bệnh vẫn sốt cao và có biểu hiện xuất huyết nhưng khó nhận biết. Nếu ấn mạnh một ngón tay xuống da thì thấy xung quanh có quầng đỏ rất rõ. Hoặc có thể nhận biết dấu hiệu thắt dương tính qua việc đo huyết áp tại cơ sở y tế.
Ngày sốt thứ 3, thứ 4: Lúc này, bệnh nhân SXH vẫn sốt cao nhưng xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu điển hình như có người chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường hoặc kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.
Nếu đến cơ sở y tế khám, lúc này người bệnh có thể xét nghiệm máu đơn giản đếm số lượng hồng cầu, bạch cầu, đặc biệt là số lượng tiểu cầu. Nếu tiểu cầu giảm xuống dưới 100 nghìn thì có thể khẳng định bệnh nhân chắc chắn bị SXH.
Lời khuyên của thầy thuốc
SXH có thể gây nguy hiểm nếu để xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, đa số trường hợp có thể điều trị bằng cách cho người bệnh uống thuốc hạ sốt Paracetamol, với trẻ em liều dùng là 10-15 mg/kg cân nặng, 4- 6 giờ một lần. Lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, co giật. Cho người bệnh uống nhiều nước: Nước lọc, nước cam, chanh, nước oresol; ăn thức ăn lỏng, nhẹ, nằm nghỉ ngơi, tránh vận động nặng. Tái khám theo hẹn của bác sĩ.
Khi trong gia đình có người nghi ngờ mắc SXH, không nên nghe lời mách bảo hoặc điều trị theo phương pháp dân gian của thầy lang vườn như cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng.
Không tự ý cho người bệnh dùng thuốc Aspirin vì có thể gây chảy máu dạ dày. Khi bệnh SXH trở nặng, cần được truyền dịch đúng và được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế bởi các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ phương tiện để theo dõi.
Phát hiện sớm những dấu hiệu nặng để nhập viện cấp cứu kịp thời, vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) bệnh có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Theo: Báo SKĐS