Mách mẹ cách vệ sinh mắt, mũi cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non yếu dễ mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp và các bệnh lý về mắt. Việc vệ sinh mắt, mũi cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết tuy nhiên không phải mẹ nào cũng biết vệ sinh đúng cách.
Cách vệ sinh mắt
Mắt là bộ phận quan trọng trên cơ thể của bé, thông thường 1 – 2 ngày đầu sau sinh, bé thường bị chảy nước mắt và đổ ghèn. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường hầu như bé nào cũng mắc phải. Tuy nhiên, nếu không được vệ sinh đúng cách bé có thể nhiễm các bệnh nhãn khoa, phổ biển nhất là đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Tình trạng chảy nước mắt và đổ ghèn kéo dài hơn một tuần mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Ảnh minh họa
Các bước vệ sinh mắt:
Bước 1: Rửa tay sạch trước khi vệ sinh mắt cho trẻ
Bước 2 : Chuẩn bị nước muối sinh lý, 2 miếng gạc vô khuẩn để vệ sinh riêng từng mắt.
Bước 3 : Dùng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu đến đuôi mắt.
Mẹ nên vệ sinh mắt 3 lần cho trẻ một ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ. Đừng quên rửa mặt cho trẻ bằng khăn sạch và nước ấm. Cần chuẩn bị cho bé khăn riêng, dùng xong giặt sạch, phơi nắng, thay khăn định kỳ và không dùng để lau người.
Cách vệ sinh mũi
Khoang mũi của bé ngắn và nhỏ, đường mũi hẹp, nhiều mạch máu, niêm mạc mũi khá mỏng, khả năng thích ứng kém và nhạy cảm. Thời tiết chỉ hơi lanh, hanh khô hoặc bụi cũng khiến bé bị sổ mũi, ngạt mũi… Vì vậy, vệ sinh mũi hằng ngày sẽ giúp phòng bệnh đường hô hấp, làm thông thoáng đường thở cho bé.
Ảnh minh họa
Các bước vệ sinh mũi:
Bước 1 : Rửa sạch tay trước khi vệ sinh mũi cho trẻ.
Bước 2 : Chuẩn bị nước muối sinh lý và khăn sạch. Nên sử dụng loại ống đơn liều sử dụng một lần để đảm bảo vệ sinh tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, ưu tiên loại ống đầu tròn nhỏ để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Bước 3 : Để trẻ nằm nghiêng, đầu thấp, mông cao để khi bơm, nước muối sẽ không chảy xuống họng. Đặt khăn lót xuống dưới cổ nhằm thấm nước.
Bước 4 : Nhỏ từng giọt nước muối sinh lý vào lỗ mũi. Không nên sử dụng xi lanh để rửa, vì có thể gây áp lực lớn lên niêm mạc mũi.
Bước 5 : Để bé nằm yên khoảng 1-2 phút rồi bế bé ngồi dậy, nâng đầu và lấy khăn thấm dịch chảy ra.
Trường hợp mũi dịch mũi đặc có gỉ, mẹ nên nhỏ 2-3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi làm mềm gỉ, rồi dùng tăm bông sạch kích thích bé hắt hơi nhằm tống hết chất bẩn ra ngoài. Một lưu ý khác cho mẹ là nên vệ sinh mũi trước bữa ăn để tránh nôn trớ.
Những ngày trời lạnh, cha mẹ nên ngâm lọ (ống) nước muối sinh lý vào nước ấm trước khi nhỏ mắt mũi cho trẻ. Có thể một vài lần đầu, trẻ chưa quen nên thường quấy khóc, nhưng khi bé cảm thấy dễ chịu hơn thì sẽ sẵn sàng hợp tác cho những lần tiếp theo.
Theo: Báo SKĐS