Làm sao nhận biết được sốt xuất huyết sớm nhất?
Ngày 31/7, bé Cao Minh S., 7 tuổi, nhà ở Bàng Long, huyện Châu Thành, Tiền Giang vào viện vì sốt cao, nôn ói. Sau khi nhập viện 3 ngày, cháu lừ đừ, bứt rứt, tụt huyết áp nên bác sĩ chẩn đoán là sốc sốt xuất huyết dengue, nên đã khẩn trương truyền nước biển cấp cứu cho cháu.
Tới ngày thứ 5 của bệnh cháu S. bị thở mệt, rút lõm ngực khi hít vô, nên bác sĩ phải giúp thở cho cháu, sáng nay thì cháu ổn, hết khó thở và tiểu được nhiều. Bà ngoại cháu là người trực tiếp chăm sóc cho bé từ ngày đầu tiên vô viện không dấu được nỗi vui mừng khi cháu đã khỏe, bà hỏi bác sĩ, làm sao có thể biết được sốt xuất huyết sớm nhất. Bác sĩ giải thích cho bà ngoại là sốt xuất huyết muốn chẩn đoán sớm thì phải dựa vào triệu chứng của bé và kết hợp với làm các xét nghiệm máu.
Về chuyên môn, nhận biết sốt xuất huyết sớm nhất là yếu tố quan trọng để điều trị sốt xuất huyết thành công, vì biết sốt xuất huyết sớm sẽ giúp cho việc theo dõi người bệnh được sát, điều trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm của bệnh này.
Đầu tiên tất cả các trường hợp sốt xuất huyết điều khởi đầu bằng triệu chứng sốt cao, không có sốt thì không phải bệnh sốt xuất huyết. Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, phát ban, đau cơ, nhức hai hố mắt. Về xét nghiệm thì thường được làm sau khi sốt ngày thứ 2 trở đi, bao gồm dung tích hầu cầu (Hematocrit) bình thường hoặc tăng, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm, số lượng bạch cầu thường giảm.
Bà con mình chú ý, khi bé sốt cao trong thời gian hiện tại dù bất cứ nguyên nhân gì cũng phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên không phải ai mắc sốt xuất huyết điều bị bệnh nặng, mà chỉ có khoảng 30% các cháu nằm viện mới có khả năng biến chứng, vì vậy bà con mình hết sức bình tỉnh, bệnh sốt xuất huyết trong hai ngày đầu thường không có biến chứng, nên nếu nhà ở gần cơ sở y tế thì cháu dược bác sĩ cho về nhà chăm sóc, từ sau ngày thứ 2 trở đi thì mới cần làm xét nghiệm đánh giá mức độ và nguy cơ biến chứng thì mới cho nhập viện theo dõi.
Đa số các cháu được điều trị tại nhà và tái khám hàng ngày, thử máu hàng ngày, sau 7 đến 10 ngày thì cháu sẽ khỏi bệnh. Những cháu có các yếu tố nguy cơ như quá nhỏ dưới 12 tháng, béo phì, có bệnh lý khác kèm theo, nhà ở quá xa cơ sở y tế thì mới cần nhập viện sớm.
Theo: Báo SKĐS