Ai cần siêu âm tuyến giáp?
Nhiều người thường thắc mắc vì sao được chỉ định siêu âm tuyến giáp, người khỏe mạnh có cần siêu âm tuyến giáp định kì không?
Siêu âm tuyến giáp để làm gì?
Siêu âm tuyến giáp là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể thực hiện định kỳ khi thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương và theo dõi, có biện pháp xử trí hay can thiệp sớm. Bên cạnh đó, khi cơ thể có một số dấu hiệu "cảnh báo" bệnh lý tuyến giáp, người bệnh nên đi siêu âm vì chi phí tương đối rẻ mà có thể phát hiện sớm, nếu có vấn đề ở tuyến giáp thì việc điều trị cũng dễ dàng hơn và giúp người bệnh an tâm hơn so với việc đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Ngoài ra, trong quá trình khám nếu xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho kết quả bất thường hoặc nếu bác sĩ thấy có sự phát triển bất thường ở tuyến giáp khi khám vùng cổ. Thì việc siêu âm cũng có thể được sử dụng để kiểm tra bệnh suy giáp hoặc cường giáp.
Ngoài ra, siêu âm tuyến giáp cũng có thể được sử dụng nếu bác sĩ cần tiến hành chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA) hoặc các mô xung quanh để kiểm tra.
Như vậy, có thể nói siêu âm tuyến giáp giúp chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp.
- Kiểm tra kích thước và xác định cấu trúc nhân tuyến giáp.
- Phân biệt khối u tuyến giáp lành tính và ác tính.
- Phân biệt nhân giáp và các khối khác ở cổ.
- Đánh giá thay đổi lan tỏa trong nhu mô tuyến giáp.
- Phát hiện khối u còn sót lại hoặc tái phát sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp.
Tuy nhiên siêu âm tuyến giáp không thể xác định được chức năng tuyến giáp như tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hay hoạt động quá mức (cường giáp), mà cần thực hiện các xét nghiệm khác như xét nghiệm T3, T4 (hai hormone do tuyến giáp sản xuất) hay TSH (hormone kích thích tuyến giáp).
Ai được chỉ định siêu âm tuyến giáp?
Việc tầm soát định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời cần phải được thực hiện với các đối tượng có nguy cơ cao:
- Phụ nữ từ sau độ tuổi 30 cần tầm soát ung thư tuyến giáp theo định kỳ đầy đủ và thường xuyên.
- Người có chế độ ăn uống thiếu i-ốt
- Người bị khàn tiếng, đau họng, thay đổi giọng nói đột ngột
- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh về tuyến giáp như ung thư biểu mô tuyến giáp, đa nhân tuyến giáp, bệnh lý nội tiết do tuyến giáp…
- Người có những dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến giáp như hạch/u ở cổ, khó nuốt, khó thở…
- Người bị phơi nhiễm các chất phóng xạ, chất độc hóa học ở mức cao.
Ngoài ra, cần chủ động thực hiện siêu âm tuyến giáp khi cơ thể có các biểu hiện sau:
- Xuất hiện run tay, kích thích, căng thẳng… dấu hiệu của tăng chức năng tuyến giáp
- Có biểu hiện khả năng tập trung kém, rối loạn tri giác: Nồng độ hormon tuyến giáp gia tăng (cường giáp) hay giảm (suy giáp) có thể làm ảnh hưởng đến chức năng thần kinh. Nếu suy giáp khiến người bệnh thường cảm thấy buồn rầu và chán nản thì cường giáp có thể dẫn đến kém tập trung.
- Nữ giới rối loạn kinh nguyệt: Suy giáp thường đi kèm biểu hiện rong kinh còn cường giáp lại được đặc trưng bởi tình trạng thiếu kinh.
- Biểu hiện tăng cân: Tình trạng này xảy ra là do chức năng tuyến giáp hoạt động kém, gây trì hoãn quá trình chuyển hóa và trao đổi chất.
Ngoài ra, cholesterol cao trong máu có thể xảy ra ở những người bị suy giáp; Cơ thể phù nề, xuất hiện tình trạng giữ nước; Nhịp tim tăng nhanh, cảm giác hồi hộp có thể là biểu hiện của cường giáp; Đau nhức cơ…Cần chủ động tới cơ sở y tế để được siêu âm tuyến giáp.
Nhiều người thường lo lắng rằng vậy, người khỏe mạnh có cần siêu âm tuyến giáp định kì không? Trên thực tế, dù khỏe mạnh hoàn toàn, vẫn nên khám siêu âm tuyến giáp ít nhất 1 lần mỗi năm. Vì phần nhiều các trường hợp ung thư giáp được phát hiện tình cờ nhờ siêu âm giáp định kì. Các khối ung thư của tuyến giáp thường phát triển rất chậm và hầu như không gây ra biểu hiện khó chịu gì cho tới khi ung thư bước vào giai đoạn trễ và di căn.
Nếu đã từng được khám siêu âm giáp và phát hiện bất thường. Bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cụ thể về việc khám chuyên khoa hoặc theo dõi trong thời gian ngắn hơn và có thể được chỉ định làm sinh thiết nếu bác sĩ phát hiện khối u nghi ngờ.