Vì sao trời lạnh dễ tái phát trào ngược dạ dày?
Thói quen ăn nhiều đồ cay, nóng để giữ ấm cơ thể khi trời lạnh là một trong những nguyên nhân khiến trào ngược dạ dày tái phát. Vậy cần phải làm gì để phòng trào ngược dạ dày tái phát khi trời lạnh?
Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược dạ dày là bệnh lý thường gặp và ngày càng có xu hướng tăng khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, căng thẳng và stress.
Biểu hiện của trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là bệnh lý gây ra tình trạng khó chịu cho người bệnh. Bản thân người mắc trào ngược dạ dày sẽ gặp các triệu chứng như:
- Đầy bụng
- Chậm tiêu, khó tiêu
- Ợ nóng, ợ chua, ợ hơi
Những triệu chứng này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nguy hiểm hơn nữa, nếu tình trạng trào ngược dạ dày kéo dài không kiểm soát, không điều chỉnh chế độ ăn uống và được thăm khám thì có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như loét dạ dày, ung thư dạ dày, ung thư thực quản.
Do vậy, người bệnh khi có các triệu chứng nêu trên cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu để loại trừ các nguyên nhân khác. Nếu bỏ lỡ thời điểm quan trọng để khám chữa, phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau này.
Vì sao trào ngược dạ dày dễ tái phát vào mùa lạnh?
Trào ngược dạ dày là bệnh lý thường gặp và có thể tái phát quanh năm. Tuy nhiên khi thời tiết lạnh có nhiều người bệnh bị tái phát trào ngược dạ dày. Bệnh lý này có cơ chế rõ ràng, vào những ngày thời tiết lạnh cơ thể tăng tiết histamin khiến dạ dày tăng tiết axit hơn so với ngày thường. Đây là nguyên nhân khiến trào ngược dạ dày tái phát.
Bên cạnh đó, khi trời lạnh việc người bệnh thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt như ăn nhiều đồ cay nóng để giữ ấm cơ thể cũng khiến bệnh trào ngược dạ dày tái phát.
Do vậy, để phòng ngừa trào ngược dạ dày tái phát, người bệnh cần thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như:
- Thay đổi thói quen ăn uống, chia thức ăn nạp trong ngày thành từng bữa nhỏ, không ăn quá no. Bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều chất kiềm giúp trung hòa axit (bánh mì, bột yến mạch) hoặc đạm dễ tiêu. Đồng thời hạn chế các đồ ăn cay, nóng, đồ ăn nhiều chất béo, gia vị, đồ ăn chứa nhiều axit (chanh, dứa…), đồ ăn chế biến từ sữa bởi chúng có tính kích thích co thắt dưới thực quản.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, các chất kích thích và các đồ uống có gas.
- Không nên nằm ngay sau khi ăn hoặc làm việc, vận động ngay sau khi ăn
- Giảm cân nếu có tình trạng béo phì, thừa cân, cần duy trì cân nặng hợp lý.
- Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng, stres kéo dài.