• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điều dưỡng - Những bông hoa lặng thầm tỏa hương

Điều dưỡng là một công việc quan trọng, gắn liền với sự phát triển của ngành Y nhằm chăm sóc sức khoẻ con người. Người điều dưỡng là người cộng tác với bác sỹ trong quá trình điều trị,...

Điều dưỡng là một công việc quan trọng, gắn liền với sự phát triển của ngành Y nhằm chăm sóc sức khoẻ con người. Người điều dưỡng là người cộng tác với bác sỹ trong quá trình điều trị, khác với quan niệm sai lầm trước đây cho rằng điều dưỡng chỉ là người phụ giúp bác sỹ và làm theo y lệnh của bác sỹ. Thực tế cho thấy, nếu một người điều dưỡng giỏi sẽ chủ động trong  việc theo dõi, phát hiện các bất thường của người bệnh để thông báo và phối hợp cùng cán bộ điều trị đưa ra hành động xử trí kịp thời, họ sẽ góp phần rất lớn vào thành công của điều trị. Và trong lịch sử phát triển của ngành Y tế Hà Tĩnh luôn luôn có sự đồng hành của những người cán bộ điều dưỡng – những bông hoa lặng thầm tỏa hương.

Nghề lau mồ hôi, nở nụ cười

Có kinh nghiệm gần 30 năm làm điều dưỡng, Điều dưỡng Lê Thị Cầu – Trưởng khoa Điều dưỡng Bệnh viện thành phố chia sẻ: Nghề này thực sự vất vả, thời gian mình ở trên bệnh viện còn nhiều hơn ở với gia đình. Chăm sóc bệnh nhân cũng giống làm dâu trăm họ, thế nhưng, đã chọn con đường này đòi hỏi phải yêu nghề. Phải coi bệnh nhân như người nhà của mình, luôn chia sẻ, luôn động viên, và quan trọng nhất là phải vui vẻ, nụ cười luôn nở trên môi.

Hầu hết mọi người tại bệnh viện luôn tâm niệm, thái độ ứng xử hết sức cần thiết đối với mỗi người thầy thuốc đặc biệt là những người điều dưỡng, phải luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, cảm thông và chia sẻ với những mất mát, lo lắng của người nhà bệnh nhân. Trong ứng xử với người bệnh, luôn ân cần, cởi mở, hoà nhã với bệnh nhân. Đặc biệt là những lúc rãnh rỗi, các điều dưỡng luôn dành thời gian thăm hỏi, động viên người bệnh, nhằm tạo mối quan hệ thân thiện để hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp cho người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị bệnh tại đây.

Còn lắm nhọc nhằn, thấu nhiều đắng cay

Nhiều điều dưỡng viên cho biết, họ chạy như con thoi cả ngày lẫn đêm. Có khi ở khoa phẫu thuật, ngoài thay băng, truyền dịch, cho thuốc, chuẩn bị đưa đi mổ, điều dưỡng viên có khi túc trực trong phòng mổ 3-5 tiếng để theo bác sĩ hết ca mổ. Có những ca mổ phức tạp kéo dài nên việc nhịn đói cũng là chuyện bình thường. Ngoài những nhọc nhằn vất vả về công việc, thì điều dưỡng viên cũng phải chịu nhiều áp lực. Bởi cuộc sống bình thường đã mỗi người một tính,  làm nghề chăm sóc bệnh nhân cũng giống làm dâu trăm họ, chăm người bệnh còn vất vả hơn người bình thường và nhiều khi do đau đớn, họ lại càng khó tính hơn.

Điều dưỡng Nguyễn Đăng Thái, Điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện tỉnh cũng chia sẻ: Ở khoa này gần như giờ nào cũng có vài ca vào cấp cứu, bệnh nhân vào lúc bất ngờ, không có sự chuẩn bị, nhiều khi chúng tôi đang ăn dở miếng cơm trực cũng phải bỏ bát đi theo. Những ca trực đêm của chúng tôi đều trắng đêm theo dõi tình hình người bệnh. Vất vả là thế, nhưng hạnh phúc nhất là khi cùng ê-kíp giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần, vui lắm rồi như thế càng yêu nghề hơn, càng gắn bó hơn.

Chuẩn hóa đội ngũ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Th.S Nguyễn Việt Thắng, Điều dưỡng trưởng ngành chia sẻ: Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị của bác sỹ thì việc nâng cao chất lượng chăm sóc đội ngũ điều dưỡng, được coi là một chiến lược quan trọng để tăng cường sự tiếp cận của người nghèo với các dịch vụ y tế, cũng như đảm bảo công bằng xã hội trong y tế và sự hài lòng của người dân. Ngành Y tế hiện nay có khoảng 2.800 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Hàng năm Sở Y tế tổ chức 3-5 lớp đào tạo liên tục nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Bên cạnh đó Ngành Y tế đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 chuẩn hóa trình độ tối thiểu là điều dưỡng cao đẳng theo Thông tư Liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV, ngày 07/10/2015 về Quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng những người điều dưỡng, những bông hoa lặng thầm ấy, luôn ý thức được lương tâm, trách nhiệm của mình để luôn đồng hành, sẻ chia với nỗi đau của người bệnh.

Thanh Nhàn


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.843
Tháng 05 : 12.100
Năm 2024 : 731.399
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.529.913