Điểm báo ngày 27/9/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Tập trung kiểm soát ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng; Cứu sống bệnh nhân bị vỡ tim, 2 lần ngừng tuần hoàn; Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh đau mắt để tăng giá thuốc; Hải Phòng: Nguy cơ bùng phát đau mắt đỏ, diễn biến nặng; Tự đắp lá thuốc theo lời mách, bệnh nhân nhập viện vì nhiễm trùng; Bị chó cắn từ năm 2022, một trường hợp nghi mắc bệnh dại; U máu vùng hàm mặt ở trẻ có cần điều trị?; 7 động tác có thể thực hiện ngay giúp giảm đau lưng, mỏi vai gáy cho dân văn phòng.
Tập trung kiểm soát ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng
Sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế các địa phương tập trung giải pháp kiểm soát ổ dịch, không để bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong tại cộng đồng.
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/9, thành phố ghi nhận một trường hợp là nam (25 tuổi) thường trú tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), hiện tạm trú tại quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Trong một tuần gần đây, bệnh nhân có tiếp xúc với bạn tạm trú tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương), hiện người bạn này đang có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ; không ghi nhận bệnh nhân đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài trong vòng 21 ngày kể từ ngày dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ là anh L.V.T (25 tuổi) là lao động tự do. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 28/8 đến ngày 17/9, chưa ghi nhận bệnh nhân đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài. Ngày 2/9, bệnh nhân về nhà tại ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc và có tiếp xúc với bốn người trong gia đình, gồm: bà nội, ba, mẹ và chị gái. Ngày 16/9, bệnh nhân tiếp xúc với bạn (tạm trú huyện Tân Uyên, Bình Dương). Hiện người bạn này đã phát bệnh.
Chiều 26/9, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Bình cho biết: Sau khi điều tra dịch tễ ở huyện Xuân Lộc, khả năng nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn rất thấp. Bởi bệnh nhân T về Đồng Nai đang trong giai đoạn ủ bệnh, gần như vi-rút không có lây lan ra ngoài. Quá trình điều tra dịch tễ, ghi nhận bốn người trong gia đình tiếp xúc gần với bệnh nhân T chưa có triệu chứng gì bất thường, nhưng ngành y tế địa phương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những trường hợp này, đồng thời thông tin với ngành y tế tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra dịch tễ và theo dõi những người tiếp xúc với người bệnh.
Tại tỉnh Bình Dương, sau khi nhận được thông tin từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về trường hợp chị N.K.L có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác định trước tại tỉnh Đồng Nai, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn giám sát tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh; chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên khẩn trương điều tra ca bệnh, khoanh vùng và tiến hành phun khử khuẩn môi trường chung quanh khu vực nhà ở của bệnh nhân; lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; cách ly, theo dõi, điều trị bệnh nhân N.K.L tại khoa Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm hướng dẫn giám sát bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế; sẵn sàng các phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho rằng, với những ca bệnh nêu trên, cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh. Đây là vấn đề quan trọng để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực, vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Các ngành liên quan cần tiếp tục giám sát cửa khẩu, người đi từ vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác, vì việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng góp quan trọng trong khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan tại cộng đồng.
Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022; chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý triệt để ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Mặt khác, ngành y tế các địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ; tổ chức điều trị bệnh nhân, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị; thực hiện tốt công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, không để người dân hoang mang, lo lắng không cần thiết. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời các địa phương, đơn vị trên địa bàn về giám sát, lấy mẫu, chẩn đoán và phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ kịp thời, hiệu quả.
Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox), là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh… Thời gian ủ bệnh thường từ ba đến sáu ngày, nhưng có thể dao động từ 5 đến 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy như: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn). Bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ hai đến ba tuần. (Theo báo nhandan.vn).
Cứu sống bệnh nhân bị vỡ tim, 2 lần ngừng tuần hoàn
Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân 62 tuổi bị vỡ tim, hai lần ngừng tuần hoàn.
Bệnh nhân Đ.T.N (62 tuổi) nhập viện vì các cơn khó thở, đau ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh trên điện tâm đồ , thang điểm GRACE>140 cho thấy nguy cơ thiếu máu tim cục bộ cao nên có chỉ định can thiệp mạch vành sớm trong vòng 24 giờ .
Trong lúc chuẩn bị để đưa vào phòng can thiệp, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn (tim ngừng đập). Ngay lập tức, bác sĩ điều trị tiến hành sơ cứu xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo đồng thời kích hoạt CODE BLUE - mã báo động khi người bệnh ngừng tuần hoàn, tất cả các thành viên của đội nhanh chóng có mặt và dưới sự điều hành của bác sĩ hồi sức tích cực, đã thực hiện hồi sinh tim phổi, khôi phục được nhịp tim và giữ huyết áp ổn định cho bệnh nhân sau chưa đầy 5 phút ngừng tim.
Một cuộc hội chẩn khẩn cấp ngay tại giường bệnh được tiến hành trong lúc vẫn hồi sức tim phổi đã thống nhất xác định nguyên nhân do vỡ thành tim (vỡ thất) gây tràn máu màng ngoài tim dẫn đến chèn ép tim cấp. Vỡ thất trái sau nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng cơ học rất nặng, chiếm khoảng 1% trong những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp và chiếm 8% trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim cấp.
Nguyên nhân do cơ tim bị hoại tử gây nứt thành tim, tràn máu ra khoang màng ngoài tim, quả tim bị máu chèn ép không bóp hiệu quả dẫn tới ngừng tuần hoàn và Phẫu thuật là biện pháp duy nhất mới có thể cứu sống bệnh nhân.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ tim đã được chuẩn bị sẵn sàng để mở ngực nhanh nhất giải phóng chèn ép tim trước tiên, và sau đó mới xử lý vỡ thủng cơ tim. Lúc này bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tim lần hai, lúc này cuộc chạy đua của ê-kíp phẫu thuật vừa bóp tim bảo đảm máu cung cấp cho não vừa nhanh chóng tiến hành cưa xương ức và mở màng tim để giải phóng chèn ép quả tim, sau đó vá lỗ thủng thành thất.
Bác sĩ Lê Văn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết, sau chưa đầy 30 phút, bệnh nhân được mở ngực, giải phóng chèn ép tim cấp, khâu lỗ thủng thành thất. Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng, cơ bản nguồn chảy máu được kiểm soát, huyết áp ổn định, ý thức bệnh nhân cải thiện tốt, mở mắt và cử động được chân tay, tỉnh hoàn toàn, nhớ được các chuyện trước kia, qua cơn nguy kịch. 1 ngày sau mổ, bệnh đã phục hồi, được rút nội khí quản.
Phẫu thuật viên, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm và Ê-kíp gây mê phẫu thuật thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã hoàn thành phẫu thuật một cách kịp thời và chuẩn xác.Đến nay, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, không để lại di chứng gì về thần kinh.
"Để cấp cứu thành công những trường hợp nguy kịch như thế này, quan trọng nhất là yếu tố thời gian. Phòng mổ, kíp mổ phải sẵn sàng ngay lập tức bởi sự sống của bệnh nhân đang được tính theo từng phút, từng giây. Các thao tác phải thật nhanh và chính xác thì mới có cơ hội cấp cứu thành công", bác sĩ Huy cho hay.
Ca mổ gần bốn giờ đồng hồ đã diễn ra thành công. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân đã tỉnh, bỏ được máy thở, chức năng tim tốt và được theo dõi trong phòng hồi sức tích cực. Hiện nay, sau chưa đầy một tuần, người bệnh đã được lên bệnh phòng, tự đi lại sinh hoạt như trước mổ.
Đặc biệt, người bệnh không có bất kỳ di chứng thần kinh nào mặc dù đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn tới hai lần. Dự kiến trước khi ra viện bệnh nhân sẽ được làm MSCT mạch vành để đánh giá thương tổn động mạch vành và lên kế hoạch can thiệp điều trị tiếp theo.
Bệnh nhân diễn biến rất nặng, ngừng tim đến 2 lần, nguy cơ tử vong rất cao và nguy cơ bị di chứng về thần kinh cũng lớn. Giai đoạn đầu xuất hiện ngừng tim đội ngũ cấp cứu đã nhanh chóng xuất hiện giúp bệnh nhân vượt qua thời khắc sinh tử đó. Nếu lúc đó không triển khai mổ nhanh nhất có thể thì bệnh nhân có thể ngừng tim thêm lần nữa, nguy cơ tử vong tăng cao hơn nữa. Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết.
Theo y văn thế giới, biến chứng nhồi máu cơ tim thường có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phẫu thuật kịp thời. Ngay cả khi mổ, cũng chỉ khoảng 50% được cứu sống và thường để lại các di chứng thần kinh do thiếu máu não.
Để có cơ hội được cứu sống, ngay khi phát hiện người bệnh nhồi máu cơ tim cấp cần được tiếp cận với các bệnh viện có khả năng cấp cứu hồi sức , trình độ can thiệp cao xử lý các thương tổn vành phức tạp , đặc biệt có kíp phẫu thuật tim có kinh nghiệm xử trí các vấn đề tim mạch phức tạp sẵn sàng có mặt tại bệnh.
Ngoài ra, việc được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong thời điểm vàng cũng rất quan trọng trong việc tăng cơ hội sống, hạn chế biến chứng thần kinh cho bệnh nhân. “CODE BLUE” là một trong số các mã khẩn cấp Bệnh viện Vinmec đã áp dụng thường quy trong quy trình cấp cứu người bệnh đang nằm viện đột ngột ngưng tim, ngưng thở hoặc đột ngột trở nên nguy kịch đe doạ tính mạng.
Việc áp dụng các mã khẩn cấp bệnh viện nằm trong quy trình tiếp nhận và xử trí các bệnh nhân cấp cứu nói chung và đặc biệt trong các cấp cứu nặng, phức tạp giúp ê-kíp cấp cứu sẽ xuất hiện trong thời gian ngắn nhất và đúng nơi cần trợ giúp để hỗ trợ người bệnh sớm nhất. (Theo báo nhandan.vn)
Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh đau mắt để tăng giá thuốc
Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.
Dịch bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến gia tăng tại nhiều địa phương, như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... và một số địa phương khác. Trước tình hình này, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi; Chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Cùng đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đối với các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược đề nghị khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc, Phó Cục trưởng Nguyễn Thành Lâm cho hay, Cục Quản lý Dược đã đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hợp đồng cung ứng thuốc trúng thầu đã ký kết.
Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi. (Theo báo nhandan.vn)
Hải Phòng: Nguy cơ bùng phát đau mắt đỏ, diễn biến nặng
Theo thông tin từ Bệnh viện Mắt Hải Phòng, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh, trong đó chủ yếu bị viêm kết giác mạc cấp, dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng, từ ngày từ ngày 01/9/2023 đến hết ngày 06/09/2023, tỷ lệ đau mắt đỏ chiếm 35,8 % tổng số ca đến khám vì viêm kết mạc (66 ca đau mắt đỏ/184 ca viêm kết mạc) và đang có xu hướng gia tăng.
Theo đánh giá của lãnh đạo bệnh viện Mắt Hải Phòng, trong tháng 7 và 8, bệnh viện đã ghi nhận 750 ca đau mắt đỏ. Phía các phòng khám chuyên khoa Mắt trên địa bàn cũng ghi nhận số bệnh nhân mắc đau mắt đỏ tăng. Tuy nhiên, khác với mọi năm, tình trạng đau mắt đỏ năm nay chủ yếu là viêm kết giác mạc cấp, nặng hơn và dễ biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Mắt Hải Phòng, bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào mùa Hè và Thu và trẻ em mắc nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu bởi nguy cơ lây nhiễm từ các bạn học trong lớp khi dùng chung đồ và ngồi sát nhau hơn, ý thức phòng ngừa bệnh kém hơn. Do đó, việc tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân, đặc biệt với trẻ em hiểu được đường lây của bệnh để nâng cao kỹ năng phòng ngừa cần được đẩy mạnh.
Bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; sử dụng nước sạch; không dùng chung vật dụng cá nhân. Khi phát hiện bản thân có hiện tượng mắc đau mắt đỏ thì hãy đến bệnh viện chuyên khoa sớm để chữa trị kịp thời.
Trước tình hình dịch đau mắt đỏ đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước, vừa qua (ngày 25/9), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, nhưng phổ biến nhất là do một loại virus có tên Adenovirus. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt, có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc.
Tác nhân gây bệnh có thể gây viêm giác mạc (thường gặp sau khởi phát vài ngày - đây là dạng lâm sàng được ghi nhận hay gặp trong năm nay), ở thời điểm này mắt có thể đã đỡ sưng hoặc hết đỏ nhưng người bệnh có thế có các biểu hiện như: Nhìn mờ, chói, sợ ánh sáng. Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ. Bệnh thường biểu hiện ở một mắt nhưng có thể xảy ra ở cả hai mắt.
Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ. Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng.
Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn (nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi)…
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, đối với đau mắt đỏ thì người bệnh thường được điều trị triệu chứng như: Vệ sinh mắt (rửa mắt), giảm đau, chống viêm, tăng cường sức đề kháng và dùng kháng sinh chống bội nhiễm. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).
Tự đắp lá thuốc theo lời mách, bệnh nhân nhập viện vì nhiễm trùng
Sau khoảng 10 ngày thấy vùng châm cứu sưng đau nhiều, người bệnh đã tự đắp thuốc. Sau đắp thuốc tình trạng đau nhức không thuyên giảm mà thêm vào đó là tấy đỏ, chảy dịch.
Thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh nhập viện điều trị do nhiễm trùng vết thương mà nguyên nhân là tự điều trị bằng cách đắp thuốc tại nhà.
Đơn cử như trường hợp người bệnh L.V.B. 59 tuổi trú tại Yên Thanh – Uông Bí nhập viện với vết thương vùng lưng trái nhiễm trùng tấy đỏ, chảy dịch.
Theo người bệnh cho biết trước đó có đi châm cứu do đau vùng thắt lưng. Sau khoảng 10 ngày thấy vùng châm cứu sưng đau nhiều. Người bệnh đã tự điều trị bằng cách đắp thuốc theo như nhiều người mách.
Sau đắp thuốc tình trạng đau nhức không thuyên giảm mà thêm vào đó là tấy đỏ, chảy dịch. Lúc này người bệnh mới đến Bệnh viện để khám và điều trị.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, việc người bệnh B. tự điều trị bằng cách châm cứu tại các cơ sở y tế không đảm bảo đã là một nguy cơ tiềm ẩn nhiễm trùng, hơn nữa lại còn tự ý đắp thuốc vào các vết thương hở lại càng nguy hại.
Tại Bệnh viện đã có những trường hợp nhập viện với các vết thương hở bị nhiễm trùng biến chứng nhiễm trùng máu do tự đắp thuốc.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên coi thường những vết thương nhỏ, đặc biệt là đối với các tổn thương hở tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi nó có thể khiến tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn, đi kèm với đó là rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, gây khó khăn cho điều trị. (Theo Báo suckhoedoisong.vn)
Bị chó cắn từ năm 2022, một trường hợp nghi mắc bệnh dại
Nguồn tin của Báo Sức khỏe & Đời sống từ Bắc Kạn cho biết, BVĐK tỉnh Bắc Kạn đang điều trị một trường hợp nam giới nghi mắc bệnh dại.
Qua khai thác dịch tễ, bệnh nhân là nam giới, 27 tuổi, quê ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Bệnh nhân này đã từng bị chó cắn từ năm 2022, nhưng không tiêm phòng dại. Ngày 25/9/2023, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt, lo lắng, sợ nước, sợ ánh sáng, sau đó vào viện khám.
Bệnh nhân hiện đang điều trị tại BVĐK tỉnh Bắc Kạn, được lấy mẫu xét nghiệm và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực Châu Á và Châu Phi.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi, với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác. Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu.
Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh.
Ở người, virus đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu…) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp. (Theo Báo suckhoedoisong.vn)
7 động tác có thể thực hiện ngay giúp giảm đau lưng, mỏi vai gáy cho dân văn phòng
Việc dành hàng giờ ngồi trước máy tính có thể gây ảnh hưởng đến các cơ vùng lưng, hông, cổ và vai, nhất là dân văn phòng. Có thể giảm đau, mỏi vai gáy, lưng bằng các bài tập tại chỗ đơn giản dưới đây…
1. Mở hông
Hông và lưng dưới dễ bị căng cứng do ngồi quá nhiều. để giảm mỏi hông và lưng, có thể thực hiện các động tác:
- Ngồi trên mép ghế, hai chân rộng bằng hông, bàn chân chạm mặt sàn sao cho cẳng chân vuông góc với mặt sàn.
- Nâng chân phải lên chân trái, mắt cá chân phải chạm vào bên cạnh đùi trái, ngay sát đầu gối chân trái.
- Đưa hai tay về phía trước, nhẹ nhàng hạ thấp người xuống, thả lỏng tay về phía mặt sàn.
3. Gấp người
Sau nhiều giờ làm việc tại văn phòng, lưng sẽ bị căng cứng, đau mỏi. Để giải tỏa căng thẳng cho lưng, nên thực hiện động tác:
- Đứng đối diện với lưng ghế, bàn tay trái nắm lấy khuỷu tay phải.
- Đặt hai cánh tay đang nắm lên lưng/mặt ghế. Hai chân rộng bằng vai, đứng thẳng. Cúi mặt chạm vào cánh tay. Có thể chùng đầu gối nếu khó đứng thẳng.
3. Vặn lưng
Có thể giảm độ căng, mỏi lưng dưới bằng một động tác vặn người đơn giản:
- Ngồi xoay người sang bên trái của ghế.
- Giữ lưng ghế bằng cánh tay trái.
- Nhẹ nhàng xoay phần thân trên của cơ thể về phía lưng ghế.
- Hạ thấp cánh tay phải xuống phía chân ghế gần nhất.
4. Động tác thư giãn vai giúp giảm đau mỏi vai gáy
Ngồi làm việc hàng giờ sẽ khiến cho vai trở nên căng cứng, nhức mỏi. Có thể thư giãn vai với các động tác:
- Đứng thẳng lưng, vai trái sát cạnh tường.
- Giơ thẳng cánh tay trái lên, lòng bàn tay hướng vào tường.
- Từ từ di chuyển cánh tay xuống phía sau trong khi cánh tay giữ thẳng và lòng bàn tay vẫn úp vào tường.
- Đổi bên và lặp lại động tác với cánh tay phải.
5. Tư thế nửa con chó úp mặt
Phiên bản của tư thế yoga nổi tiếng này là một bài tập kéo dãn toàn thân, đa năng, đặc biệt tốt cho gân khoeo. Có thể thực hiện với các động tác:
- Đứng đối diện với sau lưng ghế.
- Hai chân đứng thẳng, hai tay nắm vào lưng ghế, từ từ hạ lưng xuống, duỗi thẳng lưng sao cho lưng song song với mặt sàn. Có thể lùi càng xa lưng ghế càng tốt.
- Giữ thẳng tay và chân khi duỗi cột sống.
6. Mở vai
Ngồi cúi người về phía trước làm việc với máy tính trong thời gian dài sẽ khiến cho vai mỏi, tê nhức... Động tác mở rộng ngực và vai sẽ giúp thư giãn, giảm căng thẳng cho vai, gáy.
Có thể thực hiện theo các động tác:
- Ngồi thẳng lưng trên mép ghế.
- Hai cánh tay buông xuống hai bên.
- Giữ lưng thẳng, tay trái giữ mép ghế, giơ cánh tay phải lên qua đầu. Sau đó, nghiêng cả tay phải và thân người sang bên trái.
- Đổi bên và lặp lại động tác.
- Duỗi hai tay ra phía sau và giữ các cạnh ngoài của lưng ghế.
- Đẩy ngực ra.
7. Vận động cổ tay và vai
Gõ bàn phím, nhấp chuột… quá lâu khiến cho cổ tay, bắp tay trở nên căng cứng, nhức mỏi. Có thể thực hiện một vài động tác giãn cơ đơn giản nhẹ nhàng cho cổ tay và cẳng tay dưới đây:
Đối với cổ tay:
- Duỗi thẳng cánh tay phải về phía trước, ngửa lòng bàn tay lên.
- Dùng tay trái nhẹ nhàng kéo các ngón tay phải xuống.
- Đổi tay và lặp lại động tác.
Đối với vai:
- Đứng/ngồi thẳng lưng, duỗi thẳng hai cánh tay, lòng bàn tay hướng vào trong, các ngón tay đan vào với nhau.
- Xoay lòng bàn tay ngược lại, nhẹ nhàng nâng cánh tay lên trên đầu và duỗi thẳng. Giữ tư thế này vài giây. Sau đó lặp lại động tác. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).
Huy Hoàng tổng hợp