• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 03/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini đang cai dần thở máy; Rò dịch não tủy hiếm gặp do biến chứng sau phẫu thuật xoang; Hai bệnh nhi động kinh hồi phục kỳ diệu sau 6 ngày phẫu thuật; Thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh miễn phí cho toàn bộ người cao tuổi trong tháng 10; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa; Lần đầu tiên tại Nghệ An thực hiện phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định; Bé trai 3 tháng tuổi lây giang mai từ mẹ; Nôn ra máu, người bệnh bất ngờ được phát hiện vỡ tĩnh mạch dạ dày nguy kịch; Sốt virus ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini đang cai dần thở máy

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang cai dần thở máy cho Thiếu tá N.V.C, nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mi ni phố Khương Hạ, Hà Nội đang điều trị tại bệnh viện.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sức khỏe bệnh nhân N.V.C đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục theo dõi và xử trí.

Bệnh nhân N.V.C được đưa vào viện rạng sáng 13/9. Bệnh nhân có tình trạng tổn thương não do ngạt khói, ngộ độc khí CO và thiếu ô-xy nên có những cơn gồng cứng, rối loạn ý thức cần phối hợp nhiều thuốc kiểm soát co giật, gồng cứng cơ và thuốc an thần.

Bệnh viện tập trung mọi nguồn lực, chạy đua với thời gian để điều trị cho bệnh nhân.

Đến chiều 2/10, bệnh nhân C. đã tỉnh dần, gọi làm theo lệnh, các cơn gồng cứng giảm nhiều. Bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nhưng đang cải thiện và cai dần máy thở.

Về kế hoạch điều trị cho bệnh nhân C. trong thời gian tới, đại diện bệnh viện cho biết sẽ cố gắng để có thể bỏ được máy thở sớm cho người bệnh.

Hiện tại, bệnh viện tiếp tục các biện pháp để hồi sức về hô hấp, thần kinh, chống nhiễm khuẩn, tập phục hồi chức năng hô hấp và vận động tránh cứng khớp hay loét do tì đè; dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn hô hấp và thuốc điều trị tăng trương lực cơ. Cùng đó, biện pháp bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện cũng được đặt ra.

Sáng nay, các chuyên gia tiếp tục hội chẩn để có phương án tối ưu nhất cho bệnh nhân.

Thiếu tá N.V.C (37 tuổi, Lữ đoàn Thông tin 21 Bộ đội Biên phòng) là nạn nhân nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini ngày 12/9 được đưa vào cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh C. được cứu hộ đưa vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tím tái, ngộ độc CO2 nặng, tiên lượng rất nặng, nguy kịch.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu (A9) điều trị, sau đó chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực. Trong vụ cháy, gia đình anh C. mất đi vợ và hai con gái.

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ xảy ra lúc hơn 23 giờ ngày 12/9. Chung cư này gồm 9 tầng, 1 tum, với khoảng 45 căn hộ, hơn 150 nhân khẩu. Ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ, sâu. Cơ quan chức năng xác định có 56 người tử vong và 37 trường hợp bị thương. (Theo báo nhandan.vn)

 

Rò dịch não tủy hiếm gặp do biến chứng sau phẫu thuật xoang

Sau khi phẫu thuật mũi xoang tại một cơ sở y tế, người đàn ông bị biến chứng sốt cao, mũi chảy dịch và được chẩn đoán rò dịch não tủy - một biến chứng hiếm gặp.

Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa tiếp nhận một ca rò dịch não tủy qua đường mũi. Bệnh nhân là Nguyễn Văn T, 63 tuổi (Phương Khoan, Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhập viện với tình trạng sốt, mũi chảy dịch trong suốt cùng các triệu chứng của viêm màng não.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân sau khi được phẫu thuật xoang tại một cơ sở y tế khác, ông xuất hiện những biểu hiện bất thường như sốt cao, đầu đau dữ dội, mũi nhiễm trùng và chảy nước liên tục. Bệnh nhân được các bác sĩ tại đây chẩn đoán bị viêm màng não. Sau đó, người nhà đã chuyển người bệnh tới Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Theo bác sĩ nội trú Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, phẫu thuật nội soi mũi xoang được thực hiện rất phổ biến hiện nay do ưu điểm vượt trội về hiệu quả và an toàn, song vẫn có thể xảy ra rủi ro.

Các biến chứng có thể gặp bao gồm: Rò dịch não tủy, thủng nền sọ, viêm màng não, tổn thương não,chảy nước mắt, nhìn đôi, mất thị lực… Bệnh nhân T. đã bị rò dịch não tủy sau khi phẫu thuật mũi xoang. Đây là trường hợp hiếm gặp và cần phẫu thuật vá ngay lỗ rò để ngăn sự thông thương giữa mũi và sọ não.

Sau khi hội chẩn và được sự đồng ý của gia đình, kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật nội soi vá lại nền sọ cho người bệnh bằng vật liệu tự thân và keo sinh học, sử dụng hệ thống mổ định vị không gian ba chiều-là hệ thống mổ hiện đại nhất hiện nay. Đây là trường hợp lỗ rò có kích thước khá lớn, dịch não tủy chảy ra nhiều, vấn đề quan trọng nhất là phải bịt kín đường rò, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, lỗ rò dịch não tủy gây nên sự thông thương giữa khoang dịch não tuỷ và hốc mũi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nên viêm màng não, một bệnh lý nhiễm trùng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Ngoài nguyên nhân bẩm sinh thì rò dịch não tủy có thể xảy ra sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Đối với trường hợp do bẩm sinh, dấu hiệu thường xuất hiện tự phát như: chảy dịch mũi, ngạt mũi hoặc viêm màng não. Các trường hợp còn lại xuất hiện các dấu hiệu thứ phát như: sốt, buồn nôn, rét run, chảy mũi trong, các triệu chứng thần kinh như lơ mơ, thay đổi về hành vi, tâm lý và tiền căn viêm màng não tái đi tái lại…

Bác sĩ Thắng khuyến cáo nếu gặp những dấu hiệu nêu trên, đặc biệt khi tình trạng viêm màng não tái phát nhiều lần, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên sâu, uy tín với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Theo các bác sĩ, rò dịch não tủy là tình trạng dịch não tủy thoát ra ngoài sọ qua tai, thành sau họng hoặc qua mũi. Rò dịch não tủy qua đường mũi nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.

Dịch não tủy là một chất lỏng tồn tại trong các não thất và tủy sống, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ não, lấy các nguồn dinh dưỡng cần thiết từ máu cung cấp cho não và loại bỏ các chất thải từ các tế bào não.

Rò dịch não tủy là tình trạng xảy ra khi dịch não tủy bị rò rỉ qua lỗ thủng ở màng cứng hoặc hộp sọ và chảy ra ngoài qua tai, thành sau họng hoặc qua hốc mũi. Nguyên nhân của lỗ rò hoặc vết rách có thể do chấn thương đầu và phẫu thuật não hoặc xoang. (Theo báo nhandan.vn).

 

Hai bệnh nhi động kinh hồi phục kỳ diệu sau 6 ngày phẫu thuật

Bệnh nhi mắc thể động kinh phức tạp lên tới 100 cơn một ngày đã thực sự được hồi sinh sau ca phẫu thuật bằng kỹ thuật tiên tiến nhất lần đầu tiên được chuyển giao về Việt Nam.

Bé N.N.M (nữ, 6 tuổi) mắc thể động kinh rất nặng, lên tới 50-100 cơn giật/ ngày, luôn phải dùng thuốc ngủ thường xuyên vì có vùng động kinh rất gần với các vùng dây trung tâm. Bé H.T (nam, 5 tuổi) bị xơ hóa củ ở cả 2 bán cầu não vùng trán bên trái và thái dương cũng đối mặt với những cơn động kinh ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống.

Với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama, Hoa Kỳ, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, theo dõi điện não đồ trong 48 tiếng, lập bản đồ sinh động kinh. Từ đó, lựa chọn vị trí và phương pháp chính xác, giúp phẫu thuật thành công cho 2 trẻ động kinh kháng thuốc phức tạp. Đây là kỹ thuật tiến tiến trên thế giới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.

Sau khi được phẫu thuật khỏi bệnh, hết hoàn toàn cơn giật, vận động bình thường, đã tạo nên niềm xúc động lớn, cũng như truyền động lực cho không ít bậc phụ huynh trong thời gian vừa qua.

Gặp lại hai bé N.N.M và H.T sau 6 ngày phẫu thuật, các con đều khỏe mạnh, chạy nhảy, líu lo vui vẻ với ba mẹ và các cô điều dưỡng. Đôi mắt chị Trang (mẹ bé H.T) ánh lên niềm hạnh phúc khi thấy con đã được hồi sinh cuộc đời mới. Nhìn con thoải mái vui đùa, chị vẫn chưa dám tin đó là sự thật, xúc động và hạnh phúc vô cùng.

Để đưa kỹ thuật này về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 2 năm chuẩn bị. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Nam Thắng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Thần kinh cùng một số bác sĩ hồi sức đã học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật này tại Hoa Kỳ.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Nam Thắng, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho 2 bệnh nhi vô cùng xúc động khi thấy sự hồi phục của 2 em bé. Trước khi ra viện, bác sĩ Thắng vào phòng bệnh dặn dò các bé và gia đình, nắm tay từng bé đầy xúc động.

Bác sĩ Lê Nam Thắng tâm sự, bé gái N.N.N, trước mổ, mỗi ngày cháu có hơn 100 cơn động kinh, phải sử dụng thuốc ngủ, nhưng giờ đây, cháu không có một cơn động kinh nào, mọi xét nghiệm và vết mổ hoàn toàn bình thường. Bé H.T cũng đã khỏe mạnh, các chỉ số ổn định.

"Chúng tôi dự định sẽ cho các cháu ra viện hôm nay và các cháu vẫn cần tái khám lại theo lịch hẹn để theo dõi tiếp quá trình hồi phục. Trong tương lai các cháu hoàn toàn có thể đi học và hòa nhập với các bạn. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Giáo sư Brandon Rocque, Bệnh viện Trẻ em Alabama, Hoa Kỳ đã đồng hành với bệnh viện nhiều năm qua trong phẫu thuật thần kinh, để từ đây sẽ mở ra một chương mới cho lĩnh vực này ở Việt Nam”, bác sĩ Thắng chia sẻ. (Theo báo nhandan.vn).

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh miễn phí cho toàn bộ người cao tuổi trong tháng 10

Ngày 2/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã ban hành kế hoạch tổ chức "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023" trong ngành Y tế thành phố.

Quá trình già hóa dân số của Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra từ những năm 2010 dưới tác động của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao. Theo số liệu thống kê năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.033.355 người cao tuổi, chiếm 11,03%, cao xếp thứ hai trong cả nước và đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số.

Trong Tháng hành động vì người cao tuổi (tháng 10), thành phố đưa ra chỉ tiêu 100% bệnh viện đa khoa thành phố, đa khoa khu vực quận, huyện, trung tâm y tế tổ chức thực hiện khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại địa phương. Thời gian thực hiện thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi từ ngày 1-10 đến ngày 31-10.

Theo đó, các hoạt động y tế được thực hiện và tiếp tục triển khai trong Tháng hành động vì người cao tuổi bao gồm: khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí cho người cao tuổi; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định hiện hành; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cho người cao tuổi nghèo khó, sống ở khu vực nông thôn, bị khuyết tật, không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội…;

Ngành Y tế Thành phố sẽ tiếp tục triển khai khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi (không phân biệt tạm trú hay thường trú) vào năm 2024 để phát hiện bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu)..., từ đó đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị theo chương trình WHO PEN.

Dữ liệu khám sức khỏe sẽ được liên thông vào Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh không lây do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai.

Thành phố hiện có 162 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với 3.983 hội viên là người cao tuổi tham gia sinh hoạt. Các câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nhiều hình thức như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí kết hợp tư vấn, cung cấp các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.… qua đó góp phần giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, sống có ích cho gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, có 162 tổ tình nguyện viên với 2.104 người tham gia tình nguyện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ cho 5.044 người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng. (Theo báo nhandan.vn).

 

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Như nhiều phụ nữ khác trên địa bàn, chị Hà Thị Nở (dân tộc Tày), ở thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu xếp công việc gia đình, nương rẫy để kịp dự buổi truyền thông về dinh dưỡng, làm mẹ an toàn; khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn do Trạm Y tế xã Sơn Phú phối hợp Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Chị Hà Thị Nở chia sẻ, vợ chồng chị sinh được hai con, cháu thứ nhất 14 tuổi, cháu thứ hai mới được 17 tháng tuổi.

Trước kia, nuôi đứa thứ nhất, do hạn chế về kiến thức nên cai sữa sớm; chưa biết kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn… cho nên cháu bị suy dinh dưỡng khá nặng. Đến khi mang thai đứa thứ hai, được cán bộ y tế tuyên truyền về tầm quan trọng của việc chăm sóc dinh dưỡng khi có thai, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ... do vậy, bên cạnh việc khám thai định kỳ, chị đã ăn thêm nhiều loại thức ăn bổ dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho mẹ, phát triển của thai nhi và tạo sữa nuôi con sau này.

Ngoài việc tiếp tục cho con bú, vợ chồng tôi thường xuyên bổ sung các nhóm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày cho con như: Thịt, cá, tôm, trứng, đậu đỗ và hoa quả để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho con mau lớn và khỏe mạnh; Hằng tháng đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, uống bổ sung vitamin A và thường xuyên cân, đo chiều cao cho con.

Y sĩ Quan Trung Sỹ, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Phú cho biết, là xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang, Sơn Phú hiện có hơn 3.225 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Kinh, Dao, H’Mông. Do bận làm nương, rẫy cho nên việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình chưa được coi trọng, phụ nữ trong thời gian mang thai thường không đến trạm khám thai đủ số lần theo quy định; nhiều bà mẹ thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng và hay đau ốm.

Trước thực trạng nêu trên, được sự hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên, cán bộ trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách và cách chế biến những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng thông qua các mô hình phục hồi dinh dưỡng được triển khai tại các thôn, bản và các buổi tiêm chủng tại trạm.

Hằng tháng nhân viên y tế thôn, bản đến các hộ gia đình tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản; vận động phụ nữ mang thai tới khám thai định kỳ; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có tại gia đình… Kết quả từ những nỗ lực đó là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng của trẻ em trong xã giảm còn 15,2%; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao là 23,92%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai trong ba thời kỳ của thai đạt 95%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đạt 91%...

Bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên, Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Thực hiện Dự án Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể và đem lại kết quả tích cực.

Trung tâm đã triển khai tập huấn cho 180 cán bộ dinh dưỡng tuyến cơ sở; tập huấn nâng cao năng lực cho 491 cán bộ y tế thôn, bản các xã vùng III về khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi; tổ chức 2.112 buổi truyền thông giáo dục, tư vấn dinh dưỡng; gần 6.000 bà mẹ được tư vấn về dinh dưỡng; triển khai Tuần lễ làm mẹ an toàn tại 46 xã vùng III, đối tượng là các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (ưu tiên thanh niên trong độ tuổi kết hôn, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ)...

Ngoài ra, Khoa Sức khỏe sinh sản phối hợp Trung tâm Y tế huyện Na Hang tổ chức khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho hàng trăm phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 60 trên địa bàn; giám sát, hỗ trợ về chuyên môn cho các trạm y tế tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, làm mẹ an toàn, thực hiện các biện pháp tránh thai; đào tạo chăm sóc trước, trong và sau sinh cho các cô đỡ, nhân viên y tế thôn bản tại 46 thôn, bản vùng sâu, vùng xa…

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám ít nhất bốn lần trong ba thời kỳ của thai đạt tỷ lệ 75%; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế đạt 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh tại nhà ba lần trong 42 ngày sau đẻ đạt 75%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc ba bệnh trong thời kỳ mang thai đạt 50% so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 46 thôn đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em còn nhiều hạn chế. Mặt khác do phong tục tập quán cho nên cán bộ y tế là người dân tộc khác rất khó tiếp cận đồng bào dân tộc người H’Mông khi sinh nở; kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên còn thấp cho nên họ thiếu sự nhiệt tình thực thi nhiệm vụ được giao.

Do vậy, tỉnh Tuyên Quang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để mở rộng, duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại những vùng đặc biệt khó khăn. (Theo báo nhandan.vn).

 

 

Lần đầu tiên tại Nghệ An thực hiện phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định

Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Nghệ An vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định. Đây là lần đầu tiên loại đốt sống nhân tạo hiện đại này được sử dụng trong phẫu thuật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Việc thực hiện thành công ca phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực y học tại Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Nghệ An nói riêng, cũng như ngành y tế Nghệ An nói chung.

Sử dụng đốt sống cổ nhân tạo tiên tiến nhất trong phẫu thuật

Bệnh nhân L.T.T., 52 tuổi, ở huyện Anh Sơn - Nghệ An bị tai nạn sinh hoạt, vật cứng rơi vào đầu, gây vỡ thân đốt sống cổ C5. Sau khi bị chấn thương, bệnh nhân đau nhói vùng cột sống cổ, hai tay đau nhức vận động khó khăn. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Nghệ An để cấp cứu. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán Chấn thương cột sống cổ: Vỡ thân đốt sống C5 A2 -Frankel D.

Sau khi được hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật thay đốt sống cổ C5 bằng phương pháp Phẫu thuật cắt thân đốt sống, ghép xương và cố định cột sống cổ (ACCF) sử dụng "Đốt sống nhân tạo cột sống cổ điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định" để điều trị cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật đã được thực hiện bởi kíp mổ của Bác sĩ CKII. Trần Văn Biên - Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa PTTK-SN-CS cùng các cộng sự. Việc thay thế đốt sống C5 bằng đốt sống nhân tạo có khả năng điều chỉnh được độ cao, giúp hệ thống cột sống cổ hoạt động ổn định trở lại.

Ngay sau mổ, bệnh nhân đỡ hẳn cơn đau nhức nhối vùng cột sống cổ, sau đó lan xuống hai vai và hai tay, cảm giác vận động của đôi tay nhẹ nhàng hơn. Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy vận động tốt hơn. 10 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi vận động gần như hoàn toàn và được xuất viện.

Ưu điểm của đốt sống cổ nhân tạo điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định

Với phương pháp mổ trước đây, bác sĩ phải sử dụng đốt sống nhân tạo và bộ nẹp vít tách rời để cố định, vì thế đòi hỏi phải đo đạc rất tỉ mỉ và khá khó khăn trong quá trình lắp đặt. Sự ra đời của đốt sống nhân tạo cột sống cổ mới giúp điều chỉnh kích thước phù hợp nhất với đốt sống cần thay thế. Đốt sống nhân tạo cột sống cổ điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định là một giải pháp mang tính đột phá cho những trường hợp tổn thương cột sống cổ, cần phải thay thân đốt sống cổ.

Bác sĩ CKII. Trần Văn Biên cho biết: "Việc thực hiện thành công ca phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo điều chỉnh được độ cao kèm vít cố định lần đầu tiên tại Nghệ An đã mang lại niềm hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân khác đang đối mặt với những vấn đề tương tự và mở ra những triển vọng mới trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống".

Với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng điều trị và mang lại sự hài lòng cho người bệnh, trong những năm qua, Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Sọ não - Cột sống luôn không ngừng nâng cao tay nghề chuyên môn, làm chủ nhiều kỹ thuật điều trị mới, hiện đại; đặc biệt là các kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý cột sống như: Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phẫu thuật ít xâm lấn; Phẫu thuật cố định cột sống bằng bắt vít qua da; Phẫu thuật lấy đĩa đệm, ghép xương và cố định cột sống cổ; Phẫu thuật cắt thân đốt sống, ghép xương và cố định cột sống cổ; Phẫu thuật điều trị xẹp loãng xương bằng bơm xi măng qua da; Phẫu thuật cố định cột sống bằng nẹp mềm liên cung sau…

Nhờ đó, người dân tại tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận được điều trị bằng các kỹ thuật tiên tiến ngay tại địa phương, hạn chế tỉ lệ chuyển tuyến và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Bé trai 3 tháng tuổi lây giang mai từ mẹ

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc giang mai bẩm sinh sớm và là trường hợp bệnh được truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Ngày 3/10, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhi nam, 3 tháng tuổi, vào viện vì bong vảy ở lòng bàn tay và lòng bàn chân khoảng 2 tuần nay. Khai thác tiền sử được biết, trẻ là con đầu, đẻ mổ đủ tháng, cân nặng khi sinh là 3,5kg. Có vàng da sơ sinh kéo dài 1 tháng.

TS.BS. Phạm Thị Minh Phương - Trưởng khoa Khám bệnh, Trưởng phòng khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đứng trước bệnh nhân này, ngoài nghĩ tới các bệnh lý da viêm thông thường như viêm da cơ địa,… thì giang mai bẩm sinh cũng cần được nghĩ tới. Khai thác tiền sử của bố và mẹ thì đều chưa làm xét nghiệm giang mai (người mẹ trong quá trình mang thai không được làm xét nghiệm sàng lọc, kể cả trước mổ), hiện tại không có biểu hiện tổn thương da.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhi, test nhanh giang mai dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc giang mai bẩm sinh sớm và là trường hợp bệnh được truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Bệnh nhi đã được sàng lọc các tổn thương cơ quan bộ phận khác và cho kết quả bình thường.

Giang mai bẩm sinh là gì?

Theo BS. Phương, giang mai bẩm sinh là trường hợp mẹ mắc bệnh giang mai và truyền cho thai nhi trong khi mang thai. Sự lây truyền thường xảy ra từ tháng thứ 4 – 5 của thai kỳ.

Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong. Các trường hợp nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng thấy xuất hiện các thương tổn giang mai, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm.

Giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi; khi 5 - 6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.

Biển hiện giang mai bẩm sinh

BSNT. Nguyễn Doãn Tuấn - Khoa điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu, thường gặp nhất là trong 3 tháng đầu với các triệu chứng như: phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài làm trở ngại vận động). Trẻ đẻ ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ, gan, lách to.

Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện sau sinh 3 – 4 năm với các biểu hiện như: viêm giác mạc kẽ thường xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, về sau cả hai bên và có thể dẫn đến mù, lác quy tụ, điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ.

Ngoài ra còn có thể thấy các dị hình như: thủng vòm miệng, trán dô, xương chày lưỡi kiếm…

Giang mai bẩm sinh có chữa được không?

BS. Tuấn cho hay, nếu bệnh giang mai bẩm sinh được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi và không để lại di chứng.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên được sàng lọc bệnh giang mai ít nhất 1 lần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp phòng ngừa và loại trừ hiệu quả nhất bệnh giang mai bẩm sinh.

Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng ghi nhận bệnh nhân nam, 54 tuổi, khởi phát bệnh trước khi đi khám 10 ngày với biểu hiện dát đỏ vùng rãnh quy đầu dương vật. Sau đó, tổn thương tiến triển thành vết loét dần lan rộng, kèm sốt 39 độ C. Bệnh nhân tự rửa sinh dục bằng cồn iode và bôi thuốc dạng bột không rõ thành phần nhưng không đỡ nên mới đi khám.

Các bác sĩ thấy tổn thương loét sâu vùng quy đầu dương vật, nền vết loét cứng, không đau, không ngứa; có nhiều hạch bẹn bên phải. Ngoài ra, bệnh nhân không có tổn thương da ở vị trí khác, không có tổn thương niêm mạc miệng hay mắt. Bệnh nhân kể, trước thời điểm xuất hiện tổn thương sinh dục 2 tháng, bệnh nhân có quan hệ tình dục không an toàn.

Bệnh nhân được làm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai và xét nghiệm tế bào học dịch tổn thương tại vết loét. Kết quả xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu và không đặc hiệu giang mai đều dương tính. Bác sĩ chẩn đoán bệnh ở bệnh nhân này là giang mai thời kỳ I hay giang mai sơ phát. Bệnh nhân được điều trị bằng Benzathin penicillin G, tiêm mông, liều duy nhất và được hẹn khám lại sau 1 tháng. Các bác sĩ cũng tư vấn cho bệnh nhân hiểu về nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình và khuyên bệnh nhân thuyết phục các bạn tình của mình đến để làm xét nghiệm kiểm tra. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

 

Nôn ra máu, người bệnh bất ngờ được phát hiện vỡ tĩnh mạch dạ dày nguy kịch

Ngày 2/10, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, bệnh viện vừa can thiệp cấp cứu thành công người bệnh vỡ tĩnh mạch dạ dày chảy máu nguy kịch.

Bệnh nhân P.V.T. 58 tuổi (Đông Triều – Uông Bí) nhập viện trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, trước đó người bệnh có tiền sử xơ gan. Sau khi tiến hành thăm khám và dựa trên các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh có xuất huyết tiêu hoá do giãn, vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày trên nền xơ gan.

Tình trạng vô cùng nguy kịch, nếu không xử trí kịp thời người bệnh sẽ rơi vào tình trạng sốc mất máu, rối loạn toan kiềm, nguy cơ tử vong rất cao.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định nội soi thực quản dạ dày tá tràng để chẩn đoán và can thiệp. Quá trình nội soi, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có búi giãn tĩnh mạch dạ dày có điểm chảy máu rõ.

Các bác sĩ tiến hành thắt búi giãn tĩnh mạch phình vị bằng vòng cao su cho người bệnh. Sau can thiệp, tình trạng chảy máu đã được kiểm soát, người bệnh được điều trị tích cực và dự kiến ra viện trong 1-2 ngày tới.

Theo các bác sĩ bệnh viện cho biết, tình trạng vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản hoặc tĩnh mạch dạ dày (hay gặp tĩnh mạch phình vị - phần trên của dạ dày) là biến chứng hay gặp ở người bệnh xơ gan. Tỉ lệ tử vong do biến chứng vỡ búi giãn tĩnh mạch là rất cao trên nhóm người bệnh này.

Việc thắt búi giãn tĩnh mạch phình vị bằng vòng cao su tuy chỉ là biện pháp giải quyết tạm thời, nhưng kĩ thuật tương đối khó khăn do vị trí búi giãn không thuận lợi, thông thường chỉ áp dụng kĩ thuật này cho búi giãn ở tĩnh mạch thực quản. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Sốt virus ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi là phản ứng sốt ở trẻ khi nhiễm một loại virus nào đó. Thực tế ghi nhận, tình trạng nhiễm virus có sốt thường gặp nhất là vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng, điều này sẽ khiến trẻ dễ bị mắc bệnh.

Sốt virus ở trẻ khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng, sốt ruột, vì không biết bao lâu sẽ khỏi. Thực tế cho thấy sốt virus đa số là lành tính và có thể khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, việc phụ huynh không đưa trẻ đi khám, tự mua thuốc về cho trẻ uống, chăm sóc không đúng... có thể sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, hoặc gây ra tình trạng kháng thuốc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Nhận biết trẻ sốt virus

Sốt virus là bệnh thường gặp ở trẻ em, do sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện. Virus gây bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và bùng phát thành dịch.

Hiện có khoảng 200 loại virus khác nhau, do đó mỗi trẻ có thể bị sốt virus nhiều lần. Các biểu hiện khi trẻ sốt virus thường giảm dần sau 3 - 5 ngày và hết hẳn sau 7 ngày. Sốt virus ở trẻ thường có những biểu hiện sau:

- Trẻ có biểu hiện sốt cao: Cách nhận biết sốt virus ở trẻ so với những bệnh đường hô hấp khác là trẻ sẽ sốt cao trên 39 độ C, thậm chí có thể sốt lên đến 41 độ C. Đây là triệu chứng điển hình nhất của sốt virus. Sốt cao thường xuất hiện sau 3 - 5 ngày khởi phát bệnh và sẽ giảm dần. Trong cơn sốt trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng các loại thuốc hạ sốt thông thường.

- Biểu hiện đau người: Bên cạnh sốt cao, đau cơ bắp, đau toàn thân, đau đầu... là những triệu chứng của sốt virus ở trẻ. Điều này khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc.

- Biểu hiện rối loạn tiêu hóa: Trong một số trường hợp, trẻ bị sốt virus sẽ kèm rối loạn tiêu hóa, với đặc điểm đi ngoài phân lỏng, có chất nhày, không có máu. Rối loạn tiêu hóa có thể xuất hiện cùng lúc hoặc muộn hơn vài ngày sau khi sốt.

- Xuất hiện phát ban: Phát ban thường xuất hiện 2 - 3 ngày sau sốt và tự lặn đi sau đó mà không để lại sẹo.

- Biểu hiện của viêm đường hô hấp: Ho, chảy nước mũi, hắt nơi, xuất hiện hạch ở đầu cổ, nôn nhiều... là những biểu hiện sốt virus ở trẻ mà bố mẹ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp.

Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám để phát hiện đúng bệnh, từ có đó biện pháp điều trị phù hợp.

Xử trí đúng khi trẻ bị sốt virus

Khi trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ không nên quá lo lắng hoặc quá chủ quan. Các dấu hiệu sốt virus ở trẻ thường giảm dần sau 3 - 5 ngày và hết hẳn sau 7 ngày.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị sốt virus ở trẻ. Do đó, điều trị hạ sốt cho trẻ bằng cách nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, điều trị các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Ngay khi có các dấu hiệu sốt virus ở trẻ, cha mẹ cần xử trí đúng cách:

- Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C cần chườm mát cho trẻ, lau khô mồ hôi, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát. Trường hợp sốt 38,5 độ C trở lên thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ, thông thường là thuốc hạ sốt đường uống Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần, cách nhau 4 - 6 giờ.

- Nếu trẻ sốt trên 39,5 độ C hoặc có tiền sử co giật, phụ huynh có thể dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt và lau mát bằng nước ấm trong 30 phút. Sau đó đưa trẻ tới bệnh viện, nếu trẻ bị co giật, cha mẹ giữ trẻ nằm ở nơi an toàn, kê đầu trẻ nằm nghiêng lên một chiếc gối mềm để giảm đờm nhày ra ngoài và gọi cấp cứu rồi đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

- Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu như súp, nước hoa quả, cháo... Theo dõi các dấu hiệu nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Cha mẹ cũng lưu ý, cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu:

Sốt cao liên tục trên 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Li bì, ngủ nhiều, lơ mơ, đau đầu.

Xuất hiện sốt co giật.

Buồn nôn, nôn khan nhiều lần.

Tóm lại: Sốt virus là bệnh lây truyền rất dễ gây thành dịch. Do đó, khi có dịch sốt virus, cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Một số nguyên tắc phòng ngừa sốt virus bao gồm:

- Trẻ bị nhiễm virus cần được nghỉ học để tránh lây truyền với trẻ khác.

- Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ và các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ.

- Giữ gìn vệ sinh, lau chùi nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng.

- Giữ vệ sinh cho trẻ, không cho trẻ ngậm tay, đồ chơi, thường xuyên rửa tay cho trẻ.

- Hạn chế đến nơi đông người. Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài lúc thời tiết mưa, lạnh.

- Nếu trẻ có các dấu hiệu sốt virus như ho, sổ mũi, sốt cao... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị, tránh lây lan cho anh chị em trong nhà và các bạn cùng lớp.

- Hiện nay, một số loại bệnh do virus gây ra đã có vaccine phòng ngừa như vaccine viêm não Nhật Bản, Sởi – Quai bị - Rubella… cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh và tạo độ miễn dịch cho trẻ. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.865
Tháng 11 : 143.346
Năm 2024 : 2.724.848
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.523.362