Cách bảo quản thực phẩm khô mùa giông bão
Rất nhiều thực phẩm khô có giá trị dinh dưỡng không thua gì thực phẩm tươi và mang lại nhiều tiện dụng cho người nội trợ. Nhưng nếu bảo quản thực phẩm khô không đúng cách sẽ khiến thực phẩm xuất hiện nấm mốc, gây nhiều nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh ung thư gan.
Giá trị dinh dưỡng
Cũng như rau và trái cây, quá trình làm khô cũng làm mất đi một số loại vitamin trong cá như A,D,E…Tuy nhiên, người ta tìm thấy trong các loại hải sản khô như cá, mực, tôm. Hàm lượng đường, đạm, béo…của thực phẩm khô không thay đổi mà còn có vẻ dồi dào hơn và cô đặc do nước bị bốc hơi hết.
Lượng calorie của trái cây khô rất cao, trung bình là 275 kcal/100g, gấp 3-5 lần so với các loại hoa quả tươi ban đầu. Trong quá trình làm khô hoa quả, các loại vitamin không tránh khỏi bị mất đi nhưng khoáng chất có giá trị khác như can-xi, natri, sắt và ma-giê, cũng như cellulose và pectin, được bảo tồn nguyên vẹn và đầy đủ. Vì vậy, trái cây khô là loại thực phẩm tập trung tự nhiên của các chất dinh dưỡng.
Bệnh hiểm chực chờ
Theo Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thực phẩm khô nếu không bảo quản đúng cách sẽ dễ bị mốc và nấm mốc. Aflatoxin là một loại độc tố do các loại nấm mốc Aspergillus flavus tạo ra, có thể gây ung thư gan và xơ gan.
Nấm mốc Aspergillus flavuscó nhiều ở các loại ngũ cốc như: bắp, gạo, đậu phộng, hạt hướng dương…Không chỉ có các loại ngũ cốc, mà bất kể loại thực phẩm khô nào trong quá trình chế biến, vận chuyển, bảo quản không đúng đều có thể xuất hiện nấm mốc. Do vậy vấn đề bảo quản, không sử dụng các thực phẩm đã bị hỏng, bị nấm mốc là một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa trong việc hạn chế tần suất xuất hiện bệnh ung thư gan nguyên phát.
Nấm mốc bám vào thực phẩm khi nấu chín cũng sẽ chết, không phát triển được trong cơ thể người, tuy nhiên độc tố có trong nấm chính là nguyên nhân gây hại cho cơ thể. Việc cạo hết mốc hay rửa bằng nước có thể sẽ không còn nhìn thấy vết nấm mốc trên thực phẩm nhưng độc tố đã ngấm sâu vào bên trong của thực phẩm.
Vì thế, khi thực phẩm đã bị mốc thì dù có phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể làm chúng hết được. Ánh nắng mặt trời chỉ có tác dụng hút bớt độ ẩm và làm khô thực phẩm, để từ đó không làm thực phẩm bị mốc (giảm bớt điều kiện môi trường để nấm dễ phát triển). Vì vậy, khi thực phẩm đã bị mốc, tốt nhất là không nên sử dụng.
Cần bảo quản đúng
Nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thực phẩm khô là bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tùy từng loại thực phẩm mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh.
Để giữ thực phẩm khô lâu bị ẩm mốc, dù là phơi hay đã sấy, phải để trong tủ lạnh (ngăn mát đựng rau quả), bao ngoài bằng lớp giấy báo hoặc giấy hút ẩm, kế đến là bao ni-lông cột chặt miệng lại. Bằng cách này, sản phẩm vẫn ngon và giữ được mùi vị đặc trưng trong vài tháng. Nếu thực phẩm đã bị nấm, mốc thì nên bỏ, không tiếp tục dùng vì trong thực phẩm mốc có chứa vi nấm có thể gây ung thư gan.
Việc đặt lên ngăn đá không làm hải sản khô đông cứng, mà trái lại là cách để giữ được độ dẻo ngon của hải sản khô.
Đặc biệt, đối với những thực phẩm hải sản khô, sau khi mua về nên phơi lại 2-3 nắng cho thật khô. Nếu không ăn ngay mà cần bảo quản thì nên để vào lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc gói kín bởi 2-3 lớp giấy báo, sau đó quấn bên ngoài một lượt ni-lông để ngăn mùi lan sang các loại thực phẩm khác rồi đặt lên ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ tốt nhất là -18⁰ C.
Việc đặt lên ngăn đá không làm hải sản khô đông cứng, mà trái lại là cách để giữ được độ dẻo ngon của hải sản khô. Không nên đặt dưới ngăn mát, độ bảo quản không được dài và hải sản khô sẽ bị hút mất hơi ấm khiến chứng trở nên cứng, ăn không còn ngon, ngọt. Để trong tủ lạnh độ 3-4 tuần, nên bỏ ra phơi lại rồi tiếp tục bảo quản như hướng dẫn trên.
Theo SK&ĐS