Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bão số 10
Để hạn chế đến mức nhất do bão số 10 gây ra đối với các cơ sở khám chữa bệnh, chiều 14/9 Dược sỹ Trần Thái Sơn – Phó Giám đốc Sở Y tế cùng các thành viên trong đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại các cơ sở khám, chữa bệnh các huyện ven biển gồm: Lộc Hà, Nghi Xuân và Can Lộc.
Tại các đơn vị, đoàn tập trung kiểm tra hoạt động của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão; sự chuẩn bị sẵn sàng của các đội phẫu thuật lưu động, đội cấp cứu vận chuyển và đội phòng chống dịch; công tác 4 tại chỗ cho bệnh nhân; kiểm tra các dụng cụ phun hóa chất, ô tô, máy phát điện, áo phao... bộ trang thiết bị tiểu phẫu, các cơ số thuốc phục vụ cấp cứu cũng như thuốc Cloramin B…
Tại đây, Dược sỹ Trần Thái Sơn đã đánh giá cao việc chuẩn bị các cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão của các bệnh viện, nhất là bệnh viện đa khoa Lộc Hà và Bệnh viện Nghi Xuân. Dược sỹ Trần Thái Sơn cũng đề nghị các bệnh viện cần lưu ý tập trung thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ; chủ động việc sơ tán bệnh nhân, có thể cho về nhà đối với các bệnh nhân nhẹ; cắt cử đầy đủ nhân lực đảm bảo trực đủ quân số 24/24 giờ; làm tốt việc chằng chống, bảo vệ tài sản của đơn vị. Đặc biệt, cần đảm bảo thông suốt thông tin, cập nhật và báo cáo đầy đủ tình hình về Sở Y tế; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị khác, theo sự điều động của Sở Y tế khi có tình huống khẩn cấp.
Cũng trong chiều ngày 14/9, Bác sĩ Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng các thành viên trong đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 10 tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Hà, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Đồng thời, đoàn cũng đã đến kiểm tra việc sơ tán cán bộ công nhân viên tại khu tập thể bệnh viện đa khoa tỉnh (cũ), nhằm tránh thương vong về người và hư hại tài sản.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại các cơ sở khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đoàn đã đánh giá cao công tác chuẩn bị các phương án, giải pháp trước, trong và sau bão tại các đơn vị y tế. Đặc biệt các đơn vị đã phát huy phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với mưa, bão; đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; hạn chế thiệt hại về vật chất, tài sản, bác sĩ Nguyễn Tuấn đề nghị các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực ban 24/24h, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra; tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa, bão, sạt lỡ đất khi có lệnh; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh trong, sau mưa bão.
Tại khu tập thể Bệnh viện đa khoa tỉnh cũ, nhà cửa xuống cấp, dột nát, hư hỏng nặng, nguy cơ ảnh hưởng về người và tài sản của cán bộ công nhân viên tại đây. Tuy nhiên, đến 17h vẫn còn 13 hộ gia đình chưa sơ tán. Trước tình hình đó, đoàn lãnh đạo Sở Y tế đã đến động viên, hướng dẫn người dân chấp hành việc sơ tán đến nơi an toàn nhằm hạn chế thương vong về người và hư hỏng tài sản cho cán bộ công nhân viên y tế sống tại khu tập thể. Sau khi được giải thích, hướng dẫn 13 hộ còn lại đã chấp hành sơ tán đến nơi an toàn.
Chiều ngày 14/9, Đoàn công tác của Sở Y tế đã có buổi kiểm tra việc triển khai công tác y tế để chủ động ứng phó với cơn bão số 10 tại BV đa khoa thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thành phố Hà Tĩnh, Trung tâm YTDP Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh.
Tại Bệnh viện đa khoa Thị xã Kỳ Anh, sau khi đi kiểm tra thực tế cho thấy: Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh đã tích cực, chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống cơn bão số 10 như: BGĐ đã giao cho các khoa phòng tự gằng cố, chằng buộc lại các công trình xây dựng, buồng bệnh tại khoa; chuẩn bị 2 cơ số thuốc cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu; chuẩn bị các loại đèn tích điện, đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng khi mất điện xảy ra; đóng tất cầu giao điện trước khi ra về tại những khoa phòng không trực; chuẩn bị các thiết bị máy phát điện khi có sự cố mất điện xẩy, nhằm cung cấp điện những nơi cần thiết; các kíp trực thường trú (phẫu thuật, gây mê, nhà mổ, truyền máu, hành chính, lái xe,…) mở điện thoại 24/24h, sẵn sàng có mặt khi được đơn vị huy động…
Tại các khoa cận lâm sàng, bệnh viện đã có hương án bảo vệ hoặc di dời bệnh nhân, trang thiết bị y tế tại các khoa phòng có nguy cơ tốc mái, gió lùa đến những khoa an toàn; tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa, bão, sạt lỡ đất khi có lệnh… đến thời điển này, có 403 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây, BGĐ Bệnh viện cũng đã yêu cầu khoa dinh dưỡng, cũng như căng tin của Bệnh viện chuẩn bị đầy đủ các lương thực cần thiết để phục vụ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng như y, bác sỹ trực tại bệnh viện…
Cũng trong chiều 14/9, đoàn cũng đã đi nắm tình hình công tác phòng, chống bão tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên, Thành phố Hà Tĩnh; Trung tâm Y tế dự phòng Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh, tại đây cho thấy các đơn vị cũng đã chủ động sãn sàng ứng phó với cơn bão với phương châm 4 tại chổ…
Nhật Thắng - Thanh Loan - Tuấn Dũng