Ban chỉ đạo công tác Dân số- KHHGĐ tỉnh triển khai các nhiệm vụ quan trọng của công tác dân số.
Sáng ngày 9/12, Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ tỉnh (BCĐ) tổ chức họp để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác dân số thời gian qua, triển khai một số nhiệm vụ quan trọng thời gian tới. Chủ trì cuộc họp có đồng chí Đặng Quốc Vinh, Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh và Bác sĩ Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh.
Những năm qua, BCĐ các cấp đã phát huy tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định kiện toàn BCĐ thực hiện công tác DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh; tại cấp huyện cũng kịp thời kiện toàn BCĐ khi có sự thay đổi nhân sự. Tại cấp xã, 100% xã phường đã kiện toàn BCĐ sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ công tác dân số từ UBND cấp xã sang trạm y tế. Công tác DS- KHHGĐ tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ như triển khai các lớp tập huấn; đẩy mạnh truyền thông giáo dục từ tuyến tỉnh đến huyện, xã thị trấn, đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ-SKSS như triển chiến dịch “Tăng cường truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ-SKSS”, cung cấp dịch vụ thường xuyên tại trạm y tế xã và các cơ sở y tế, thực hiện các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số….
Tuy nhiên, công tác dân số ở Hà Tĩnh năm 2019 vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Cụ thể tỷ lệ sinh trên 2 con trong 11 tháng đầu năm 2019 ở Hà Tĩnh là 30,8%, tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2018; tỷ số giới tính khi sinh ước đạt 110,75 bé trai/100 bé gái, tăng 3,2 điểm phần trăm so với năm 2018; sàng lọc sơ sinh chưa đạt chỉ tiêu xã hội hóa. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ mới thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng đạt thấp(71%), đặc biệt số người sử dụng dụng cụ tử cung ước chỉ đạt khoảng 62% kế hoạch.
Trước những khó khăn trên, hội nghị đã tập trung phân tích rõ các nguyên nhân cũng như đưa ra các giải pháp để triển khai công tác Dân số trong thời gian tới. Cụ thể như: Tổ chức bộ máy cấp huyện, xã còn chưa ổn định, chưa thống nhất, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập nên cán bộ phụ trách dân số thiếu nhiệt huyết trong công việc. Một số địa phương chưa bố trí đủ kinh phí cho hoạt động dân số theo Nghị quyết 78/2013/NQ-HĐND tỉnh nên gặp khó duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng các mô hình, đề án. Các thành viên trong Ban chỉ đạo, các cấp ngành phối hợp chưa chặt chẽ; cán bộ, đảng viên còn vi phạm chính sách DS/KHHGĐ, gây ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu các ý kiến của hội nghị để hoàn thiện báo cáo, các thành viên Ban chỉ đạo góp ý để hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban. Để từng bước chuyển hướng từ DS-KHHGĐ sang Dân số và phát triển với mục tiêu khuyến khích sinh đủ 2 con và tập trug nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết 21 ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa 12 về công tác dân số trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của Trung ương. Ban chỉ đạo tỉnh cần tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành các nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Y tế tham mưu văn bản phù hợp để nêu gương và có chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, cần xem xét gắn với công tác thi đua khen thưởng. Đặc biệt đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện, trong đó phát huy vai trò của thành viên ban chỉ đạo, MTTQ, các khối đoàn thể. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn, tuyên truyền và củng cố, kiện toàn mạng lưới công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở; cải thiện phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân số các cấp, soát xét lại hoạt động, đặc biệt là cơ quan thường trực. Bố trí đủ ngân sách cho các huyện theo quy định.
Ngân Khánh